“Vật báu” của người dân ở bon N’Dâr

Hưng Nguyên| 22/12/2011 11:15

Hiện nay, một số gia đình người dân tộc thiểu số ở bon N’Dâr, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) còn lưu giữ 8 bộ chiêng, được xem là những bộ chiêng cổ do dòng họ truyền lại...

ADQuảng cáo

Hiện nay, một số gia đình người dân tộc thiểu số ở bon N’Dâr, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) còn lưu giữ 8 bộ chiêng, được xem là những bộ chiêng cổ do dòng họ truyền lại.

Năm nay 65 tuổi, ông Điểu Plang vẫn thường xuyên lên nương, lên rẫy và có thể tham gia đánh chiêng thâu đêm suốt sáng trong các lễ hội của bon làng. Thấy có người đến hỏi về bộ chiêng, ông Điểu Plang nói ngay: “Tôi không bán đâu, vì đây là bộ chiêng của ông bà để lại mà. Trước khi mất, cha tôi dặn phải giữ chiêng cho tốt, không để mất, không để bể và dạy lại cho con cháu biết tiếp nối truyền thống dân tộc”. Theo ông Điểu Plang thì để có được 2 bộ chiêng này, dòng họ của ông ngày trước đã phải đổi hàng tạ vỏ cây trầm trắng (một loại vỏ cây quý ngày xưa). Gia đình ông Điểu Xrơi cũng được bố mẹ để lại cho 2 bộ chiêng mà theo ông được biết là trước đây phải đổi mỗi con bò cho mỗi chiếc chiêng. Ông Điểu Xrơi tâm sự: “Dù cuộc sống khó khăn thế nào tôi cũng không bao giờ bán vì đây là tài sản của ông cha để lại. Hơn nữa,  tôi giữ chiêng là để dạy cho con cháu cách đánh các bài chiêng truyền thống của dân tộc mình”. Tương tự, các gia đình như Điểu Đôi, Điểu Gơn, Điểu Grơi, Điểu Krâng ở cùng bon cũng đang giữ mỗi gia đình một bộ chiêng hết sức cẩn thận.

2 bộ chiêng cổ của gia đình ông Điểu Plang

ADQuảng cáo

Không chỉ giữ chiêng, các gia đình còn thường xuyên dạy cho con cháu những bài chiêng của dân tộc mình. Được bố Điểu Plang truyền nghề, anh Điểu Tuấn năm nay 30 tuổi đã biết đánh khá nhiều bài chiêng khó. Điều Tuấn tâm sự: “Thời gian đầu học khó nhớ, tay phồng rộp, nhưng giờ thì tôi có thể đánh thâu đêm suốt sáng trong các lễ hội mà không thấy đau nữa”.

Theo ông Điểu Dơi, Trưởng bon N’Dâr thì trước đây, gia đình nào có nhiều chiêng là thể hiện cho sự giàu có, biết làm ăn, có kinh tế ổn định trong vùng. Những bộ chiêng thường được mang đi phục vụ bon làng trong các lễ hội như: lễ mừng lúa mới, lễ ăn trâu, sinh hoạt cộng đồng... Hiện nay, các gia đình không chỉ biết nâng niu, giữ gìn chiêng cổ mà còn biết cách chỉnh chiêng, truyền lại các bài chiêng để các thế hệ sau tiếp nối truyền thống dân tộc. Vì vậy, dù khó khăn thế nào, người dân vẫn luôn giữ gìn các bộ chiêng, xem như là  “vật báu” của bon làng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vật báu” của người dân ở bon N’Dâr
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO