Kinh tế
Hưng Nguyên 16/10/2022 16:10

Trong khi nhiều loại nông sản đang chật vật đi tìm chỗ đứng, thương hiệu trên thị trường thì khoai lang Tuy Đức lại đánh mất lợi thế này một cách đáng tiếc. Tìm lại thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường cho khoai lang Tuy Đức đang là mục tiêu của huyện trong thời gian tới.

ADQuảng cáo

THỜI...VANG BÓNG

Năm 2002, Hợp tác xã 19/5 trồng thử nghiệm khoảng 0,5 ha khoai lang Nhật ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức). Chỉ sau gần 4 tháng, diện tích khoai lang này đã cho thu hoạch, đạt năng suất cao. HTX tiếp tục trồng thêm 5 ha khoai lang và năng suất đạt 15 tấn/ha. Sang vụ thu đông năm 2003, người dân trong xã Đắk Búk So đã trồng được 50 ha khoai lang.

Trên 1,5 ha đất chuyên trồng cây ngắn ngày, gia đình anh Vũ Trọng Tài, ở thôn 3, xã Đắk Búk So cứ đều đặn trồng 1 vụ khoai, 1 vụ rau, hoa màu. Anh Tài cho biết, khoai lang nhiều năm là nguồn thu nhập chính, giúp anh cải thiện cuộc sống.

Có những thời điểm, mỗi ha khoai lang đạt năng suất hơn 20 tấn củ, mang về nguồn thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/vụ, trong khi mức chi phí đầu tư chỉ từ 20 - 30 triệu đồng/ha. 

Có được cơ ngơi và sự ổn định của hôm nay không thể phủ nhận thu nhập từ khoai lang

Vũ Trọng Tài, ở thôn 3, xã Đắk Búk So, Tuy Đức, Đắk Nông

img_20220507_230343-1819x1152.jpeg
Khoai lang đặc sản của huyện Tuy Đức

Còn anh Nguyễn Trọng Duy, ở xã Quảng Tâm, duy trì 2 ha đất trồng khoai mỗi năm. Theo anh Duy, nói về cây ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế tại địa phương, khoai lang là số một. Khoai lang cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh trong thời gian dài.

Khoai lang từng là cây chủ lực giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Sau thành công từ xã Đắk Búk So, khoai lang được mở rộng sản xuất trên nhiều xã của huyện Tuy Đức như Quảng Trực, Đắk R’tíh, Quảng Tân, Quảng Tâm…

Ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, Tuy Đức

Khoai lang tỏ ra rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nhiều vùng ở Tuy Đức, cho năng suất cao. Củ khoai lang Tuy Đức có hương vị đặc trưng, thơm ngon, hàm lượng tinh bột và dinh dưỡng cao. Chính sự khác biệt này, khoai lang Tuy Đức được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tổ chức thu mua khoai lang Tuy Đức để kinh doanh, chế biến và xuất khẩu. Cây khoai lang dần khẳng định được vị thế, thương hiệu và trở thành đặc sản của huyện Tuy Đức.

img_20220507_230201-720x540.jpeg
Khoai lang là một trong những loại cây trồng hiệu quả nhất của huyện Tuy Đức

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy Đức, khoai lang Nhật Bản từng là quà tặng của địa phương gửi các đoàn công tác, các du khách đến với Tuy Đức. Nhiều du khách đến với Tuy Đức đều chọn khoai lang làm quà tặng cho người thân. Khoai lang cũng là sản phẩm đặc trưng được huyện quan tâm giới thiệu đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh. Khoai lang Tuy Đức trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở Đắk Nông mà còn cả nước. Đây cũng là một trong những món quà mà khách hàng thường lựa chọn mua về khi đến Đắk Nông.

Năm 2009, Hội khoai lang Tuy Đức được thành lập để xây dựng, phát triển, quảng bá khoai lang Tuy Đức. Đến năm 2012, nhãn hiệu "Khoai lang Tuy Đức - Đắk Nông được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ được quyền" 

MAI MỘT VÀ BẤP BÊNH

"Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen". Sau 1 thời gian canh tác, đất đai thoái hóa, khiến khoai lang gặp sâu bệnh, năng suất, chất lượng giảm. Cùng với đó là giá cả không ổn định, khiến người dân Tuy Đức không còn mặn mà với khoai lang. 

ADQuảng cáo

Anh Nguyễn Văn Sản, ở thôn 9, xã Đắk Búk So, được biết đến là một trong những hộ trồng nhiều khoai lang nhất nhì xã. Có những thời điểm, anh trồng tới 40 ha khoai lang, lãi tiền tỷ mỗi vụ. Có những vụ thu hoạch từ 20 – 25 tấn củ khoai lang/ha, lãi 2 – 3 tỷ đồng. Nhờ khoai lang anh Sản mới xây dựng được cơ ngơi bề thế. Thế nhưng, mấy năm nay, anh Sản đã phải chuyển sang cây trồng khác vì khoai lang thoái hóa giống, giá cả bấp bênh, lỗ vốn.

img_20220507_230336-750x538.jpeg
Đất bạc màu, giống thoái hóa, đầu ra không ổn định là những nguyên nhân khiến nông dân chuyển đổi cây trồng

Theo ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức, nhiều năm nay, khoai lang xảy ra hiện tượng chết dây. Nguyên nhân là do người dân sử dụng lại dây khoai năm trước để trồng cho những năm tiếp theo, dẫn đến thoái hóa, chất lượng giống giảm. Các bệnh chết dây, nấm cũng xuất hiện nhiều hơn sau khi đất trồng khoai liên tục nhiều năm. Các nguyên nhân này khiến năng suất khoai lang giảm mạnh, hiệu quả kinh tế ngày càng thấp, khiến nông dân chuyển đổi cây trồng khác.

Có những thời điểm diện tích canh tác khoai lang trên địa bàn huyện Tuy Đức lên tới 3.000 ha/năm. Tuy Đức xây dựng được thương hiệu khoai lang và tạo được chỗ đứng, uy tín trên thị trường. Thương lái mua khoai ở nhiều nơi khác mang về Tuy Đức để lợi dụng thương hiệu bán được giá. Điều này đã ảnh hưởng đến hình ảnh, chất lượng khoai lang Tuy Đức. Thương hiệu "Khoai lang Tuy Đức - Đắk Nông" cũng dần mất uy tín.

Năm 2016, Hội Khoai lang Tuy Đức đã phải "cầu cứu" cơ quan chức năng về việc thương hiệu bị lợi dụng. Thế nhưng, động thái này cũng không cứu vãn được tình thế. Khoai lang trở thành cây trồng bấp bênh, nhiều rủi ro và nông dân đã chuyển đổi dần sang cây trồng khác. 

VỰC DẬY THƯƠNG HIỆU

Trước thực tế thương hiệu khoai lang dần "mất hút" trên thị trường, huyện Tuy Đức đang xây dựng phương án khôi phục vùng nguyên liệu, đưa loại cây trồng này lên một tầm cao mới...

Theo ông Kiều Quý Diện, Phó Phòng NN - PTNT huyện Tuy Đức, huyện Tuy Đức đã bắt tay vào thực hiện các giải pháp để khôi phục vùng nguyên liệu khoai lang, bắt đầu từ khâu giống.

Từ năm 2021, Phòng NN - PTNT huyện Tuy Đức thực hiện Chương trình cải tạo giống cho cây khoai lang. Bởi vì, giống chất lượng sẽ giúp giữ vững thương hiệu khoai lang Tuy Đức. Phòng NN - PTNT huyện Tuy Đức đã xây dựng vườn giống với quy mô 2 ha bằng giống nuôi cấy mô. Giống khoai lang chuẩn (F1, F2) khi đưa vào trồng sẽ hạn chế được sâu, bệnh, năng suất cao, chất lượng. Người dân cần giống sẽ được tư vấn về kỹ thuật trồng và hỗ trợ về giá.

khoai-2-3008x1688.jpeg
Luân canh cây ngắn ngày được xem là giải pháp cải tạo đất hiệu quả trong sản xuất khoai lang

Cũng theo ông Kiều Quý Diện, mỗi năm, huyện Tuy Đức sản xuất từ 400 – 500 ha khoai lang, năng suất đạt khoảng 15 tấn/ha. Để sản xuất khoai hiệu quả cần nhiều thời gian, công sức hơn trước. Vì nếu đất không đủ dinh dưỡng, cây khoai lang sẽ phát triển chậm, phát sinh bệnh và làm giảm hiệu quả kinh tế.

Đối với việc thoái hóa đất, các ngành chức năng của huyện cũng đã đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp để khắc phục hạn chế này. Việc cải tạo đất bằng các sản phẩm hữu cơ bền vững sẽ được huyện ưu tiên. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng hướng dẫn nông dân luân canh các loại cây trồng phù hợp để cải tạo đất.

Huyện cũng kết nối đầu ra ổn định cho khoai lang, tránh tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" khiến nông dân bất an. 

img_20220507_230405-2048x1536.jpeg
Cần tạo sự yên tâm về giá để tạo nguồn thu nhập ổn định giúp nông dân yên tâm sản xuất

Đất sản xuất khoai lang đang nằm trong giai đoạn thoái hóa. Thời gian tới, Hội Khoai lang sẽ tập trung hướng dẫn và nhân rộng quy trình sản xuất khoai lang theo hướng hữu cơ. Để từ đó giúp hội viên vừa sản xuất vừa cải tạo đất. Hội sẽ phối hợp với đội ngũ kỹ thuật để đồng hành với các hội viên trong sản xuất khoai lang. Trước mắt, Hội sẽ tập trung nâng cao chất lượng khoai lang để khôi phục thương hiệu và kết nối tiêu thụ.

Ông Thái Vĩnh Thạnh, Chủ tịch Hội Khoai lang Tuy Đức

Mục tiêu của huyện là khôi phục khoai lang Tuy Đức về thương hiệu và phát triển thành vùng nguyên liệu. Huyện sẽ hình thành vùng sản xuất từ những vùng sản xuất khoai lang trước đây. Đồng thời, hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật và giải quyết bài toán "khoai ruộng lạ" bằng áp dụng khoa học kỹ thuật. Các ngành chức năng của huyện sẽ hỗ trợ kết nối thị trường, đưa khoai lang trở thành sản phẩm OCOP của huyện. 

Ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vực dậy khoai lang Tuy Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO