Chủ động, linh hoạt sản xuất vụ đông xuân

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 13/01/2022 09:21

Sở NN - PTNT khuyến khích tăng tính chủ động, linh hoạt trong mọi khâu để bảo đảm hiệu quả sản xuất vụ đông xuân 2021-2022. Trong đó, các địa phương cần tăng cường sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Vụ đông xuân này, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 11.600 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước trên 4.700 ha, ngô gần 1.900 ha, rau và đậu các loại khoảng 3.300 ha.

Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp tiếp tục khuyến cáo người dân sử dụng các giống cây trồng ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao. Cụ thể, đối với lúa, bà con cần tăng cường sử dụng các loại gống như: RVT, ST24, ST25, VT404, cao sản 541, OM 18, ML 48, tròn dẻo...

Đối với ngô, bà con nên ưu tiên sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng trên dưới 100 ngày như: F1, NK54, NK67, C919, DK 171, PAC339, PAC999… Còn khoai lang, người dân nên trồng các giống Nhật Bản như: Benniazuma, KLC266, HNV1, HNV2; đậu nên sử dụng các giống chịu hạn, cho năng suất cao như: HL0715, HLĐN29, HLĐX7.

Các giống lúa lai ngắn ngày như RVT được tiếp tục khuyến cáo sản xuất tại các cánh đồng lớn, tập trung

Về hướng dẫn sản xuất vụ đông xuân 2021-2022, lãnh đạo Sở NN – PTNT cho biết, đơn vị tiếp tục đề cao tính chủ động của các địa phương trong tổ chức, hướng dẫn, động viên người dân sản xuất.

Trên cơ sở thực tiễn về đất đai, mỗi địa bàn cần xác định thời vụ gieo trồng thích hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, trong đó cần tập trung đề phòng khô hạn vào cuối vụ.

Từ việc nắm bắt mỗi tiểu vùng khí hậu, các địa bàn bố trí cơ cấu, luân canh, chuyển đổi cây trồng hợp lý. Ngoài cây lúa, các địa bàn cần tập trung mở rộng các loại cây trồng chủ lực tại các vùng khác nhau như ngô lai, khoai lang…

Nông dân huyện Krông Nô chủ động chuyển đổi cây trồng vụ đông xuân 2020-2021 trên vùng đất ít nước 

ADQuảng cáo

Ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố phối hợp hướng dẫn, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổng kết, rút kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả để kịp thời nhân rộng.

Trong đó, khuyến khích, hỗ trợ người dân áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hữu cơ. Qua đó, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thị trường về an toàn thực phẩm, chất lượng, tăng giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác.

Giải pháp về nhân rộng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được đội ngũ khuyến nông, nông nghiệp, bảo vệ thực vật các địa phương đẩy mạnh. Từ đó, giúp bà con có thể giảm được chi phí đầu vào, sử dụng hiệu quả các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng chất lượng nông sản.

Nông dân xã Đức Xuyên (Krông Nô) chuẩn bị đất trồng khoai, ngô trên vùng đất cạn

Sở NN - PTNT đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành tạo điều kiện, hỗ trợ một cách tốt nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân trong điều kiện vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh. Từ đó toàn tỉnh không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, bảo đảm sinh kế cho người dân, nhất là nông dân từ đầu năm 2022.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan để tăng cường giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.

Trong đó, đơn vị sẽ quan tâm nhiều hơn đến các khâu giống, quy trình canh tác, chuyển đổi cây trồng tại các địa bàn. Khâu phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm nước tưới trong vụ đông xuân sẽ được ngành Nông nghiệp đặc biệt chú trọng.

"Ngành Nông nghiệp quyết tâm, cùng dốc sức với bà con nông dân để giành thắng lợi vụ đông xuân 2021-2022", bà Tình cho biết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động, linh hoạt sản xuất vụ đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO