Tích cực phòng, trừ sâu bệnh lúa vụ đông xuân

Văn Tâm| 26/02/2015 09:47

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT thì vụ đông xuân năm 2014-2015, toàn tỉnh đã gieo cấy được 4.684 ha lúa nước, tăng 90 ha so với vụ trước.

ADQuảng cáo

Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn tất kế hoạch gieo cấy diện tích lúa vụ đông xuân. Tuy nhiên, trong những tháng đầu vụ, do tình hình thời tiết diễn biến thất thường, đã góp phần làm cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh trên cây như sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, vàng lá, rầy lưng trắng.

Nông dân xã Đức Xuyên (Krông Nô) chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa vụ đông xuân

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, trong thời gian tới, khi cây lúa càng phát triển thì các loại sâu bệnh hại sẽ gia tăng mật độ, tỷ lệ gây hại trên đồng ruộng. Để chủ động phòng, chống dịch hại trên cây lúa, trong và sau Tết Nguyên đán, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã yêu cầu trạm bảo vệ thực vật các huyện tăng cường kiểm tra sâu bệnh, hướng dẫn nông dân chăm sóc, bón phân đầy đủ. Trong đó, biện pháp tối ưu nhất là hướng dẫn bà con chú trọng phòng bệnh dịch thông qua việc thường xuyên thăm đồng, vệ sinh bờ ruộng.

Ông Trần Văn Tuyến ở thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên (Krông Nô) cho biết: “Vụ xuân này, gia đình tôi cấy 4 sào lúa bằng các giống ngắn ngày. Thời tiết thuận lợi, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt nhưng gần đây, trên đồng ruộng xuất hiện ốc bươu vàng gây hại. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nên gia đình tôi đã diệt trừ kịp thời. Từ nay đến cuối vụ, gia đình thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời sâu bệnh vì đây là thời điểm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa".

Cũng giống như nhiều hộ nông dân trong tỉnh, gia đình ông Hoàng Văn Hiền ở thôn 9, xã Đắk Ha (Đắk Glong) đang tập trung phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 cho lúa theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật huyện.

Ông Hiền cho biết: “Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 2 sào lúa bằng giống Nhị ưu 838. Thực hiện hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật huyện, trước đó, gia đình đã phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn lá cho toàn bộ diện tích gieo cấy, hiện nay theo thông báo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, gia đình tiếp tục phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 bằng thuốc hóa học, thuốc sinh học có trong danh bạ của Bộ Nông nghiệp - PTNT cho ruộng lúa”.

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Hiền, ngoài việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ bệnh thì việc vệ sinh đồng ruộng cần được tiến hành thường xuyên, trong đó, đáng chú ý nhất là phát quang bờ ruộng, bụi rậm để cắt đứt nơi rầy trú ẩn.

Mặt khác, bà con cần thường xuyên thăm đồng, kết hợp với theo dõi bẫy đèn để dự báo mật độ rầy trên đồng ruộng. Cũng theo Chi cục Bảo vệ thực vật thì trường hợp nếu phát hiện các triệu chứng như cây lúa thấp lùn, phiến lá nhăn nheo, màu xanh đậm khác thường… cần báo ngay với trạm bảo vệ thực vật địa phương để cán bộ kỹ thuật có biện pháp xử lý phù hợp.

Qua tìm hiểu thì hiện tại, loại bệnh phổ biến nhất trên cây lúa giai đoạn đầu là bệnh đạo ôn. Nguyên nhân xuất hiện bệnh là do nấm bệnh tồn tại trên cỏ dại, tàn dư trên cây trồng vụ trước hoặc do bón đạm, lân, kali không cân đối, ruộng khô hoặc ngập úng nên khi gặp điều kiện nhiệt độ thích hợp, bệnh sẽ phát sinh gây hại.

Cách phòng trừ bệnh đạo ôn chủ yếu là khi có dấu hiệu bệnh đạo ôn mà đến giai đoạn bón phân thì ngừng bón đạm và phải phun thuốc bảo vệ thực vật, khi bệnh giảm hẳn rồi mới bón lại và điều tiết nước vào ruộng đảm bảo có độ sâu 3 - 5 cm. Nếu bệnh hại nặng thì người dân có thể dùng các loại thuốc hóa học như sau Newhynosan 30EC, Fujione 40EC, Beam 70WP, Binh tin 75WP, Flast 75 WP...

Đối với rầy nâu và bệnh  lùn xoắn lá, vì đây là một trong số những đối tượng gây hại và có nguy cơ bùng phát thành dịch ở giai đoạn lúa làm đòng trổ bông đến chín nên bà con cần theo dõi và xử lý sớm có hiệu quả. Bà con có thể sử dụng nhóm thuốc nội hấp, lưu dẫn, thấm sâu như Actara, Acmađa theo khuyến cáo hoặc Trebon, bassa có tác dụng tiếp xúc mạnh để phun khi mật độ rầy thấp.

Trong điều kiện nếu mật độ rầy cao thì người dân có thể pha hỗn hợp cả hai nhóm thuốc trên để mang hiệu quả cao trong khi phun. Ngoài ra, bà con nông dân cần sử dụng giống lúa có phẩm cấp tốt, không lấy lúa thịt làm giống và áp dụng các biện pháp xử lý hạt giống bằng các loại thuốc như Cruiser plus 312,5 FS, Enaldo 40 FS, Gaucho 600FS để bảo vệ cây giai đoạn mạ và tăng sức đề kháng của cây lúa đối với rầy.

Bên cạnh đó, bà con nông dân cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo biện pháp “4 đúng” là đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Ngoài ra, việc sử dụng các biện pháp sinh học để phát huy hiệu quả cao khi phối hợp với biện pháp hóa học trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" cũng là giải pháp hữu hiệu góp phần đảm bảo thắng lợi trong vụ đông xuân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích cực phòng, trừ sâu bệnh lúa vụ đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO