Xây dựng bảng giá đất phải hợp lý, hài hòa và hiệu quả nhất

Nguyễn Hiền| 16/12/2019 10:20

Một trong những dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa III, được người dân, cử tri quan tâm là “Dự thảo nghị quyết thông qua bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, xem xét cơ sở pháp lý, tính thực tiễn, HĐND tỉnh đã quyết định chưa thông qua dự thảo nghị quyết này vì còn nhiều ý kiến trái chiều cần làm rõ.

ADQuảng cáo

Giá đất thổ cư và nông nghiệp còn chênh lệch lớn

Theo dự thảo nghị quyết, đối với nhóm đất nông nghiệp qua điều chỉnh sẽ có mức tăng cao nhất là 3,86 lần, mức thấp nhất là 0,03 lần. Đối với đất ở, mức tăng cao nhất 15,5 lần và mức thấp nhất là 0,03 lần. Nhiều đại biểu đã phân tích và dẫn chứng cụ thể về những điểm chưa phù hợp trong dự thảo nghị quyết, nhất là băn khoăn về sự chênh lệch khá lớn trong giá đất nông nghiệp và giá đất ở.

Đại biểu Nguyễn Tất Thắng cho rằng, giá đất nông nghiệp thấp sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người dân khi sử dụng thế chấp vay vốn đầu tư sản xuất. Ảnh: Nguyễn Hiền

Đại biểu Trần Đình Ninh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa cho rằng, khi giá đất thổ cư cao thì có lợi cho người dân trong đền bù giải phóng mặt bằng và cũng thuận lợi cho chính quyền địa phương trong thực hiện công tác đền bù. Tuy nhiên, điều bất lợi là giá đất thổ cư có nơi tăng 400%, đất nông nghiệp có nơi tăng 386% nhưng giá đất thổ cư so với giá đất nông nghiệp lại chênh lệch quá cao. Cụ thể, trên một cung đường với nhau nhưng 1m2 đất nông nghiệp dù có gấp 5 lần của 170.000 đồng/m2 thì cũng rất nhỏ so với giá đất thổ cư lên đến mười mấy triệu/m2.

Đại biểu Trần Đình Ninh đề xuất, chúng ta cần phải nghiên cứu, nếu đã tăng thì nên tăng cả giá đất nông nghiệp sẽ hợp lý hơn, nhưng tăng cũng ở mức vừa phải vì nếu tăng quá sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.

Lo ngại nguy cơ “thâu tóm” đất

Đại biểu Nguyễn Tất Thắng, ở huyện Cư Jút cho rằng, trong khi giá đất ở tăng cao thì giá đất nông nghiệp lại rất thấp, giá thấp nhất chỉ bằng 1/3 đến 1/7 giá thị trường. Điều này sẽ tác động rất lớn tới ngành Nông nghiệp, nông dân, hợp tác xã, ảnh hưởng tới chủ trương tái cơ cấu đầu tư ngành Nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh, tài sản chính của nông dân là ruộng vườn và 100% đều phải đi vay vốn ngân hàng. Nếu giá đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm cao thì giá trị tài sản của nông dân đương nhiên là cao. Khi người dân thế chấp vay được nguồn vốn lớn có thể đầu tư sản xuất, tái cơ cấu sản xuất hoặc có bán, đền bù giải tỏa mặt bằng thì cũng đủ tiền để thay đổi chỗ ở mới hoặc đất mới để sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Tất Thắng lo lắng, nếu giá đất nông nghiệp xuống thấp sẽ tạo điều kiện, cơ hội cho những người có tiền hoặc một số doanh nghiệp mua hoặc xây dựng những dự án không mang tính hiệu quả để “thâu tóm” đất của dân.

ADQuảng cáo

Đại biểu Nguyễn Tất Thắng thừa nhận rằng nếu giá đất nông nghiệp thấp cũng tạo lợi thế cho thu hút đầu tư. Nhưng chúng ta phải tính toán việc hơn thiệt cũng như trong tỷ trọng vấn đề giải tỏa đất giao cho nhà đầu tư so với giá đất thấp bị tác động đến người nông dân thì cái nào lợi hơn.  

Băn khoăn về cơ sở pháp lý

Đại biểu Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, cơ sở pháp lý để xây dựng giá đất trong dự thảo hiện nay vẫn còn nhiều điều băn khoăn. Trong đó, hai căn cứ pháp lý quan trọng mà cơ quan soạn thảo phải dựa vào là Khung giá đất giai đoạn 2020-2024 do Chính phủ ban hành và phải xác định được giá đất giáp ranh đối với các tỉnh, thành phố có đất giáp ranh trước khi trình kỳ họp 60 ngày. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành khung giá đất chính thức nên cơ quan soạn thảo vẫn chỉ là dựa trên dự thảo khung giá đất của Chính phủ. Cùng với đó, HĐND các tỉnh giáp ranh hiện cũng chưa thông qua bảng giá đất. Đại biểu Nguyễn Đức Hải cho rằng, giá đất trong dự thảo quá cao so với giá thị trường. Bảng giá đất xây dựng cũng không phân biệt được bên taluy âm hay taluy dương, vì hiện trạng đất khác nhau thì giá sẽ khác nhau.

Tại báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh làm rõ nhiều nội dung, cơ sở pháp lý khi xây dựng dự thảo. Cụ thể, UBND tỉnh cần rà soát, điều chỉnh lại một số vị trí đất nông nghiệp nằm trong vùng dự án cạnh với đất có giá trị chênh lệch quá lớn nhằm tránh khi thực hiện thu hồi đất nông nghiệp nhưng giá đền bù thấp, trong khi bố trí tái định cư giá quá cao dẫn đến khiếu nại, tố cáo. UBND tỉnh cũng cần xem xét lại các tuyến đường nhỏ, không có lợi thế kinh doanh thương mại nhưng dự thảo lại có mức giá đề xuất tăng quá cao so với giá đất giai đoạn 2015-2019, ảnh hưởng đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân.

Phải đánh giá toàn diện

Nhiều đại biểu khẳng định, nguồn lực quan trọng nhất của tỉnh là đất và quan trọng nhất vẫn là phải thu hút được đầu tư. Vì vậy, việc tăng giá đất là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế của bảng giá đất cũ, góp phần tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước nhưng phải dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn khẳng định: Bảng giá đất đợt này chúng ta đưa giá lên tương đối cao. Vì vậy, UBND tỉnh xin tiếp tục thực hiện bảng giá 10 năm, trong khi đợi Chính phủ ban hành khung giá đất  mới. Về phía lãnh đạo UBND các huyện, thị xã cần tính toán, rà soát, làm lại thật kỹ, nên lấy thêm ý kiến đánh giá của người dân để ban hành bảng giá đất, bảo đảm không để thiệt hại đối với cả người dân và Nhà nước.

Tại phiên thảo luận, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh lại dự thảo bảng giá đất trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Ảnh: Nguyễn Hiền

Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Chủ trương của chúng ta là sẽ tiệm cận gần một khung giá chung, nhưng muốn thực hiện được cần phải có một quá trình, nếu thực hiện liền cũng rất khó. Chúng ta phải làm từng bước, tính toán làm sao cho hợp lý, vừa bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai của địa phương và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng chí Lê Diễn cũng yêu cầu khi hoàn thiện dự thảo nghị quyết về bảng giá đất trình các kỳ họp sau phải dựa trên nguyên tắc xác định giá đất phù hợp với cơ chế thị trường, căn cứ kết quả điều tra, tổng hợp, phân tích thông tin về giá đất trên thực tế và có kế thừa bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh hiện hành cũng như hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm để thống nhất một bảng giá đất chung hợp lý, hài hòa và hiệu quả nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng bảng giá đất phải hợp lý, hài hòa và hiệu quả nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO