Thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020: Cần sự nỗ lực từ hai phía

Lương Nguyên| 26/04/2019 16:53

Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 2545/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng kết quả vẫn còn khá khiêm tốn, đòi hỏi cần sự nỗ lực hơn nữa từ phía cung cấp dịch vụ và cả bên sử dụng dịch vụ.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Sử dụng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn

Những năm gần đây, mặc dù hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ghi nhận có sự tăng trưởng cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch, nhưng việc sử dụng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các hoạt động giao dịch của người dân trên địa bàn.

Hiện nay, việc thanh toán qua thẻ ATM được khách hàng sử dụng trong thanh toán nhiều dịch vụ

Chuyển biến...

Với đặc thù công việc làm bên công ty bảo hiểm nên việc giao dịch với khách hàng thông qua tài khoản ngân hàng là hoạt động thường xuyên của anh Nguyễn Trọng Bình, ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa). Nếu như trước đây, anh Bình phải vất vả chạy lui, chạy tới các điểm ATM, phòng giao dịch của các ngân hàng để giao dịch với khách hàng thì nay vấn đề này đã được giải quyết theo hướng nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Anh Bình chia sẻ: Trước đây, cứ mỗi lần chuyển tiền, tôi phải ra tận các điểm ATM. Có thời điểm đi làm xa, cách trung tâm, tôi phải nhờ người trong gia đình hoặc bạn thân thực hiện giao dịch. Từ khi sử dụng ví điện tử, việc chuyển tiền, nộp tiền từ các tài khoản ngân hàng đã trở nên đơn giản và dễ dàng hơn nhiều. Khách hàng như chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian và các chi phí khác kèm theo.

Trường hợp của anh Bình trong số hàng nghìn câu chuyện cho thấy phương thức thanh toán hiện đại, không cần sử dụng tiền mặt đang dần đi vào cuộc sống, góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân. Bởi vì, hiện nay, khi cần mua sắm hay đóng các khoản chi phí khác, người dân chỉ cần ngồi một chỗ, với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối internet là có thể lựa chọn bất cứ dịch vụ nào mà không cần đến trụ sở ngân hàng để giao dịch.  

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch, cũng như có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng không ngừng đẩy mạnh, mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

ADQuảng cáo

Theo đó, các tổ chức tín dụng đã triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội. Các đơn vị đã mở rộng thêm mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị kho bạc nhà nước, các bệnh viện, trường học, các điểm giao dịch thu, nộp thuế, chi trả an sinh xã hội…

Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: “Bên cạnh việc quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng thanh toán qua POS và ATM, các ngân hàng thương mại đã từng bước hoàn thiện hạ tầng chấp nhận thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng. Các tổ chức tín dụng không ngừng cải tiến, áp dụng các dịch vụ, công nghệ thanh toán thẻ mới, hiện đại, có tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản như: Internet Banking, Mobile Banking, công nghệ thẻ chip, thanh toán QR Code… Cùng với đó, hệ thống thanh toán liên ngân hàng luôn được quan tâm, nâng cấp, cải tiến về kỹ thuật đã tạo sự kết nối thanh toán giữa các ngân hàng, từ đó, tạo thuận tiện cho người dân trong các giao dịch. Tính đến hết năm 2018, số món giao dịch qua ATM tăng 12% so với năm 2017. Số món giao dịch qua POS tăng trên 30%.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 65 máy ATM và hơn 210 máy POS. Các máy ATM, POS luôn hoạt động an toàn, ổn định. Hệ thống thanh toán hiện đại, với nhiều dịch vụ, tiện ích đa dạng, bảo đảm độ chính xác, an toàn, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán và chi tiêu của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.150 đơn vị trả lương qua tài khoản các ngân hàng, trong đó, có hơn 1.000 đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Nhưng chưa phổ biến

Có thể nói, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tuy đã phát triển và có mức độ phủ sóng tương đối nhanh, nhưng tâm lý và thói quen sử dụng tiền mặt trong người dân vẫn rất lớn. Từ đây, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa mang tính phổ biến mà đang dừng lại ở quy mô, tỷ lệ mang tính điển hình.

Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện có khoảng hơn 40% người dân trên địa bàn đã có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, trong số này, có trên 80% hoạt động chi tiêu, giao dịch hàng ngày là sử dụng tiền mặt.

“Người tiêu dùng thường sử dụng tiền mặt để giao dịch bởi phương thức này thanh toán nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Đặc biệt, tiền mặt giúp người dân dễ dàng quản lý mà không lo phát sinh chi phí hay để lại thông tin cá nhân mang tính chất riêng tư”, ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết.

Lý giải về vấn đề này, đại diện nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh nhìn nhận, việc sử dụng tiền mặt còn phổ biến, nhất là thói quen mua sắm ở các sạp, chợ nhỏ không có phương tiện thanh toán tiền hàng hóa bằng thẻ do dịch vụ hỗ trợ thanh toán chưa đồng bộ. Mặt khác, tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi nên không ít khách hàng còn e ngại việc đánh cắp thông tin tài khoản, cũng như việc bảo đảm tính an toàn, bảo mật công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng. Cũng vì điều này mà mặc dù phần lớn người dân đã làm quen và sử dụng ATM, nhưng chỉ dùng thẻ để rút tiền và ngại sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.

Đứng ở góc độ người dân, nhiều người cho biết mặc dù các ngân hàng thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư hạ tầng, mở rộng các gói dịch vụ thanh toán song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì thế, có những thời điểm, quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền hay rút tiền không thực hiện được đã tạo cho khách hàng quay lại với hình thức cất giữ, thanh toán bằng tiền mặt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020: Cần sự nỗ lực từ hai phía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO