Tuy Đức từng bước hiện thực hóa đột phá về nông nghiệp

Đức Hùng| 10/05/2022 05:44

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Tuy Đức đặt mục tiêu tạo đột phá cho ngành Nông nghiệp bằng việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Huyện quyết tâm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

ADQuảng cáo

Năm 2021, gia đình anh Trần Thanh Tuấn, ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức), đầu tư xây dựng 2.000m2 nhà màng để sản xuất rau. Anh Tuấn là hộ gia đình sản xuất rau nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm.

Theo anh Tuấn, đầu tư nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, áp dụng quy trình sản xuất an toàn... là những cách tốt nhất để kiểm soát rủi ro về thời tiết, dịch bệnh trong quá trình sản xuất rau. Cây trồng trong nhà màng được kiểm soát và chăm sóc tốt, nên cho thời gian thu hoạch lâu hơn. Nhà màng giúp vườn rau tránh được sự xâm nhập của sâu bệnh, giảm chi phí trong quá trình chăm sóc cây trồng.

Hiện nay, anh đang thu hoạch dưa leo trong nhà màng, với sản lượng khoảng 6 tạ mỗi ngày. Dưa leo có giá bán 8.000 đồng/kg. Thời gian tới anh tiếp tục đầu tư mở rộng nhà màng lên khoảng 6 ha, chuyên sản xuất các loại rau, củ quả...

Sớm tiếp cận với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năm 2018, anh Ngô Thanh Long, ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức), đầu tư xây dựng nhà màng trồng dưa lưới. Anh Long đã áp dụng khoa học, kỹ thuật để trái dưa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cụ thể, anh đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, máy đo độ ẩm trong nhà màng. Anh cũng áp dụng quy trình sản xuất hiện đại để cung cấp đủ chất, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây.

Theo anh Long, lợi thế của việc sản xuất trong nhà lưới là tránh được các hiện tượng bất lợi của thời tiết, kiểm soát tốt dịch bệnh. Sau gần 90 ngày, vườn dưa đã cho thu hoạch từ 3 - 5 tấn quả.

Với giá bán khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, vườn dưa của anh cho lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ. Hiện nay, anh Long đã đầu tư 2 nhà màng (mỗi nhà 1.000 m2), mỗi năm anh thu về khoảng 300 triệu đồng từ trồng dưa lưới.

ADQuảng cáo

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp kiểm soát rủi ro về dịch bệnh, thời tiết

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 7/4/2011 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từ năm 2011 đến nay, huyện Tuy Đức đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực trồng trọt.

Huyện đã ứng dụng nhiều công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, mang lại năng suất cao cho nhiều loại cây trồng. Sản xuất nông nghiệp của huyện vì thế mà ngày càng trở nên bài bản, khoa học hơn.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 6.000m2 nhà màng. Huyện có hàng trăm ha cây trồng được tái canh bằng các giống mới chất lượng cao. Trên địa bàn huyện cũng hình thành được nhiều chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Theo ông Phạm Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp của huyện.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp trên một đơn vị diện tích được nâng lên. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã nâng cao thu nhập cho nông dân, trở thành điểm đến học tập kinh nghiệm của nhiều người.

"Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong 2 khâu đột phá chiến lược được huyện Tuy Đức đề ra trong giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu này đã đi vào đời sống, được đông đảo người dân triển khai thực hiện. Huyện đã tạo ra nhận thức mới, cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp cho người dân", ông Ẩn chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức từng bước hiện thực hóa đột phá về nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO