Tiếp tục tạo điều kiện để Chỉ thị 40 đi sâu vào thực tiễn

Nguyễn Lương thực hiện| 30/09/2019 11:18

Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW (Chỉ thị 40), ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ngoài những kết quả nổi bật vẫn còn một số hạn chế nhất định. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những kết quả về thực hiện Chỉ thị 40 tại Đắk Nông?

Ông Hoàng Minh Tế: Qua báo cáo của Tỉnh ủy Đắk Nông, cũng như quá trình theo dõi tình hình hoạt động của NHCSXH tỉnh Đắk Nông, tôi có thể khẳng định rằng tất cả các mặt hoạt động, các nội dung được đề cập trong Chỉ thị 40  đều được Đắk Nông thực hiện rất bài bản. Điều này thể hiện ở khâu quán triệt sâu rộng nội dung chỉ thị tới các cơ quan, ban, ngành và tới tận cấp cơ sở. Chính điều đó đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại đây được nâng lên rõ rệt.

Như báo cáo của Tỉnh ủy Đắk Nông, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, địa phương đã cho vay đối với hơn 150.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, các hộ gia đình thuộc diện chính sách tại 100% thôn, buôn trên địa bàn. Đến nay, dư nợ cho vay qua hệ thống NHCSXH tỉnh là hơn 2.600 tỷ đồng, với gần 70.000 hộ gia đình được vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn tại Đắk Nông chỉ chiếm 0,2% tổng dư nợ. So với thời điểm 2014, con số cho vay tăng hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 11.860 hộ vay và nợ quá hạn giảm 0,67%. Như vậy, với một tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, tình hình kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn thì tôi cho rằng kết quả này xứng đáng được khen ngợi và biểu dương.

Phóng viên: So với nhiều tỉnh, thành phố khác, ông thấy như thế nào về sự vào cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể tại Đắk Nông?

Ông Hoàng Minh Tế: Từ khi có sự chỉ đạo của Ban kinh tế Trung ương, NHCSXH Việt Nam đã bám sát chỉ đạo này để tham mưu cho Đảng bộ các tỉnh, hệ thống NHCSXH thực hiện sơ kết Chỉ thị 40. Qua nắm bắt tình hình, bản thân tôi nhận thấy, hầu hết các tỉnh đều tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND các cấp triển khai rất tốt chỉ thị này. Trong đó, chuyển biến rõ rệt nhất phải kể đến sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội. Thông qua những nội dung chỉ đạo của chỉ thị, hệ thống này đã từng bước nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị của hội mình. Do vậy, tinh thần tự nguyện, sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách được khơi dậy mạnh mẽ.

Đối với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội tại Đắk Nông cũng không nằm ngoài sự vào cuộc này. Chính việc phát huy vai trò, trách nhiệm đã làm cho hệ thống các tổ Tiết kiệm và Vay vốn mà các tổ chức hội, đoàn thể này quản lý ngày hoạt động càng chất lượng hơn. Việc bình xét, tập hợp các thành viên, hội viên vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, giảm tỷ lệ hộ nghèo… ngày càng đi vào thực chất hơn.

ADQuảng cáo

Phóng viên: Ngoài những kết quả nêu trên, quá trình triển khai Chỉ thị 40 sẽ không tránh khỏi những hạn chế nhất định? Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Ông Hoàng Minh Tế: Không riêng gì Đắk Nông, mà qua nắm bắt sơ bộ tình hình sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 do NHCSXH các tỉnh, thành triển khai, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều còn tồn tại và hạn chế. Một trong những hạn chế lớn nhất theo tôi đó chính là có nơi, có lúc sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự sâu sát. Chính tồn tại này đã làm cho chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại một số địa phương, vùng miền không đồng đều nhau.

Bên cạnh đó, sự phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, dạy nghề… ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả… Với vai trò là cơ quan tham mưu, trên cơ sở tổng hợp lại, hiện tại, NHCSXH Việt Nam tham mưu cho Ban Kinh tế Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cho các cấp, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa. Trong đó, trọng tâm là đưa nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ và đưa thành tiêu chí để đánh giá hoạt động của cơ sở đảng. Với cách làm này, tôi tin rằng, trong thời gian tới, những hạn chế nêu trên sẽ từng bước được khắc phục.

Phóng viên: Cùng với việc khắc phục hạn chế, về phía NHCSXH Việt Nam sẽ có sự hỗ trợ như thế nào để Chỉ thị 40 tại Đắk Nông tiếp tục đi sâu vào thực tiễn?

Ông Hoàng Minh Tế: Vâng! Mặc dù có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội, nhưng hiện nay Đắk Nông vẫn là một tỉnh còn nghèo trong khu vực Tây Nguyên. Hơn thế, đây lại là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá cao. Do vậy, chúng tôi khẳng định, các chính sách về cơ chế, nguồn vốn khi triển khai Chỉ thị 40 nói riêng, các chương trình khác nói chung sẽ ưu tiên cho những vùng như Đắk Nông lên hàng đầu. Bởi vì, hoạt động của NHCSXH Việt Nam nói riêng, hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung mục đích cuối cùng là thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Qua khảo sát thực tế tại Đắk Nông và một số vùng đặc thù khác, vừa qua, NHCSXH có tham mưu với Ban Dân tộc Trung ương, Ủy ban Dân tộc Quốc hội để sắp tới có những chính sách mạnh mẽ, bài bản đối với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Còn trong thẩm quyền của mình, hằng năm, NHCSXH Việt Nam luôn luôn ưu tiên nguồn vốn cho người nghèo, cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những tỉnh như Đắk Nông để giúp cho bà con được vay vốn, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục tạo điều kiện để Chỉ thị 40 đi sâu vào thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO