Trăn trở về "cây chủ lực" cà phê (kỳ 2): Tìm lời giải cho "bài toán" nâng tầm cây cà phê

Hồng Thoan| 01/08/2019 09:18

Việc nâng tầm cho cây cà phê không phải là chuyện một sớm một chiều. Theo các chuyên gia, nhà quản lý, vấn đề này cần phải có chiến lược một cách căn cơ mới có thể thực hiện được.

ADQuảng cáo

Liên kết để tạo thế mạnh

Những năm gần đây, đã có một số đơn vị đầu tư, phát triển cà phê theo chuỗi giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả cao. Các đơn vị này đã liên kết với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu và sử dụng công nghệ chế biến hiện đại để cho ra đời những sản phẩm cà phê chất lượng.

HTX Công bằng Thuận An đầu tư hệ thống chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm

Chẳng hạn như HTX Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) là một ví dụ. Theo ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX, hiện nay đơn vị đã liên kết với nông dân sản xuất được 400 ha cà phê đạt tiêu chuẩn thương mại công bằng toàn cầu (Fairtrade). Quá trình liên kết, nông dân làm chủ nguồn nguyên liệu cả về số lượng và chất lượng. Còn HTX giữ vai trò tạo ra thị trường và những sản phẩm cà phê có chất lượng cao.

"Việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết trong sản xuất nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng", ông Nguyễn Hữu Hạ cho biết.

Sản phẩm cà phê của HTX Công bằng Thuận An đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đến các nước châu Âu

Tương tự, Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) cũng đã hợp tác với nông hộ trong sản xuất cà phê. Đôi bên đã phối hợp kiểm soát nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, chế biến, kinh doanh cà phê theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện nay, Công ty đã xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tại các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức và Đắk Glong, với tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Toàn bộ diện tích cà phê này đều được sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm thuộc vùng nguyên liệu được Công ty bao tiêu và chế biến theo quy trình chế biến ướt. Hiện nay, sản phẩm được Công ty đăng ký nhãn hiệu "Cà phê Bốn Hiệp" và bắt đầu xây dựng được uy tín trên thị trường...

ADQuảng cáo

Có thể thấy, qua những mô hình liên kết như nói trên, việc liên kết trong sản xuất cà phê đã gợi mở cho chúng ta một hướng đi, cách làm mới để nâng cao chất lượng cho cà phê. Tuy nhiên, đến nay việc liên kết sản xuất cà phê vẫn còn ít, nông dân vẫn ở tình trạng mạnh ai nấy làm. Các doanh nghiệp chủ yếu vẫn tập trung vào khâu kinh doanh là chính chứ chưa quan tâm mấy đến việc liên kết để tạo ra chuỗi sản phẩm cà phê có chất lượng, bảo đảm uy tín trên thị trường.

Sản phẩm từ quy trình chế biến ướt của Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp (Đắk R'lấp) được nhiều tổ chức trong nước, quốc tế công nhận chất lượng tốt

Chuyên gia hiến kế

Theo phân tích của ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để phát triển cà phê bền vững, có hiệu quả, trước hết phải kiến thiết lại ngành cà phê sao cho phù hợp với quy hoạch chung của Bộ Nông nghiệp- PTNT và tình hình thực tế của từng địa phương. Trước hết, đến năm 2020, phải ổn định diện tích cà phê ở mức 123.000 ha theo quy hoạch, trong đó có khoảng 113.000 ha cho thu hoạch. Còn để nâng cao năng suất, chất lượng thì đương nhiên phải chuyển đổi, trồng những loại giống cà phê mới và tăng cường kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Các địa phương thực hiện loại bỏ những diện tích cà phê trồng trên những vùng đất không thích hợp, thiếu nước. Vùng trồng cà phê cần được tập trung ở 6 huyện có khí hậu, đất đai phù hợp gồm: Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Krông Nô. Ở những vùng này phải hình thành, nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm mang tính đặc trưng để tạo ra sức mạnh thương hiệu. Hiện nay, phần lớn sản lượng cà phê được xuất khẩu ở dạng thô, đem lại giá trị thấp. Do đó, tỉnh cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc tạo cơ chế, kêu gọi đầu tư, thu hút doanh nghiệp vào xây dựng các nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại, đủ khả năng tạo ra các sản phẩm cà phê bột đạt tiêu chuẩn thế giới.

Theo ông Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, muốn nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, ngành cà phê buộc phải phát triển theo chiều sâu. Đó là chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Ðể làm được điều đó, các địa phương phải xây dựng được chuỗi liên kết vững chắc giữa 5 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà bank (ngân hàng). Trong đó, Nhà nước có vai trò quan trọng nhất, đó là thực hiện công tác quản lý. Nhà nước phải quản lý được quy hoạch sản xuất, dự báo nhu cầu thị trường và xu hướng tiêu dùng của ngành cà phê. Nhà nước cũng phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách tài chính; chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cà phê... Ngoài ra, theo xu thế toàn cầu hiện nay, liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm là phương châm tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vì nó sẽ giúp quá trình quản lý sản xuất tốt hơn, chất lượng sản phẩm có giá trị cao hơn. Liên kết sản xuất sẽ tạo ra quy mô lớn, giúp cho việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật dễ dàng hơn so với việc sản xuất nhỏ lẻ. Khi tham gia vào các tổ chức liên kết sản xuất, người dân còn có cơ hội tiếp cận tiến bộ kỹ thuật cũng như có nguồn vốn dễ dàng hơn. Do vậy, cần sớm có định hướng để người trồng cà phê ở các địa phương đẩy mạnh việc liên kết, hình thành các tổ chức liên kết sản xuất có quy mô.

Nói về "bài toán" nâng tầm cho ngành cà phê, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết: Liên kết chặt chẽ giữa "5 nhà" sẽ là động lực đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành cà phê. Các vấn đề vĩ mô thì cần phải bàn bạc nhiều, nhưng theo tôi trước mắt là cần làm tốt việc tái canh diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất. Về vấn đề tái canh cũng cần sự hợp sức của cả "5 nhà" để tháo gỡ các khó khăn như: hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, cây giống... để người dân có điều kiện thực hiện việc tái canh. Ngoài ra, trong điều kiện sản xuất cà phê của Đắk Nông hiện nay, tôi nghĩ cần phải đặc biệt chú trọng hơn trong khâu hỗ trợ bà con áp dụng kỹ thuật canh tác và tiếp cận nguồn giống tốt. Những hoạt động nhằm giảm thiểu chi phí, bảo vệ môi trường, đạt tiêu chuẩn như VietGAP, 4C, UTZ Certified, Rain Fores cũng cần được quan tâm thì mới có cơ hội xây dựng các thương hiệu riêng cho cà phê của tỉnh...

Quảng bá thương hiệu cạnh tranh cho cà phê Đắk Nông

Ông Jose Setter, Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê quốc tế khẳng định: Tôi thấy Đắk Nông có nhiều điều kiện tốt để phát triển công nghiệp chế biến cà phê gắn với các thương hiệu riêng. Tôi nghĩ tỉnh cần đẩy mạnh sự phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội để có sự sáng tạo hơn, đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm ra thị trường thế giới. Cà phê của các bạn cũng cần phải có nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng, tạo giá trị khác biệt, duy nhất để người tiêu dùng ưa chuộng và quan tâm tới nhiều hơn.

Ông Jose Setter, Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê quốc tế

*****

Hệ thống quản trị sản xuất tiên tiến bậc nhất thì mới có sản phẩm bậc nhất

Để thể khẳng định thương hiệu của mình cả trong nước và quốc tế, chiếm lĩnh các thị trường tiêu dùng cà phê khó tính, những năm qua, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã áp dụng hệ thống quản trị sản xuất tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Cụ thể, đơn vị ứng dụng công nghệ để giám sát quá trình sản xuất, tự động hóa, và tiến tới xây dựng nhà máy thông minh. Hiện nay, đơn vị sử dụng sàng cà phê nhân hiện đại, công suất cao, đạt 6.000 kg/1 giờ, ứng dụng công nghệ chế biến cà phê được cung ứng bởi nhà cung cấp được công nhận hàng đầu thế giới là Neotéc từ nước Đức. Công nghệ này sử dụng gió nóng làm chín đều và ngon nhất sản phẩm cà phê nhân. Sử dụng hệ thống dò kim loại hiện đại của Nhật Bản để loại bỏ 100% tạp chất còn sót lại nếu có, công nghệ đóng gói hàng đầu từ Italia và Đức với tốc độ cao và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Lê Thị Thủy Ngân, đại diện Nhà máy Cà phê Buôn Mê Thuột, Tập đoàn Trung Nguyên Legend

*****

Chia đều “miếng bánh” lợi nhuận cho các bên

Là người đã đầu tư vào khâu chế biến nông sản nhiều năm nay, tôi thấy doanh nghiệp muốn phát triển ở phân khúc sau trồng trọt phải tuân thủ nguyên tắc chia đều “miếng bánh” lợi nhuận cho các bên, cả nông dân tạo nguồn nguyên liệu, phân phối, bán hàng. Muốn có được khối lợi nhuận cao thì tất yếu phải tạo ra sản phẩm với chất lượng tương ứng. Nên cả nông dân, doanh nghiệp phải nghiêm túc xây dựng mối quan hệ bền chặt.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng, huyện Cư Jút

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở về "cây chủ lực" cà phê (kỳ 2): Tìm lời giải cho "bài toán" nâng tầm cây cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO