Tìm hướng “đánh thức” ngành Du lịch

24/08/2016 10:30

Du lịch là một trong 3 định hướng chiến lược trong phát triển đã được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Theo đó, việc tìm hướng đi hợp lý, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành “công nghiệp không khói” đang là nhiệm vụ trọng tâm trong việc cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh vào thực tiễn cuộc sống.

ADQuảng cáo

Tiềm năng đã rõ

Trước hết, nếu kể tên các địa điểm được xem là có tiềm năng lớn về du lịch thì Đắk Nông thuộc nhóm những tỉnh, thành được thiên nhiên, lịch sử ưu đãi bởi hệ thống sông suối, núi rừng hùng vĩ gắn với các di tích lịch sử và nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc các dân tộc.

Trải nghiệm cảm giác đi thuyền dưới chân thác Đray Sáp. Ảnh: Văn Tâm

Từ lâu, khi nhắc đến Đắk Nông, nhiều người thường biết đến cụm thác Dray Sáp-Gia Long-Trinh Nữ; thác Đắk Glun, Liêng Nung, Đắk Búk So, Lưu Ly… vừa hùng vĩ nhưng không kém phần mộng mơ, lý tưởng cho các hoạt động du lịch khám phá, sinh thái. Ngoài ra, có nhiều điểm khác với những tiềm năng lớn để khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch như hồ Ea Snô, hồ Tây, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng.

Đặc biệt, những năm gần đây, qua quá trình tận dụng nguồn thủy năng lớn từ hệ thống sông, suối để phát triển thủy điện cũng đã tạo nên những lợi thế về cảnh quan, tài nguyên du lịch tự nhiên để hình thành các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng như hồ thủy điện Đồng Nai 3 và 4, thủy điện Đắk R’tíh…

Bên cạnh đó, Đắk Nông còn có các khu di tích lịch sử, văn hóa có giá trị phục vụ việc giữ gìn, tôn tạo và khai thác phục vụ du lịch như: Di tích lịch sử bon Bu Nor, ngục Đắk Mil; Khu căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV, di tích Đồi 722…

Chưa kể đến, với sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau của 40 thành phần dân tộc, trong đó nền văn hóa nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như M’nông, Mạ, Ê đê đã tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn từ chính các sản phẩm văn hóa mang tính đặc trưng như chiêng, đàn đá, những nhạc cụ thô sơ làm bằng tre, nứa, chất liệu của núi rừng đại ngàn Tây Nguyên.

Những điệu múa, lời ca, các sản phẩm làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc và bộ sử thi Ót N’drông của đồng bào M’nông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014… tạo thêm chiều sâu cho du lịch Đắk Nông.

Đặc biệt, Đắk Nông còn sở hữu một hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô, và là chặng cuối trong tuyến du lịch “con đường xanh Tây Nguyên, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ và các cửa khẩu thông thương qua nước bạn Campuchia, nối liền các nước khu vực Đông Nam Á cũng chính là điều kiện để kết nối các điểm tour của các tỉnh và quốc tế. Đây là những lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có sẵn để kiến tạo và phát triển một ngành du lịch hấp dẫn và bền vững.

Nhưng vị thế chưa… “lên ngôi”

Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu về những tiềm năng, lợi thế cũng như thách thức, nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp không ngần ngại cho rằng Đắk Nông quả đúng “đệ nhất” du lịch khu vực Tây Nguyên.

Trước hết phải thừa nhận, về mặt chủ trương, trong những năm qua, Đắk Nông đã quan tâm tới các hoạt động quảng bá, xúc tiến và ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đến nay, về cơ bản, tỉnh đã quy hoạch tổng thể và chi tiết các khu, điểm du lịch và đưa vào các danh mục kêu gọi đầu tư.

ADQuảng cáo

Hiện đã có 6 khu, điểm du lịch có chủ trương đầu tư gồm: Khu du lịch sinh thái cụm Đray Sáp - Gia Long, xã Đắk Sôr (Krông Nô); điểm du lịch sinh thái thác Trinh Nữ, thị trấn Ea T’ling (Chư Jút); điểm du lịch sinh thái số 1 thác Đắk Glun, xã Quản Tâm (Tuy Đức); điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly và Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên thuộc Khu du lịch sinh thái lịch sử Nam Nung, xã Nâm N’Jang (Đắk Song); Tu viện Liễu quán thuộc Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, xã Đắk Som (Đắk Glong).

Ngoài ra, tỉnh cũng đã và đang quan tâm đầu tư xây dựng các di tích lịch sử văn hóa như Nhà ngục Đắk Mil; Khu di tích lịch sử kháng chiến B4 –Liên tỉnh IV; di tích lịch sử N'Trang Lơng và thành lập các đội văn nghệ cồng chiêng, khôi phục các lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, phục vụ khách du lịch.

Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng ngành Du lịch đến nay vẫn chưa được đánh thức. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó tập trung vào một số nguyên nhân cơ bản như: Chưa có chiến lược khai thác một cách rõ ràng; công tác quản lý Nhà nước về du lịch, quảng bá, xúc tiến còn nhiều hạn chế, nổi lên là nhiều dự án thu hút, đầu tư vào du lịch thời gian qua chưa mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác, can thiệp quá mức của con người vào thiên nhiên như xây dựng các công trình thủy điện đầu nguồn, phá rừng trái phép... đang ngày một làm mất đi những giá trị tự nhiên vốn có của các cụm, điểm du lịch...

Nhiều du khách thích khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Ảnh: Văn Tâm

Và đâu là hướng mở?

Vì sao Đắk Nông có nhiều lợi thế, nhất là lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử, là những tài nguyên có sẵn nhưng du lịch nhiều năm vẫn gần như "giẫm chân tại chỗ"? Trong quá trình nghiên cứu cộng với hoạt động khảo sát thực tiễn, nhóm chuyên gia thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã cho rằng: Mặc dù sở hữu những tiềm năng lớn song du lịch Đắk Nông đang thiếu các yếu tố như: Chiến lược phát triển, sản phẩm du lịch cụ thể và các hình thức quảng bá du lịch… Bởi vì suy cho cùng, nằm trong điều kiện là địa phương có nhiều lợi thế, nhưng quá trình đầu tư lại dàn trải, manh mún, chưa xác định rõ chiến lược trong tổng thể vùng, khu vực và nội tại của tỉnh. Từ đây, việc xác định các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh cũng không được quan tâm rõ nét nên công tác quảng bá thiếu hiệu quả, thậm chí đang rơi vào tình trạng “nói nhiều, hiệu quả lan tỏa không lớn”.

Để phát triển du lịch Đắk Nông trong điều kiện tỉnh còn khó khăn không phải là không thể. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, trên cơ sở những ưu đãi từ thiên nhiên, đầu tư vào du lịch Đắk Nông không lớn như nhiều tỉnh, thành khác. Bên cạnh đó, lợi thế về nền văn hóa phong phú, đa dạng, cộng với môi trường sinh thái lý tưởng, Đắk Nông có thể đầu tư phát triển du lịch một cách ít tốn kém nhất nhưng mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế và xã hội bằng việc chọn hướng phát triển du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, Đắk Nông phải xác định phát triển du lịch hiện nay phải được đặt trong chuỗi liên kết vùng, khu vực, thậm chí cả quốc tế nên trong chiến lược phải có sự lựa chọn khu, điểm đầu tư phù hợp, tránh trùng lắp. Cái quan trọng hơn, phát triển du lịch cùng nhằm mục đích khuyến khích người dân đến để “tiêu tiền”, nếu tỉnh không đưa ra được những sản phẩm du lịch độc đáo, không tạo được nơi tiêu tiền cho du khách thì lĩnh vực du lịch sẽ vẫn mãi “giẫm chân tại chỗ".

Một tín hiệu vui là thời gian gần đây, tỉnh đã bắt đầu liên kết với một số trường đại học để xây dựng đề án chiến lược phát triển du lịch trên cơ sở phân tích những lợi thế và đánh giá thử thách để phân kỳ giai đoạn phát triển hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều công ty du lịch lớn trong nước cũng bắt đầu có hứng thú với Đắk Nông bằng việc cử các đoàn công tác đi tiền trạm, nghiên cứu các điểm tour để xây dựng chiến lược đầu tư...

Đây cũng đang chính là những ý tưởng gợi mở cho tỉnh có một lộ trình phát triển du lịch thời gian đến bằng những chính sách, hành động cụ thể, rõ ràng và hiệu quả hơn.

Kết hợp giữa phát triển công nghiệp bô xít và du lịch

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, UVTW Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Chưa nói đến các cụm, điểm thác hùng vĩ, khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ và hệ thống hang động núi lửa, ở góc độ người làm công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chỉ với ngành công nghiệp khai thác, cụ thể là khai thác bô xít, sản xuất nhôm ở Nhân Cơ nếu tỉnh làm tốt cũng sẽ là điểm du lịch hấp dẫn.

Bởi vì, khi nhắc đến Đắk Nông, người ta nghĩ ngay đến ngành công nghiệp khai thác bô xít. Người dân không chỉ quan tâm đến hiệu quả của hoạt động này mà còn “tò mò” muốn biết về tác động của nó đến văn hóa, môi trường. Chính vì điểm này, nếu Đắk Nông có chiến lược phát triển, làm tốt khâu bảo vệ môi trường, nghiên cứu các giống cây trồng phù hợp, có tính đặc thù cao để đưa vào phát triển ở các vùng đất đã khai thác và hoàn thổ kết hợp xây dựng một số khu, điểm theo dạng mô hình văn hóa để làm du lịch thì không gì bằng. Sản phẩm nhôm cũng có thể được nghiên cứu, chế tác thành những mặt hàng lưu niệm mang đặc trưng về Đắk Nông để bán cho du khách.

Đổi hướng xúc tiến, quảng bá dự án sang xúc tiến, quảng bá tour homestay

Ông Lê Một, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư).

Trên thực tế, mặc dù thời gian qua, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của Đắk Nông đã được quan tâm nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc xúc tiến, kêu gọi dự án. Trong khi đó, cái căn cốt trong phát triển du lịch là phải có sản phẩm cụ thể bằng việc xác lập các tour, điểm trong chuỗi liên kết.

Chính vì vậy, thời gian tới, Trung tâm sẽ tham mưu tỉnh hướng công tác xúc tiến, quảng bá sang tour homestay nhằm phát triển du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Đắk Nông. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ từng bước xây dựng các khu lưu trú gắn với dịch vụ ở các cụm, điểm cùng với những sản phẩm du lịch đặc trưng của Đắk Nông về nông nghiệp, văn hóa…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hướng “đánh thức” ngành Du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO