Xây dựng sản phẩm quốc gia "Cà phê Việt Nam chất lượng cao"

Bình Minh| 23/11/2017 10:05

Bộ Nông nghiệp-PTNT vừa phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” với tổng kinh phí dự kiến khoảng 170 tỷ đồng và được thực hiện trong giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là chính sách rất quan trọng nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, thương hiệu, vì sau gần 20 năm, dù Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê trên thế giới nhưng thương hiệu cà phê Việt còn rất nhỏ.

ADQuảng cáo

Nông dân xã Quảng Trực (Tuy Đức) thu hoạch cà phê. Ảnh tư liệu

90% lượng cà phê xuất khẩu dưới dạng thô

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, lượng cà phê xuất khẩu năm 2016 tăng 33% lên 1,78 triệu tấn, tương đương tăng 25% lên, đưa lại tổng giá trị 3,35 tỷ USD bao gồm cả cà phê chế biến. Hiện nay, tỷ lệ cà phê chế biến sâu vẫn còn rất “khiêm tốn”, chiếm khoảng đến 10% sản lượng cà phê cả nước. Trong năm 2017, tỷ lệ cà phê chế biến sâu cũng chỉ dự kiến đạt 12%.

Cà phê nước ta có trên 80% sản lượng được sơ chế bằng phương pháp chế biến khô tại hộ gia đình với sân phơi bạt, sân gạch, sân xi măng. Điều này khiến chất lượng cà phê sơ chế tại nông hộ còn thấp. Cụ thể, vào năm 2000, Việt Nam đã xuất khẩu 680.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD, đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu cà phê, sau Brazil. Đến nay, cà phê Việt Nam vẫn giữ vững vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2017 đạt 2,69 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, sau gần 20 năm giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu, nhưng cà phê Việt Nam vẫn chủ yến xuất khẩu dưới dạng thô và rất ít người trên thế giới biết đến thương hiệu cà phê Việt. Đối với chế biến cà phê bột, các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ với máy móc thiết bị chế tạo trong nước, chưa bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Việc pha trộn nguyên liệu thay thế chưa được kiểm soát dẫn đến chất lượng cà phê bột còn hạn chế.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực khi hằng năm đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD. Tuy nhiên, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến vẫn lỏng lẻo, chưa thực sự gắn kết thành chuỗi để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Giá trị xuất khẩu cà phê sẽ được nâng cao trong những năm tới khi các doanh nghiệp được hỗ trợ liên kết sản xuất, kết nối thị trường. Ảnh tư liệu

ADQuảng cáo

Từng bước nâng cao giá trị thương hiệu

Theo Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” thì mục tiêu hướng tới là nâng cao thu nhập của người trồng cà phê trên đơn vị diện tích gieo trồng thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm cà phê: đến 2020 tăng 5% và đến 2023 là 7% so với mức thu nhập bình quân niên vụ 2013/2014. Năng suất cà phê vối đạt 2,7 tấn/ha, cà phê chè đạt 2,0 tấn/ha.

Đề án cũng hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ cà phê, xây dựng được thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đến 2020 tương đương với các nước trong khu vực và quốc tế trong cùng nhóm chất lượng.

Đề án sẽ hỗ trợ tối thiểu 10 doanh nghiệp hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến ướt nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch; hỗ trợ tối thiểu 5-10 doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao. Tổng giá trị các mô hình cho thu nhập tương đương 2.000 tỷ đồng/năm, trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất thử nghiệm cà phê chất lượng cao đạt không dưới 100 tỷ đồng/năm…

Đề án sẽ hỗ trợ 10 doanh nghiệp tham gia trực tiếp xây dựng mô hình liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Quy mô tại mỗi tỉnh trồng giống mới 5-10 nghìn ha/năm hoặc trồng tái canh từ 20-30 ngàn ha/năm. Các doanh nghiệp quản trị tốt vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung 50-80 ngàn ha, xây dựng bộ chỉ số vùng trồng cà phê chất lượng cao.

Về mục tiêu, đề án đặt ra có ít nhất 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm cà phê chất lượng cao theo chuỗi từ giá trị sản xuất, chế biến đến thương mại, bảo đảm được giá trị gia tăng cho ngành cà phê giai đoạn 2020-2030. Đề án xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm có 50% doanh nghiệp đầu ngành gắn thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao trên bao bì sản phẩm trong giao dịch, mua bán trên thị trường trong nước và thế giới…

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 170 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 110 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ đồng nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, đào tạo trong mô hình; 45 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu, hợp tác công tư, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường; 25 tỷ đồng hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất của các đơn vị và 5 tỷ đồng cho các hoạt động khác).

Có thể nói, dù hơi muộn nhưng Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” hiện nay rất cần thiết nhằm hỗ trợ đắc lực đối với doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất với nông dân, kết nối thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê trong những năm tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng sản phẩm quốc gia "Cà phê Việt Nam chất lượng cao"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO