Về bon Bu Nơr nghe chuyện Anh hùng N’Trang Lơng

Hoàng Thanh| 29/04/2011 14:30

Cuộc khởi nghĩa của Anh hùng N’Trang Lơng và nghĩa quân đã diễn ra cách đây gần một thế kỷ. Thế nhưng, trong tâm trí của đồng bào M’nông thì những chiến tích và tinh thần chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ bon làng, quê hương của Anh hùng N’Trang Lơng và nghĩa quân vẫn mãi trường tồn...

ADQuảng cáo

Cuộc khởi nghĩa của Anh hùng N’Trang Lơng và nghĩa quân đã diễn ra cách đây gần một thế kỷ. Thế nhưng, trong tâm trí của đồng bào M’nông thì những chiến tích và tinh thần chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ bon làng, quê hương của Anh hùng N’Trang Lơng và nghĩa quân vẫn mãi trường tồn. Trong cuộc sống thường ngày ở các bon làng hiện nay, thông qua lời hát kể sử thi hay những lời hát ru… của các cụ già, bà mẹ, những câu chuyện về nghĩa quân luôn được lưu truyền mãi mãi cùng các vị anh hùng trong huyền thoại từ ngàn đời của đồng bào M’nông. Theo lời những người già ở bon Bu Nơr (Tuy Đức) thì cho đến nay, những người tham gia khởi nghĩa không còn, chỉ còn con cháu của họ. Cụ Điểu Siêng ở bon Bu Nơr, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) là một người trong số đó.

Theo lời người già, chúng tôi đã tìm về gặp cụ Điểu Siêng ở bon Bu Nơr. Hiện nay cụ đã cao tuổi song trí nhớ vẫn còn khá minh mẫn. Khi hỏi về chuyện nghĩa quân N’Trang Lơng thì cụ vui lắm và kể cho chúng tôi rất nhiều chuyện. Theo lời kể của cụ thì cha, chú của cụ trước đây từng tham gia cuộc khởi nghĩa do Anh hùng N’Trang Lơng làm thủ lĩnh. Lúc đó, cụ chỉ là một cậu bé. Thế nhưng, tuổi thơ của cụ đã được sống trong khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa. Cụ nhớ hồi mình còn bé xíu, có lần đã được cha dẫn vào rừng xem nghĩa quân luyện tập võ nghệ, bắn ná, phóng lao… Trong lần hiếm hoi đó, ông đã được gặp Anh hùng N’Trang Lơng. Theo cụ Điểu Siêng thì Anh hùng N’Trang Lơng là người rất cao lớn, vạm vỡ, giọng nói sang sảng rất cuốn hút mọi người. Ngày đó, những cậu bé như Điểu Siêng luôn mong ước mình nhanh lớn để có thể cầm giáo, cầm ná gia nhập nghĩa quân đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ bà con bon làng. Trong số rất nhiều những câu chuyện mà cha đã từng kể về những chiến công của nghĩa quân thì Điểu Siêng thích nhất là chuyện thủ lĩnh N’Trang Lơng làm lễ trá hàng “kết liên minh” để trừ khử tên thực dân cáo già Hăng ri mét ngay tại bon Bu Nơr. Chuyện xảy ra vào năm 1914, khi đó nhằm giết tên thực dân Hăng ri mét vì những tội ác tày trời mà hắn đã gây ra đối với đồng bào, Bớ R’Ong Leng đã bàn với N’Trang Lơng trá hàng để dụ tên này về bon Bu Nơr làm lễ trá hàng “kết liên minh” rồi nhân đó mà trừ khử. Tưởng nghĩa quân đã quy phục, Hăng ri mét đã vào bon và bị chính thủ lĩnh N’Trang Lơng giết chết. Điều thú vị là người chuốc rượu cho tên thực dân sừng sỏ này là người em gái của vị anh hùng N’Trang Lơng. Sau này, sau khi N’Trang Lơng mất đi, tránh sự trả thù hèn hạ của giặc, cô em gái của N’Trang Lơng đã phải cải tên đi nơi khác sống. Được biết, trong kháng chiến chống Mỹ, Thiếu tướng Phùng Đình Ấm đã từng gặp được bà H’Giang, em gái N’Trang Lơng, khi đó đã gần 70 tuổi. Sau chiến thắng vang dội này, phong trào nghĩa quân N’Trang Lơng ngày càng lên cao. Trai tráng quanh vùng nô nức về tụ nghĩa. Khiếp sợ trước nghĩa quân, một thời gian dài, thực dân Pháp không dám bén mảng đến bon làng, nhờ đó mà bà con có thời gian tăng gia, tích trữ lương thảo ủng hộ nghĩa quân. Điểu Siêng cho biết, N’Trang Lơng có một câu nói mà ai nghe cũng ưng cái bụng và mong muốn đánh đuổi quân xâm lược: “Đất nước ông bà ta, rừng cây khe suối là của ông bà ta, sao ta lại bỏ nhà, bỏ bon đi xâu, đi làm đường cho bọn Pháp để chúng giậm lên lưng ông bà ta, phá phách rừng núi ông bà ta”. Câu nói đó không chỉ như một tuyên ngôn khẳng định chủ quyền mà như một lời hiệu triệu, vì vậy mà N’Trang Lơng đã tập hợp được rất nhiều tầng lớp nhân dân, thuộc nhiều dân tộc ở Tây Nguyên theo mình, trong số đó có những người có rất nhiều của cải song vẫn không màng danh lợi mà còn cống hiến tài sản cho nghĩa quân. Đơn cử như tướng Bớ R’Ong Leng vốn là một tộc trưởng, làm rể ở bon Bu Nơr, nhà có hàng trăm con trâu bò, hàng trăm ché quí nhưng ông vẫn quyết tâm theo N’Trang Lơng lãnh đạo nghĩa quân đánh giặc, bảo vệ bon làng. Hay như Bớ R’Đing, tộc trưởng ở Đắk Rih (Tuy Đức), M’Prah, tộc trưởng ở Bù Gia Mập (Bình Phước)… Cụ Điểu Siêng còn cho biết nghĩa quân rất kính trọng Anh hùng N’Trang Lơng vì mặc dù là một thủ lĩnh song N’Trang Lơng sống rất gần gũi, chan hòa với mọi người, sống và chiến đấu như một người lính. Không những dũng cảm, trong chiến đấu ông rất mưu trí, luôn dùng mưu để giết giặc vừa tránh được thế mạnh của quân thù vừa bảo toàn được lực lượng.

ADQuảng cáo

 Mặc dù cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân N’Trang Lơng không đi đến thắng lợi cuối cùng song hình ảnh của vị thủ lĩnh và tinh thần của nghĩa quân và những chiến công vang dội luôn là niềm tự hào của đồng bào dân tộc M’nông, thúc giục bà con đứng lên chống giặc. Nối tiếp truyền thống, sau này bà con M’nông đã phát huy tinh thần đó theo Đảng, theo cách mạng để giải phóng đất nước, đem lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc, hoàn thành sự nghiêp dang dở của nghĩa quân. Về bản thân mình, Điểu Siêng cho biết cụ rất vui vì Nhà nước và tỉnh đã rất trân trọng vị anh hùng của dân tộc mình, cụ mong sao mình có sức khỏe để được nhìn thấy tượng đài N’Trang Lơng được xây dựng tại thị xã Gia Nghĩa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về bon Bu Nơr nghe chuyện Anh hùng N’Trang Lơng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO