Xót xa cảnh vợ chồng già nuôi 2 người con tâm thần trong căn nhà tạm

Thanh Hằng| 07/09/2021 10:22

Ở cái tuổi gần đất xa trời, đôi vợ chồng già vẫn phải gồng mình để nuôi 2 người con mắc bệnh tâm thần. Dịch Covid-19 ập đến, hơn tháng nay, cả 4 người sống nhờ sự trợ giúp của hàng xóm và chính quyền địa phương.

ADQuảng cáo

Đó là hoàn cảnh của vợ chồng bà Nguyễn Thị Sâm (SN 1960) và ông Nguyễn Văn Đường (SN 1959), ở tổ dân phố 6, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil). Bao năm nay, vợ chồng bà Sâm phải tất tả ngược xuôi, kiếm tiền chăm sóc 2 người con mắc bệnh tâm thần.

Căn nhà tạm của vợ chồng bà Sâm cùng 2 con được dựng nhờ trên đất nhà người khác

Vợ chồng bà Sâm sinh được 3 người con, trong đó, người con trai đầu và con gái út mắc bệnh tâm thần từ lúc mới lọt lòng. Dù đã hơn 20 tuổi, nhưng trí tuệ thì như đứa trẻ lên 3, mỗi khi lên cơn lại la hét, đập phá đồ đạc trong nhà.

Trong câu chuyện của mình, bà Sâm không giấu nổi những nỗi niềm u uất, lo lắng cho số phận của những đứa con nếu mai này ông bà qua đời.

Bà Sâm kể: “Năm 1996, vợ chồng tôi sinh cháu Nguyễn Đình Nguyên. Được 4 tháng thì tôi phát hiện cháu không nghe được người lớn gọi, chỉ biết lật chứ không biết bò. Cứ nghĩ con ăn uống thiếu chất, chậm phát triển nhưng mãi sau này đi khám, tôi mới biết cháu bị thiếu oxy não, di chứng để lại đến tận ngày hôm nay”.

Hai đứa con ngờ nghệch, mắc bệnh từ khi mới lọt lòng

Lần lượt 2 người con khác ra đời, may mắn chỉ có Nguyễn Thị Thủy (SN 1998) là người lành lặn, phát triển bình thường. Còn Nguyễn Thị Thơ (SN 2000), cũng giống anh trai, thiếu oxy não, chân tay co quắp, người lúc nào cũng điên dại.

Bao năm qua, mọi nguồn thu nhập của gia đình đều dồn vào việc chữa trị và lo ăn uống cho 2 người con bị bệnh. Mới đây, ông Đường mắc thêm căn bệnh tiểu đường, gai cột sống phải điều trị dài ngày, bà Sâm một mình xoay xở, vừa có cơm cháo nuôi con, vừa có tiền đóng viện phí cho chồng.

Trở về câu chuyện thực tại, bà Sâm cho biết, hai đứa con, mỗi đứa một tính nết. Suốt những năm tháng qua, chẳng có đêm nào vợ chồng bà Sâm yên giấc.

Mỗi khi lên cơn, Đăng Nguyên lại đập đầu xuống đất, tạo thành những khối u lớn trên đầu

ADQuảng cáo

“Thương nhất thằng Nguyên, mỗi lần nó lên cơn là lại dùng tay đập thình thịch vào ngực rồi đập đầu xuống nền nhà. Bây giờ, trên đầu nó có mấy khối u lớn, tóc cũng không mọc được”, bà Sâm nghẹn giọng.

Nói rồi, bà Sâm đưa đôi mắt u uất nhìn về phía cô con gái út- Nguyễn Thị Thơ ngồi co mình như một đứa trẻ ngoan ngoãn. Cô con gái “cho gì ăn nấy”, lại là người khiến vợ chồng bà Sâm khổ sở nhất. Mỗi khi lên cơn, Thơ lại đánh đập anh trai hoặc la hét, quậy phá “như bị trời đày”.

Ở tuổi ngoài 60, nỗi lo toan vợ chồng bà Sâm không có gì ngoài 2 người con chưa từng một lần cất tiếng gọi bố mẹ và người con gái thứ 2-Nguyễn Thị Thủy, vừa tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm.

“Tôi làm thợ mộc, mà mắc tiểu đường nên bây giờ mắt chỉ nhìn thấy mờ mờ. Hàng ngày, bà nhà tôi đi bóc hạt sầu riêng để lo đủ miếng cơm, viên thuốc cho 2 con. Con bé thứ 2 giờ đang mắc kẹt dưới TP. HCM do dịch Covid-19, bữa đói, bữa no, cũng không sao mà giúp bố mẹ ở nhà được”, ông Đường rơm rớm nước mắt.

Bao năm nay, vợ chồng bà Sâm tất tả làm thuê khắp nơi, mong sao đủ cơm cháo cho 2 đứa con ngây dại

Ước mong duy nhất cả đôi vợ chồng nghèo là có một căn nhà của riêng mình để các con có chỗ nương náu những tháng ngày sau này. Bởi ông Đường, bà Sâm lo lắng: “Nếu vợ chồng tôi chết đi liệu 2 đứa con sẽ ra sao? Chúng sống đã không ra người, chỉ lo một mai chúng tôi đi trước thì hai con lại bơ vơ, không ai chăm sóc, nương tựa”.

Trong những ngày dịch giã xuất hiện trên địa bàn, bà con hàng xóm, chính quyền địa phương đã giúp đỡ gia đình nhu yếu phẩm vì ông bà sức khỏe yếu, không đi làm được. Tuy nhiên, mong mỏi lớn nhất của vợ chồng bà Sâm là có một căn nhà nhỏ, làm chỗ che mưa, che nắng cho những đứa con vốn thiệt thòi từ lúc sinh ra.

Bà Sâm, ông Đường lo lắng nếu lỡ mình mất đi, hai con sẽ rơi vào cảnh bơ vơ, không nhà cửa

Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Đắk Nông hy vọng nhận được sự giúp đỡ của độc giả, nhà hảo tâm để giúp gia đình bà Nguyễn Thị Sâm vượt qua những khó khăn hiện nay.

Mọi đóng góp xin gửi về: Bà Nguyễn Thị Sâm, tổ dân phố 3, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, SĐT: 0347.968.153; hoặc thông qua Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Đắk Nông, tài khoản: 63510000006838 tại Chi nhánh BIDV Đắk Nông; điện thoại: 02613.544244.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xót xa cảnh vợ chồng già nuôi 2 người con tâm thần trong căn nhà tạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO