Tìm giải pháp hạn chế chi chuyển nguồn vốn đầu tư lớn

Công Tính| 23/08/2019 11:02

Dù có nhiều nỗ lực trong đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, nhưng thực trạng chi chuyển nguồn từ năm trước qua năm sau vẫn còn lớn trong bối cảnh tỉnh Đắk Nông luôn rất cần vốn đầu tư là vấn đề đặt ra hiện nay.

ADQuảng cáo

Từ những dự án lớn

Theo báo cáo của UBND tỉnh, nguồn vốn đầu tư chuyển từ năm 2018 sang năm 2019 là 964 tỷ đồng. Riêng dự án hồ Gia Nghĩa và các hạng mục liên quan đã gần 500 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn thuộc dự án này thuộc vốn trái phiếu Chính phủ. Trong đó, dự án hồ Gia Nghĩa do Ban Quản lý (BQL) Dự án xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019 hơn 65 tỷ đồng; tiểu dự án giải phóng mặt bằng, khu tái định cư phía đông hồ trung tâm và đường D2 (dự án hồ Gia Nghĩa) do BQL Dự án và phát triển quỹ đất thị xã Gia Nghĩa chuyển nguồn 430 tỷ đồng.

Nhà thầu dự án hồ Gia Nghĩa gặp không ít khó khăn trong thi công do phải chuyển nguồn vốn

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc BQL Dự án xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, sở dĩ vốn chuyển nguồn từ năm trước qua năm sau lớn là do trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đến gần cuối năm chủ đầu tư mới được bố trí vốn, nên rất khó để giải ngân hết. Đối với dự án hồ Gia Nghĩa, ngay khi được bố trí vốn, đơn vị đã “thúc” các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để giải ngân hết số vốn được phân bổ.

Liên quan đến dự án khu tái định cư phía đông hồ trung tâm và đường D2, ông Vũ Tá Vượng, Giám đốc BQL Dự án và phát triển quỹ đất thị xã Gia Nghĩa cho rằng, tuy nguồn vốn giao từ đầu năm 2018, nhưng lại giao cho BQL Dự án xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh. Vì vậy, đến tháng 6/2018, thị xã mới nhận chủ trương thực hiện dự án này và đến gần cuối năm 2018 mới hoàn thiện hết các thủ tục có liên quan. Ngay khi có nguồn vốn thì đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương triển khai giải ngân. Đến tháng cuối tháng 3/2019, dự án giải ngân chỉ còn hơn 72 tỷ đồng. Hiện nay, đơn vị đang nỗ lực chi trả cho người dân hết số tiền nhận đền bù trong dự án.

ADQuảng cáo

Ngoài dự án hồ Gia Nghĩa, các BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh, BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, BQL huyện Tuy Dức… cũng có nhiều dự án chi chuyển nguồn khá lớn. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng số chi chuyển nguồn năm 2018 sang năm 2019 toàn tỉnh là 1.612 tỷ đồng, gồm: Cấp tỉnh 1.401 tỷ đồng, cấp huyện và cấp xã 211 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng số tiền chi chuyển nguồn này thì vốn chuyển nguồn trong đầu tư là 964 tỷ đồng.

Cần tháo “nút thắt” chi chuyển nguồn

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nam, ngoài các thủ tục pháp lý, việc vướng khâu giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân khiến các dự án giải ngân chậm và dẫn đến phải chuyển vốn sang năm sau. Mặt khác, đối với tỉnh Đắk Nông, nhất là thị xã Gia Nghĩa có lượng mưa lớn, mùa mưa kéo dài, nên ngay cả khi có nguồn vốn đầu tư và giải phóng được mặt bằng thì việc thi công nhiều khi cũng rất chậm.

Liên quan đến giải phóng mặt bằng, ông Vũ Tá Vượng phân tích thêm, chỉ tính riêng việc hoàn thiện thủ tục giải phóng, đền bù riêng phần đất ở đã mất đến 180 ngày (6 tháng). Xong phần đền bù của một dự án đã sang đến quý II trong một năm. Còn nếu không làm quyết liệt thì có thể lâu hơn nữa. “Như vậy, để giải ngân được nguồn vốn đầu tư, hạn chế chuyển nguồn vốn sang năm sau thì cần phải làm rất quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng”, ông Vượng lý giải.

Công khai và xử lý nghiêm tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm

Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư chậm, phải chuyển nguồn từ năm này sang năm khác, phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2019 của Thường trực HĐND tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Diễn cho rằng, nguyên nhân chính là do chế tài, trách nhiệm đối với chủ đầu tư chúng ta làm chưa nghiêm. Do đó, UBND tỉnh cần phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc giải ngân nguồn vốn chậm, thậm chí không giải ngân được phải chuyển nguồn, thu hồi vốn. Đến 30/9, nếu chủ đầu tư nào không thực hiện được thì kiên quyết chuyển vốn, thậm chí thay thế chủ đầu tư. UBND tỉnh xác định rõ nguyên nhân, công bố rộng rãi danh sách các chủ đầu tư giải ngân chậm, không giải ngân được vốn, nhà thầu thi công yếu kém…

Báo cáo trước Thường trực HĐND tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm 2019, ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, muốn giải ngân được nguồn vốn thì các chủ đầu tư phải nghiêm túc chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng và luật Đầu tư công. Ngoài ra, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã phải quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc sâu sát các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đối với các dự án được giao làm chủ đầu tư. Các chủ đầu tư cũng phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục để giải ngân vốn đầu tư các dự án hoàn thành, quyết toán. Đối với các dự án mới cần gấp rút hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm đưa vào triển khai thi công...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp hạn chế chi chuyển nguồn vốn đầu tư lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO