Xe khách "đắp chiếu" vì thiếu khách

Lê Phước| 02/12/2021 08:34

Các loại hình hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tục gặp khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài và giá xăng, dầu tăng cao.

ADQuảng cáo

Xăng tăng, khách giảm

Gắn bó với nghề lái taxi hơn 5 năm, chưa bao giờ anh Nguyễn Hải Minh, ở Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) phải chịu cảnh chán nản như thời gian gần đây. Đầu năm 2021, anh Minh bán xe cũ và vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng để mua một chiếc xe ô tô 7 chỗ mới để chở khách. Nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng khách đi lại giảm sâu, khiến thu nhập của anh giảm đáng kể.

Theo anh Minh, sau khi dịch bệnh bùng phát đợt cuối tháng 4/2021, khách đi đường dài của anh gần như không có. Lượng khách đi lại quanh TP. Gia Nghĩa cũng giảm đến 60 - 70%. Nhiều thời điểm thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nên xe phải ngừng chạy.

"Giờ trung bình ngày chỉ được 2 - 3 cuốc xe, thu nhập tầm 200.000 đồng trở lại. Xăng, dầu lại tăng giá, nên chạy dịch vụ taxi thời gian qua gần như không có lãi. Tuy nhiên, mình buộc phải chạy, vì hàng tháng vẫn phải trả tiền gốc và lãi ngân hàng", anh Minh chia sẻ.

Nhiều tài xế hãng xe taxi Mai Linh gặp khó khăn khi khách giảm và các chi phí tăng

Anh Minh chỉ là một trong số rất nhiều tài xế chạy dịch vụ taxi tại TP. Gia Nghĩa khốn khổ vì dịch Covid-19. Theo ông Lê Văn Việt, Giám đốc Công ty taxi Mai Linh, Chi nhánh Đắk Nông, hiện toàn chi nhánh có 135 đầu xe. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, rất nhiều chủ xe thông báo ngừng chạy thời gian dài.

Ông Việt cho hay: Ít khách, xăng dầu tăng giá nên nhiều tài xế kiến nghị công ty tăng giá. Nhưng trước khó khăn chung, chúng tôi không thể tăng giá dịch vụ được.

Công ty đã áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ giảm tiền tổng đài, tăng tỉ lệ % ăn chia, hỗ trợ lắp tấm che chắn phòng Covid-19… Tuy nhiên, vẫn có nhiều người bỏ nghề vì lợi nhuận thấp và nguy cơ dịch bệnh cao.

ADQuảng cáo

Nhiều xe "đắp chiếu"

Các nhà xe chạy tuyến cố định đường dài còn gặp tình cảnh bi đát hơn. Mấy tháng nay, 4 xe Limousin của nhà xe Ngọc Thịnh chạy tuyến Đắk Nông - Đắk Lắk phải chịu cảnh “đắp chiếu” vì ảnh hưởng dịch Covid-19.

Không có nguồn thu, nhưng các khoản phí đăng kiểm, lãi ngân hàng… vẫn phải trả, chủ nhà xe Ngọc Thịnh đã quyết định bán xe. “Tôi mới mua 1 chiếc gần 1,5 tỷ đồng, còn lại 3 chiếc xe cũ. Giờ muốn bán cả 4 xe với giá chưa đến 2 tỷ mà chưa có người hỏi mua. Biết lỗ nhiều, nhưng kinh doanh quá mệt mỏi, nên buộc phải rút lui”, chủ xe Ngọc Thịnh cho hay.

Vận tải hành khách tê liệt vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. (Trong ảnh: Một nhà xe tại TP. Gia Nghĩa tạm dừng hoạt động vì vắng khách)

Theo ông Phạm Bá Tuyên, Giám đốc Bến xe liên tỉnh Đắk Nông, suốt thời gian dài vừa qua, lượng hành khách đi lại gần như vắng bóng, vì liên tục xuất hiện các đợt dịch.

Phần lớn người dân có tâm lý ngại di chuyển đường dài. Các nhà xe cũng không muốn chạy, vì lo sợ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Một số nhà xe có hàng hóa gửi thì vẫn cố gắng chạy 1-2 chuyến/tháng. Còn lại hầu hết các nhà xe chấp nhận phương án “đắp chiếu”, đợi tình hình ổn định mới chạy lại.

Tính trung bình mỗi ngày, Bến xe liên tỉnh Đắk Nông chỉ có 1 lượt xe xuất hành. Theo ông Tuyên, tình trạng các nhà xe hiện nay là quá kinh khủng. Xe vay nợ ngân hàng để mua, nhưng giờ nhiều xe đang phải phủ bạt.

Chủ xe "cắn răng" chịu tiền lãi mà không hề có chút lợi nhuận nào. Họ muốn bán rẻ xe cũng không được. “Chạy thì lỗ vì không có khách mà xăng dầu tăng cao, các chi phí như tài xế, cầu đường… vẫn phải trả. Chưa bao giờ vận tải hành khách lâm vào cảnh khủng hoảng dài như vậy”, ông Tuyên cho hay.

Theo Sở Giao thông – Vận tải, tổng số đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh là 29 đơn vị, tăng 1 đơn vị so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số phương tiện kinh doanh vận tải hành khách của tỉnh là 833 xe, tăng 151 xe so với 2019. Trong đó, xe taxi 311 xe; xe vận chuyển khách theo tuyến cố định 169 xe; xe hợp đồng 307 xe; xe buýt 41 xe và xe trung chuyển 5 xe.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe khách "đắp chiếu" vì thiếu khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO