Từng bước khắc phục tình trạng khách hàng Ðắk Nông vay vốn tại các ngân hàng thương mại ngoại tỉnh

Nguyễn Lương thực hiện| 12/10/2018 09:31

Thời gian qua, số lượng người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có giao dịch vay vốn với các ngân hàng thương mại ngoại tỉnh (chủ yếu đóng chân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk) ngày càng tăng. Để hiểu hơn thực trạng này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

PV: Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín dụng, ông đánh giá như thế nào về thực trạng số lượng người dân, doanh nghiệp vay vốn từ các ngân hàng thương mại ngoại tỉnh ngày càng nhiều như hiện nay?

Ông Hoàng Văn Minh: Thực chất việc khách hàng là người dân, doanh nghiệp có hợp đồng vay vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại ngoại tỉnh, trong đó, chủ yếu đóng chân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra từ trước. Tuy nhiên, hoạt động này phổ biến, rầm rộ nhất là vào thời điểm từ giữa năm 2017 đến nay. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có quy định về hạn chế địa bàn cho vay của các ngân hàng thương mại. Việc cho vay ngoài địa bàn là do các ngân hàng thương mại tự quy định trên cơ sở phải ban hành đầy đủ các quy định nội bộ hướng dẫn cụ thể về địa bàn cho vay, trình tự, thủ tục và khả năng quản lý, giám sát khoản vay. Do vậy, một số ngân hàng thương mại lớn sẽ giới hạn địa bàn, chỉ cho vay nội tỉnh, còn một số khác không có giới hạn địa bàn cho vay.

Ông Hoàng Văn Minh

Xuất phát từ thực tế này, trên địa bàn Đắk Nông hiện có khoảng 21 ngân hàng thương mại có trụ sở tại tỉnh Đắk Lắk có giao dịch cho vay với trên 7.550 khách hàng, với tổng dư nợ là trên 1.900 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 41 khách hàng doanh nghiệp, còn lại là hộ cá nhân và gia đình. Một số ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay tại Đắk Nông lớn như Ngân hàng Eximbank 384 tỷ đồng, Ngân hàng VIB trên 310 tỷ đồng, ngân hàng ACB khoảng 223 tỷ đồng, ngân hàng KienLongbank khoảng 124 tỷ đồng…

PV: Vậy thực trạng trên có phải xuất phát từ nguyên nhân người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tại các ngân hàng thương mại nội tỉnh không?

Ông Hoàng Văn Minh: Đó cũng là một lý do, nhưng không phải là tất cả. Bởi vì, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là xuất phát từ thực tế mạng lưới tổ chức tín dụng, định mức cho vay, cũng như các yếu tố khác tác động. Trước hết, về mạng lưới tổ chức tín dụng, so với Đắk Nông thì tỉnh Đắk Lắk có đến 46 đầu mối tổ chức tín dụng. Số lượng tổ chức tín dụng quá đông khiến việc cạnh tranh, giành giật khách hàng sẽ gay gắt và khó khăn hơn. Vì thế, một số ngân hàng thương mại, nhất là những đơn vị có tiềm lực tài chính yếu đã mở rộng địa bàn cho vay sang các tỉnh lân cận, trong đó có Đắk Nông. Còn đối với Đắk Nông, số lượng đầu mối tổ chức tín dụng còn mỏng, không thể mở rộng mạng lưới đến tận vùng sâu, vùng xa phục vụ người dân được, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ nữa là về định mức cho vay. Hiện nay, một số ngân hàng thương mại ở tỉnh Đắk Lắk cho vay sản xuất nông nghiệp với hạn mức cao hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại tại tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là một yếu tố thu hút nhiều khách hàng, nhất là nông dân tại Đắk Nông có quan hệ vay vốn với các ngân hàng thương mại tại tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, khi Đắk Nông được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk, một số khách hàng truyền thống vẫn giữ mối quan hệ thân thiện và vay vốn với các ngân hàng thương mại trên Đắk  Lắk.

PV: Rõ ràng việc lựa chọn ngân hàng vay vốn là quyền của khách hàng. Song thực tế đang phát sinh một số hệ lụy như một bộ phận người dân là đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn với lãi suất cao, thông qua “cò” vay vốn. Vậy ông có khuyến cáo gì đối với khách hàng khi vay vốn ngoại tỉnh?

ADQuảng cáo

Ông Hoàng Văn Minh: Có thể khẳng định, để vay được định mức cao, không phải đi lại nhiều lần làm hồ sơ, thủ tục, về phía người dân tự nguyện “chịu chi” cho một số đối tượng trung gian. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ về đối tượng trung gian đó thì hầu hết người dân giữ bí mật.

Còn về phía các ngân hàng thương mại ngoại tỉnh, để giảm áp lực về chỉ tiêu, đẩy mức tăng trưởng tín dụng, một số đơn vị cho vay sản xuất nông nghiệp với hạn mức cao hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại ở Đắk Nông. Đơn cử như khách hàng có 1 ha cà phê có thể vay được 300 triệu đồng, trong khi đó ở Đắk Nông chỉ có thể vay khoảng từ 80 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha. Để hợp thức được mức vay 300 triệu đồng/ha, các ngân hàng thương mại phải đưa thêm vào phương án tài sản bảo đảm một số chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng như: Sân phơi, đường điện, nhà rẫy, khoan giếng, hệ thống tưới. Trong khi, thực tế những hạng mục này đã có sẵn.

Ngoài ra, việc áp lãi suất cho vay của một số ngân hàng thương mại ngoại tỉnh cũng chưa rõ ràng, còn mập mờ. Lãi suất cho vay tháng hoặc quý đầu tiên thường rất hấp dẫn (khoảng 7%-8%/năm), nhưng đến hết thời gian này, lãi suất cho vay được điều chỉnh thả nổi và cộng biên độ tăng lên từ 3% đến 5% nữa (nâng lãi suất thực là từ 10% đến 13%/năm).

Xuất phát từ thực tế trên, nhiều người dân, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế nên rất dễ bị các đối tượng trung gian dụ dỗ khi được vay số tiền lớn. Mặc dù ký hợp đồng vay vốn, với lãi suất ban đầu khá hấp dẫn, nhưng họ lại không nhận thức được hết các rủi ro tiềm ẩn về lãi suất tăng cao sau đó. Và nếu như không có kế hoạch sản xuất khả thi, sản lượng thu hoạch không đạt, dẫn đến không đủ trả nợ ngân hàng, từ đó, bị ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm.

PV: Để hạn chế rủi ro cho người dân trong vay vốn, ông cho biết về một số giải pháp trong thời gian tới?

Ông Hoàng Văn Minh: Thực tế, vào giữa tháng 7/2018, về phía Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Nông cũng đã có công văn báo cáo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình cho vay ngoài địa bàn của một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, đơn vị đã đề nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các tổ chức tín dụng có chi nhánh tại tỉnh Đắk Lắk chấm dứt hoạt động cho vay sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nhóm khách hàng người dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Nông. Cùng với đó, chúng tôi đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các ngân hàng thương mại trên địa bàn mở rộng thêm phòng giao dịch ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Riêng về phía Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Nông đã ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, tư vấn khách hàng tận tình, chu đáo. Các ngân thương mại sẽ tăng cường mở rộng tuyên truyền, giới thiệu các chương trình, sản phẩm cho vay phong phú, đa dạng đối với khách hàng, nhất là cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, người đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở các quy định của pháp luật về hoạt động cho vay. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận cho ngân hàng HDbank và NamAbank mở chi nhánh tại tỉnh Đắk Nông. Hiện tại, hai ngân hàng này đang hoàn thiện các thủ tục để khai trương hoạt động trong thời gian sớm nhất, nhằm cung cấp nguồn vốn và sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từng bước khắc phục tình trạng khách hàng Ðắk Nông vay vốn tại các ngân hàng thương mại ngoại tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO