Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2011-2015: Nhiều mục tiêu chưa đạt

Hoàng Hoài| 23/05/2016 14:19

Chương trình 135 giai đoạn 2 (2011-2013), toàn tỉnh có 21 xã và 28 thôn, bon, buôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng. Giai đoạn 3 (2014-2015), toàn tỉnh có 31 xã và 56 thôn, bon được thụ hưởng.

ADQuảng cáo

Tổng số vốn Chương trình 135 được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2011-2015 là trên 183 tỷ đồng, với các dự án như: Hỗ trợ phát triển sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, cộng đồng và lồng ghép huy động nguồn lực nhằm thực hiện đồng bộ các nội dung chương trình.

Một góc bon Bu Rwăh, xã Đắk N'Drung (Đắk Song) hôm nay. Ảnh: Minh Huyền

Theo đánh giá, Chương trình đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở các xã, thôn, bon đặc biệt khó khăn được thụ hưởng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai Chương trình 135 giai đoạn 2011-2015 vẫn còn những mục tiêu chưa đạt.

Cụ thể, giai đoạn 2, tỉnh còn 10/21 xã và giai đoạn 3 còn 25/25 xã và 56/56 thôn, bon chưa hoàn thành Chương trình 135 theo mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao trên 35%; thu nhập bình quân tại các xã thuộc Chương trình 135 còn thấp so với thu nhập bình quân chung của tỉnh; thoát nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đáng kể. Năng lực trình độ đội ngũ cán bộ xã và cộng đồng còn yếu…

ADQuảng cáo

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên. Trước hết là do việc triển khai thực hiện chính sách theo Quyết định số 551/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn những bất cập. Cụ thể như kinh phí phân bổ thấp, không đủ thực hiện, thời gian thực hiện ngắn; văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chậm, chưa kịp thời.

Điển hình như Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, sau gần 1 năm triển khai thực hiện chính sách thì đến cuối năm ngân sách 2014, Bộ Nông nghiệp và PTNT mới ban hành Thông tư 46 hướng dẫn thực hiện. Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khi triển khai thực hiện cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong thẩm định hồ sơ thủ tục đầu tư. Bởi các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và thôn đặc biệt khó khăn được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc quyết định đưa vào diện đầu tư thuộc Chương trình 135 từ tháng 12/2013, nhưng quy trình thủ tục đầu tư phải thực hiện theo Chỉ thị số 1792 ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.

Do đó, tỉnh gặp khó khăn, lúng túng trong việc lập hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng, dẫn đến triển khai thực hiện chính sách chậm. Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn theo hệ số K và quy trình thủ tục theo luật Đầu tư công cũng làm cho tỉnh gặp khó trong việc thẩm định hồ sơ công trình, phải chỉnh sửa nhiều lần, mất thời gian.

Hơn nữa, cơ quan thường trực Chương trình 135 giai đoạn 2 của một số huyện hoạt động chưa hiệu quả. Công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện chưa được thường xuyên. Ban giám sát các xã chưa phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ xã và cộng đồng dân cư còn hạn chế đã làm ảnh hưởng tới việc phân cấp quản lý đầu tư và sử dụng công trình, hưởng thụ chính sách...

Vì vậy, theo chỉ đạo của tỉnh, để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đề ra, cùng với sự quan tâm của Trung ương thì các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu biết, đồng tình trong thực hiện chương trình. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, triển khai thực hiện chính sách từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn công trình đầu tư, đến kiểm tra, giám sát và bảo quản, khai thác sử dụng công trình. Công tác kiểm tra, giám sát cần phải kịp thời, thường xuyên để phát hiện những sai phạm, ngăn chặn thất thoát cũng như điều chỉnh, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2011-2015: Nhiều mục tiêu chưa đạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO