Triển vọng cây bắp ngọt ở Cư Jút

Kim Ngân| 11/08/2022 04:20

Nhiều hộ dân huyện Cư Jút đã chuyển sang trồng bắp ngọt, giúp mang lại thu nhập ổn định. Vụ hè thu này, những hộ trồng bắp ngọt đều phấn khởi vì trúng mùa, được giá.

ADQuảng cáo

Những năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Hương, ở buôn U2, xã Đắk D’rông (Cư Jút) chủ yếu trồng bắp thường và đậu các loại. Lợi nhuận từ những loại cây trồng này không đáng bao nhiêu, chủ yếu “lấy công làm lãi”.

Vài năm trở lại đây, bà Hương đầu tư hệ thống tưới nước bài bản và chuyển hơn 3 sào đất màu sang trồng bắp ngọt. Nhờ vậy, nguồn thu nhập của gia đình bà đã cao hơn khá nhiều.

Bà Hương cho biết: “So với cây đậu, bắp thường, trồng bắp ngọt cho hiệu quả tốt hơn. Bắp ngọt dễ chăm sóc, thích ứng tốt với thời tiết, kháng sâu bệnh cũng tốt”.

Bà Nguyễn Thị Hương, ở Buôn U2, xã Đắk D’rông (Cư Jút) vui mừng đón vụ bắp ngọt trúng mùa, được giá

Cũng theo bà Hương, hiện tại giá bắp ngọt bán tại rẫy là 2.800 đồng/quả, còn bán sỉ giá 3.000 đồng/kg. Năng suất bắp ngọt đạt từ 12 - 15 tấn tươi/ha, cao hơn bắp thường 1,5 lần.

Sau khi trừ chi phí, cây bắp ngọt cho lợi nhuận khoảng từ 50 - 60 triệu đồng/ha. Như vậy, trong vòng khoảng hơn 2 tháng, người trồng bắp ngọt có thể kiếm thu nhập khoảng 60 triệu đồng/ha.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đăng, cũng ở Buôn U2, do bắp ngọt chỉ sau 75 ngày cho thu hoạch, nên gia đình ông trồng mỗi năm 4 vụ. Cứ sau khi thu hoạch, làm đất xong, trong vòng 5 ngày, ông tiếp tục xuống giống vụ kế tiếp.

Nhờ áp dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh, lắp đặt sẵn hệ thống tưới nước tại vườn, nên ông Đăng đã sản xuất liên tục 7 vụ bắp ngọt mà năng suất, chất lượng luôn bảo đảm.

Ngoài thu hoạch quả, thân bắp ngọt còn là nguồn thức ăn tươi khá lớn để phục vụ chăn nuôi gia súc. Tất cả thân, lá của cây bắp ngọt đều có giá trị, nên giúp ông gia tăng thu nhập.

ADQuảng cáo

Ngoài xã Đắk D’rông, bắp ngọt còn được người dân trồng nhiều ở địa bàn các xã Nam Dong, Ea Pô, Đắk Wil… Bất kể mùa vụ nào, gần như trên các cánh đồng tại những xã này đều có vài chục ha bắp ngọt.

Thời gian qua, các vựa bắp trên địa bàn thường tìm đến tận vườn của bà con thu mua bắp ngọt để xuất đi các tỉnh. Tuy nhiên, theo nhiều bà con, sản phẩm bắp ngọt còn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, nên có những thời điểm đầu ra gặp khó khăn, giá chưa ổn định.

Nông dân phân loại bắp tại vườn để cung cấp cho thị trường

Ông Cao Xuân Chiến, chủ vựa bắp ở thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) cho hay, nhu cầu tiêu thụ bắp ngọt trên thị trường khá lớn, giá cả tốt hơn nhiều loại cây trồng ngắn ngày khác.

Hiện nay, ông đang phối hợp với một số công ty để bao tiêu đầu ra cho nông dân. Ông đang cố gắng liên kết với người dân để phân chia lại vụ mùa một cách hợp lý. Từ đó, giúp bà con không bị dồn ứ sản phẩm cùng thời điểm, gây ách tắc về đầu ra, ảnh hưởng đến thu nhập.

Cũng theo ông Chiến, căn cứ vào diện tích trồng bắp ngọt ở các vùng và nhu cầu thị trường, các đại lý thu mua nông sản sẽ cung cấp số lượng giống theo từng thời điểm để giúp nông dân tránh rủi ro về cung cầu.

Mỗi kg giống bắp ngọt có thể gieo trồng trên 1,5 sào đất. Trong vụ hè thu này, riêng vựa bắp của ông Chiến đã cung ứng giống bắp ngọt cho người dân khoảng 100 kg/tháng để trồng luân canh, gối vụ.

Lãnh đạo huyện Cư Jút cho biết, cây bắp ngọt được nông dân trên địa bàn mở rộng diện tích trong một vài vụ trở lại đây. Nhờ linh hoạt trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thị trường tương đối ổn định, nên loại cây trồng này mang lại hiệu quả cao.

Loại cây trồng này tỏ ra phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng trên địa bàn. Bắp ngọt cũng góp phần nâng cao hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện Cư Jút.

Tuy nhiên, do đầu ra chưa ổn định, nên huyện còn dè dặt, chưa khuyến khích mở rộng canh tác loại bắp này. Sản xuất, tiêu thụ bắp ngọt trên địa bàn huyện vẫn còn manh mún, chưa có sự tập trung, liên kết ổn định. Do đó, nhiều thời điểm bà con nông dân phải chật vật tìm kiếm đầu ra cho bắp ngọt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng cây bắp ngọt ở Cư Jút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO