Tín dụng chính sách làm “đòn bẩy” cho hộ nghèo phát triển kinh tế

Nguyễn Lương| 10/09/2020 08:36

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, giai đoạn 2015-2020, cùng với nhiều nguồn lực khác, vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

ADQuảng cáo

Giảm nghèo rõ rệt

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đắk Nông, đơn vị chủ lực trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, trong giai đoạn 2015-2020, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Tính đến hết tháng 8/2020, tổng dư nợ tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh là hơn 2.730 tỷ đồng. So với năm 2015, nguồn vốn này tăng hơn 1.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 67.877 gia đình được vay vốn chính sách, tăng trên 11.800 hộ so với năm 2015. Nguồn vốn ưu đãi giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, góp phần rất lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Cán bộ NHCSXH Đắk Song xuống kiểm tra mô hình sử dụng vốn vay của người dân tại xã Đắk N'Drung (Đắk Song)

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, hệ thống tổ chức hội, đoàn thể, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng ngàn hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo. Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 3.328 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chính sách để học tập. Trên địa bàn có 62.470 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn của người dân được sửa chữa, xây mới từ nguồn vốn này. Hơn 1.087 căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng, góp phần giúp 29.122 hộ cư trú tại các vùng khó khăn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 11.625 hộ nghèo và cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo. Qua đó, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19,26% năm 2016 xuống còn 10,52% cuối năm 2019. Trong đó, riêng khu vực đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 40,76% xuống còn 21,15%.

Còn những hạn chế

Theo ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, nguồn vốn tín dụng thời gian qua phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo, nhưng quá trình triển khai, nhiều chương trình chưa đạt mục tiêu đề ra. Đơn cử như chỉ tiêu về giải quyết việc làm cho lao động thông qua nguồn vốn giải quyết việc làm.

Theo nghị quyết HĐND tỉnh, giai đoạn 2016-2020, mỗi năm tỉnh giải quyết được việc làm cho 18.000 lao động, tương đương với cả giai đoạn là hơn 90.000 lao động có việc làm. Tuy nhiên, từ 2016 đến nay, số lao động được vay vốn chính sách tạo việc làm mới chỉ đạt con số hơn 8.850 người.

ADQuảng cáo

Một số chương trình tín dụng có thời hạn cho vay, mức cho vay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế để phát huy hiệu quả đồng vốn. Ví dụ như chương trình hộ mới thoát nghèo, với thời hạn cho vay tối đa 5 năm; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, với mức cho vay tối đa 10 triệu đồng/công trình.

Công tác phối hợp giữa hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức với hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa được gắn kết chặt chẽ. Từ đó, hiệu quả sử dụng vốn chính sách ở một số bộ phận người nghèo, đối tượng chính sách chưa cao.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông cho rằng, do nguồn lực của Trung ương, tỉnh còn hạn chế. Trong quá trình triển khai, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa xác định đúng vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong mục tiêu giảm nghèo bền vững. Sự thiếu kết hợp trong việc lồng ghép các chương trình, dự án kế hoạch phát triển kinh tế giữa các đơn vị liên quan cũng là nguyên nhân làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay chính sách...

Nhiều hộ gia đình tại xã Đắk R'la (Đắk Mil) được vay vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế

Đẩy mạnh “tiếp sức” giảm nghèo

Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu cho 26.925 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn chính sách. Như vậy, bình quân mỗi năm, nguồn vốn phải bổ sung cho vay đối tượng này là hơn 300 tỷ đồng.

NHCSXH tỉnh Đắk Nông cũng đặt chỉ tiêu số lao động được vay vốn, tạo việc làm là 18.000 người. Nhu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh vay vốn, duy trì mở rộng sản xuất là 75 cơ sở. Riêng nguồn vốn phục vụ cho lĩnh vực này trong cả giai đoạn là hơn 1.000 tỷ đồng (tương đương bình quân mỗi năm 165 tỷ đồng).

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, giai đoạn tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, việc bổ sung nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH để hỗ trợ cho vay sẽ được đơn vị quan tâm theo tinh thần năm sau bổ sung vốn cao hơn năm trước. Phấn đấu mỗi năm nguồn vốn ủy thác qua cho NHCSXH đạt mức hơn 50 tỷ đồng.

Cùng với nỗ lực của NHCSXH, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chuyển nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi về NHCSXH để tạo lập nguồn vốn huy động tại chỗ, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thêm cơ hội tiếp cận vốn. Riêng NHCSXH sẽ thực hiện có hiệu quả quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội theo phương thức ủy thác một số phần việc cho tổ chức hội, đoàn thể, nhằm tăng cường sự giám sát của cơ sở.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng chính sách làm “đòn bẩy” cho hộ nghèo phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO