Xuất khẩu chính ngạch để giảm rủi ro thương mại

Lê Dung| 17/01/2022 09:04

Xuất khẩu hàng hóa của Đắk Nông qua các năm có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và tiềm ẩn những rủi ro. Đắk Nông đang tập trung các giải pháp nhằm khuyến khích xuất khẩu chính ngạch, bảo đảm an toàn, hiệu quả cao.

ADQuảng cáo

Lợi thế chưa được khai thác

Theo Sở Công thương, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện được hơn 1 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2020 và đạt 85,5% so với kế hoạch. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng cao như tiêu đen 112 triệu USD, tăng hơn 2.000 lần; cà phê 170 triệu USD, tăng 11,4%; ván ép 17,9 triệu USD, tăng 244,2%; sản phẩm alumin 285 triệu USD, tăng 49,2%.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu biên mậu năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng giá trị còn rất thấp. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đang có những hạn chế.

Các doanh nghiệp của tỉnh đang đưa hàng hóa “đi tắt” qua đường tiểu ngạch của các cửa khẩu biên giới. Điều này đang bộc lộ nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp khi đối diện với nguy cơ bị hủy hợp đồng, giá trị xuất khẩu không cao, đối tác đột ngột đóng cửa...

Chợ Đắk Búk So (Tuy Đức) là một trong 4 chợ biên giới phục vụ giao thương của cư dân biên giới Đắk Nông và Mondulkiri

Đắk Nông và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) hiện đang có chung 141 km đường biên giới, với 2 cửa khẩu chính, gồm: Bu P'răng (Tuy Đức) và Đắk Puer (Đắk Mil); có 4 chợ tại 7 xã biên giới. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa giữa tỉnh Đắk Nông và Campuchia.

Tuy nhiên, thời gian qua, quan hệ giao thương của 2 địa phương còn ở mức độ thấp, chủ yếu là quan hệ trao đổi, mua bán hàng hóa giữa cư dân biên giới. Quan hệ hợp tác mua bán giữa doanh nghiệp hai bên chiếm tỷ trọng nhỏ.

Mặt hàng xuất khẩu qua tỉnh Mondulkiri chủ yếu là vật liệu xây dựng, năng lượng điện và một số hàng nhu yếu phẩm… Đây thực sự là một lãng phí lớn so với tiềm năng hiện có của tỉnh.

Quan tâm đầu tư hạ tầng

ADQuảng cáo

Giai đoạn 2021-2025, Đắk Nông phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 6.208 triệu USD, tăng 20,9% so với giai đoạn trước. Để đạt được mục tiêu này, cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, Đắk Nông tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động giao thương khu vực biên giới.

Hoạt động tại các cửa khẩu Đắk Puer (Đắk Mil), Bu P'răng (Tuy Đức) sẽ được duy trì thường xuyên; đồng thời, hỗ trợ thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa, không để ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều nông sản của Đắk Nông được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap

Tỉnh đề xuất Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương nâng cấp Cửa khẩu Đắk Puer thành cửa khẩu quốc tế. Từ đó quan tâm ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại và dịch vụ tại khu vực Cửa khẩu Bu P'răng và Đắk Puer.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị về việc thúc đẩy đàm phán với Chính phủ Campuchia trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông biên giới của nước bạn đến cặp cửa khẩu tiếp giáp với Việt Nam.

Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó từng bước góp phần nâng cao nă ng suất, chất lượng hàng nông sản, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Theo Sở Công thương, để có được các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch, nông sản của tỉnh cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về sản xuất sạch như: VietGAP hay cao hơn là GlobalGAP, HACCP, ISO 22000...

Việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp sẽ giúp hàng hóa của tỉnh dễ dàng thông quan qua các cửa khẩu biên giới về lâu dài.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa bằng hình thức chính ngạch sẽ đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới. Giải pháp này còn góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu chính ngạch để giảm rủi ro thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO