Lễ đặt tên cho con của người Mạ

Bài, ảnh: Y Krăk| 09/11/2018 10:16

Dân tộc Mạ là 1 trong 3 dân tộc thiểu số tại chỗ ở tỉnh ta, hiện có khoảng 10.000 người, chủ yếu cư trú ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), huyện Đắk Glong và một phần của huyện Đắk R’lấp.

ADQuảng cáo

Người Mạ có rất nhiều nghi lễ độc đáo như lễ cúng thần rừng, lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới... Trong đó, nghi lễ đặt tên cho con mang ý nghĩa quan trọng đặc biệt của vòng đời người. Nghi lễ này nhằm để dòng họ công nhận đứa trẻ chính thức là một thành viên mới trong gia đình và là dấu mốc đầu tiên trong đời người.

Sau khi chủ lễ làm Lễ đặt tên xong, các thành viên trong gia đình đứa trẻ đeo dây hạt cườm để cầu chúc cho đứa trẻ luôn khỏe mạnh, chóng lớn

Theo phong tục của người Mạ, khi đứa trẻ mới sinh ra được 7 ngày tuổi người nhà phải làm lễ đặt tên và gọi hồn để đứa trẻ được Yàng, tổ tiên che chở, phù hộ không ốm đau, chóng lớn.

Để làm lễ đặt tên cho con, người nhà đứa trẻ phải thông báo cho họ hàng biết trước từ 2-3 ngày để mọi người sắp xếp thời gian, công việc đến chung vui. Trong khi đó, gia đình đứa trẻ lên rừng lấy lá bép, đọt mây, bắt cá suối, chuẩn bị củi, gạo... để làm đồ cúng và thức ăn trong buổi lễ.

Người được mời tham gia buổi lễ gồm có già làng, bà đỡ, người mẹ và đứa con mới sinh, bà con bên nội bên ngoại của em bé để làm chứng. Những người được mời tham gia buổi lễ, ai cũng chuẩn bị tặng cho trẻ một món quà như lúa nương, đôi gà trống mái, lắc tay...

ADQuảng cáo

Nghi lễ được tổ chức tại gia đình đứa trẻ. Ðồ cúng gồm có thịt heo, tiết heo, rượu cần và một số món ăn truyền thống. Sau khi đồ cúng đã chuẩn bị sẵn, chủ lễ (thường là già làng hay người lớn tuổi trong dòng họ) lấy ngón tay chấm vào chén tiết heo được dùng để hiến tế, bôi lên trán đứa trẻ.

Tiếp đến, chủ lễ đọc lời khấn để mời Yàng, tổ tiên về chứng kiến lễ đặt tên và gọi hồn cho đứa trẻ. Sau đó, các thành viên hai bên gia đình chấm tay lên tiết, bôi lên trán, đeo dây hạt cườm để cầu mong thần linh ban cho con gái thì xinh đẹp, chăm chỉ, khéo tay; con trai thì được khỏe mạnh để lên rừng săn bắt, giỏi việc nương rẫy.

Ðồ cúng trong lễ đặt tên gồm có thịt heo, tiết heo, rượu cần và một số món ăn truyền thống

Sau khi làm lễ đặt tên xong cho con, bố của đứa trẻ sẽ mời ông bà nội, ngoại, những người trong gia đình và bà con trong bon ăn uống, ca hát nhưng không được đánh chiêng.

Theo ông K'Hô ở xã Đắk P'lao (Đắk Glong) thì lễ đặt tên con có từ thuở xa xưa, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Người Mạ theo chế độ mẫu hệ nên con cái thường được đặt theo họ mẹ. Họ thường chọn tên của ông bà đã khuất, tên những người giỏi giang có tiếng tăm trong dòng họ hoặc tên các con vật, cây cối để đặt tên cho con cháu. Mọi người cũng kiêng không lấy tên các thần linh để đặt cho con vì họ tin rằng những tên này sẽ mang đến tai họa, điềm dữ cho đứa trẻ trong suốt cuộc đời.

Cũng như nhiều dân tộc khác trên địa bàn tỉnh, lễ hội truyền thống của bà con đồng bào dân tộc Mạ đang ngày càng mai một. Những năm gần đây, tỉnh ta đã chú trọng việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là lễ hội, trong đó có lễ đặt tên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ đặt tên cho con của người Mạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO