Trợ giúp công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ

Lê Dung| 19/09/2022 08:23

Nhu cầu về chất lượng sản phẩm từ người tiêu dùng ngày một cao. Điều này thúc đẩy các HTX, doanh nghiệp nhỏ đẩy mạnh ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng công suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

ADQuảng cáo

HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông (Đắk Song) vừa tham gia sản xuất, vừa chế biến cà phê hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Vừa qua, HTX được nguồn quỹ khuyến công hỗ trợ hơn 290 triệu đồng để đầu tư máy rang cà phê. Với máy móc mới này, HTX giảm bớt áp lực về thời gian giao nhận đơn hàng cho các đối tác.

Trước đây, HTX có trang bị 1 máy rang, nhưng công suất thấp, với 6 kg/mẻ. Với thiết bị mới, công suất sản xuất của HTX tăng lên gấp 10 lần so với trước.

Giám đốc HTX Lê Đình Hùng cho hay: "Công nghệ mới giúp tiết kiệm nhiên liệu, chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian. Chất lượng cà phê cũng tốt hơn hẳn. Hạt cà phê được rang chín đều, không cần phân sàng lớn, nhỏ như trước".

Máy rang cà phê mới có công suất gấp 10 lần so với trước của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bechamp Đắk Nông (Đắk Song)

Để chủ động cho chế biến mắc ca phục vụ nhu cầu thị trường, thời gian qua, Cơ sở sản xuất macca Minh Phong (Đắk Song) đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị tiên tiến. 

Cụ thể như máy sấy có công suất từ 1,5-2 tấn/mẻ; máy rang với công suất 5 tạ/mẻ; máy chẻ... Nhờ đó, trong năm 2021, sản phẩm mắc ca của cơ sở được chứng nhận OCOP hạng 3 sao.

Theo bà Vũ Thị Hiền, chủ cơ sở, sau khi được chứng nhận OCOP, khách hàng thêm tin tưởng, biết đến sản phẩm nhiều hơn. Hiện sản lượng hạt mắc ca của cơ sở cung ứng ra thị trường tăng gấp đôi so với trước.

"Cơ sở mong muốn được hỗ trợ đầu tư thêm máy sấy mới có công suất lớn, để kịp thời thu mua mắc ca tươi tại chỗ cho bà con. Bởi máy sấy hiện tại có công suất còn nhỏ, nên việc thu mua bị ảnh hưởng rất nhiều", bà Hiền cho biết.

ADQuảng cáo

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), để các doanh nghiệp, HTX đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đơn vị đã và đang triển khai hỗ trợ kinh phí đầu tư từ các đề án khuyến công.

Theo đó, trong năm 2022, toàn tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ 1 đề án khuyến công quốc gia nhóm, 8 đề án khuyến công địa phương. Trong đó, phần lớn nguồn hỗ trợ dành cho các cơ sở, doanh nghiệp nhỏ còn thiếu máy móc, thiết bị tiên tiến.

Công nhân Cơ sở sản xuất macca Minh Phong (Đắk Song) tách vỏ hạt mắc ca

Cụ thể, kế hoạch khuyến công quốc gia được hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX với tổng kinh phí hơn 3,9 tỷ đồng; trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1,5 tỷ đồng.

Với nguồn kinh phí này, Trung tâm sẽ thực hiện Đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản” cho 5 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, Trung tâm đang phối hợp với các cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể và hướng dẫn triển khai thực hiện, chuẩn bị nghiệm thu, bàn giao thiết bị theo Đề án.

Với nguồn quỹ khuyến công địa phương, trong năm 2022, toàn tỉnh sẽ triển khai thực hiện 9 đề án, tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng; trong đó, gồm 5 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, cơ khí tiêu dùng.

Việc hỗ trợ này phần nào tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy các HTX, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ ổn định sản xuất. Đây là động lực, đòn bẩy để công nghiệp địa phương đẩy mạnh hiện đại hóa thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công. Qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở công nghiệp nông thôn duy trì, mở rộng sản xuất, góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trợ giúp công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO