Tiếp cận nguồn vốn vay: Cần cơ chế phối hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Nguyễn Lương| 30/10/2014 08:59

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 9/2014, toàn tỉnh đã có 430 doanh nghiệp trong tổng số hơn 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn được vay vốn. Tổng dư nợ cho vay của toàn ngành đối với doanh nghiệp là hơn 1.920 tỷ đồng, giảm 58 tỷ đồng so với đầu năm.

ADQuảng cáo

Cũng theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đánh giá thì mặc dù thời gian qua, địa phương, ngành Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để chia sẻ cùng với doanh nghiệp, nhưng hoạt động của các đơn vị trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, quy mô tiếp cận vốn ngân hàng còn hạn chế.

Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các ngân hàng thương mại chưa cân đối đủ nguồn vốn để phục vụ nhu cầu vay, trong khi nguồn vốn huy động tại chỗ thấp nên các đơn vị phải nhận vốn điều hòa từ cấp trên, với chi phí cao, từ đó, ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư cho vay trung, dài hạn đối với doanh nghiệp.

Đội ngũ cán bộ tín dụng doanh nghiệp ít, địa bàn cho vay rộng do vậy việc quan hệ, nắm bắt thông tin về doanh nghiệp chưa nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn. Không những thế, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn ít, tài sản thế chấp có giá trị thấp, không đáp ứng đầu đủ điều kiện về hồ sơ pháp lý của tài sản thế chấp nên ngân hàng rất khó có thể cho vay đảm bảo bằng tài sản.

Chưa kể, trình độ hạch toán, kế toán của doanh nghiệp còn bất cập, chưa theo chuẩn mực, thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính, cũng như không có báo cáo kiểm toán hàng năm nên công tác thẩm định của cán bộ tín dụng gặp rất nhiều trở ngại.

ADQuảng cáo

Để số lượng doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, phục vụ sản xuất kinh doanh, cần có cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa chính ngân hàng và doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Hồ Hữu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thì về phía các tổ chức tín dụng nên đẩy mạnh phân loại doanh nghiệp và đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp để đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc chủ động tìm kiếm, tiếp cận doanh nghiệp để “nhận dạng” khó khăn, vướng mắc, từ đó, xem xét cho vay mới, điều chỉnh giảm lãi suất, hoặc áp dụng tăng hạn mức tín dụng cũng là giải pháp các ngân hàng cần đẩy mạnh. Các ngân hàng sẽ thực hiện rà soát, xem xét lại thủ tục và điều kiện vay vốn, từ đó, kiến nghị cấp trên có sự điều chỉnh phù hợp theo hướng linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục, giảm điều kiện vay để áp dụng cho vay linh hoạt hơn.

Riêng về phía các doanh nghiệp cần xây dựng dự án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực tài chính, công nghệ….. Việc thực hiện nghiêm túc các hợp đồng tín dụng, trả nợ đầy đủ, đúng hạn để nâng cao uy tín với ngân hàng và các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn, từ đó, có thể xem xét cho vay bằng hình thức tín chấp.

Ông Hữu cho biết thêm: “Về phía Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đơn vị sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc về cơ chế để báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải quyết kịp thời, nhằm tạo thuận lợi cho các ngân hàng đẩy mạnh, mở rộng tín dụng trên cơ sở đảm bảo chất lượng tín dụng. Việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các gói tín dụng ưu đãi đến doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ được đơn vị triển khai thường xuyên”.

Có thể nói, việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn đang là “bài toán khó” đối với doanh nghiệp. Trong khi nguồn vốn huy động tại chỗ tại các tổ chức tín dụng để đáp ứng nhu cầu tín dụng với giá rẻ còn hạn hẹp, các doanh nghiệp cần phải tranh thủ vốn từ các nguồn khác, cũng như vạch ra phương án, chiến lược kinh doanh hiệu quả chứ không nên chỉ trông chờ vào vốn tín dụng để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp cận nguồn vốn vay: Cần cơ chế phối hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO