Triển vọng từ mô hình trồng xen mắc ca trong vườn cà phê

Văn Tâm| 10/12/2019 09:35

Đến thời điểm này, toàn huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã trồng hơn 900 ha mắc ca, trong đó có nhiều diện tích trồng xen canh với các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu, chè… Theo kết quả điều tra, so sánh thì mô hình trồng xen mắc ca trong vườn cây khác đang cho thấy nhiều hiệu quả tích cực.

ADQuảng cáo

Từ năm 2010 – 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn đối với cây mắc ca. Trong đó, đáng chú ý là các mô hình trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê đã cho những kết quả tích cực.

Qua kết quả đánh giá, khảo sát mới đây, tại các vườn trồng xen mắc ca với cà phê (mật độ 90 cây/ha) đã cho năng suất trung bình từ 5 – 15 kg hạt/cây. Với giá bán hạt mắc ca 90.000 đồng/kg, nông dân cũng có thu nhập khoảng từ 50 – 150 triệu đồng/ha mắc ca trồng xen canh.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình trồng xen mắc ca trong vườn cà phê tại vườn của ông Điểu Lé ở bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực (Tuy Đức). Ảnh: Văn Tâm

Gia đình ông Đoàn Đình Huấn, ở thôn 4, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) hiện trồng được hơn 3,5 ha mắc ca xen canh với cà phê. Ông Huấn cho hay: “Việc trồng xen mắc ca trong vườn cà phê có nhiều ưu điểm như làm chắn gió, tạo bóng, giúp sinh thái vườn phù hợp với cây cà phê. Đồng thời, vườn cà phê cũng bớt cỏ, tăng độ ẩm hơn so với những vườn trồng thuần”.

ADQuảng cáo

Theo ông Huấn, ngoài các tác dụng trên, mắc ca còn mang lại cho người dân khoản thu nhập không nhỏ. Cụ thể, năm nay, vườn mắc ca xen canh của gia đình ông có khoảng 300 cây cho thu hoạch, tỷ lệ ra hoa đậu quả cũng khá cao (chiếm trên 80% vườn cây). Trong đó, số lượng cây cho năng suất trên 14 kg/cây cũng chiếm khá nhiều. Việc thu hoạch mắc ca cũng khá thuận tiện, bởi mắc ca cho thu hái từ tháng 3 đến tháng 6, nên nếu có thuê mướn công cán thì cũng dễ dàng.

Ngoài các mô hình trình diễn, năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình khuyến nông Trung ương giai đoạn năm 2018 – 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã triển khai Dự án “Trồng xen canh cây mắc ca bằng giống tiến bộ kỹ thuật (741; 695; 800; 900) tại Tây Bắc và Tây Nguyên”.

Dự án được thực hiện tại 2 xã ở Tuy Đức là Quảng Tâm và Quảng Trực, với diện tích 20 ha cho 20 hộ dân tham gia. Việc thực hiện mô hình được lựa chọn tại các vườn cà phê kém hiệu quả như: Thời gian canh tác trên 10 năm, mật độ dưới 400 cây/ha, năng suất dưới 2 tấn/ha/năm.

Theo bà Nguyễn Thị Hải, ở bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực, sau một năm, cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê sinh trưởng và phát triển tốt. Bởi vì, trong quá trình chăm sóc cho cây cà phê thì cây mắc ca cũng được hưởng theo nên tỷ lệ cây chết thấp, không phát sinh dịch bệnh. Đến nay, qua đánh giá, cây mắc ca trồng tại các hộ tham gia Dự án đều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống là 98%. Đường kính gốc cây mắc ca đến nay đạt 1,5 cm, chiều cao vút ngọn đạt 1,3m.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ngành Nông nghiệp đang khuyến khích người dân trồng xen canh cây mắc ca trong vườn cà phê để thay thế cây che bóng truyền thống. Việc triển khai mô hình cũng là hình thức giúp người dân có điều kiện tham quan, học tập để áp dụng tại nông hộ. Đây cũng là một hình thức chuyển giao tiến bộ khoa học một cách trực quan nhất đối với nông dân. Có thể nói, từ hiệu quả kinh tế tại các vườn mắc ca được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tham gia xây dựng những năm trước, đến Dự án trồng thâm canh mắc ca  hiện nay, hy vọng nông dân có thêm những phương thức sản xuất mới, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng từ mô hình trồng xen mắc ca trong vườn cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO