Thuận An tái canh bằng giống cà phê dây

Bài, ảnh: Hưng Nguyên| 29/01/2019 07:34

Theo thống kê của xã Thuận An (Đắk Mil), đến nay toàn xã đã tái canh được 750,5 ha cà phê, đạt 82,7% kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2015 – 2020. Hình thức tái canh chủ yếu bằng ghép chồi và trồng mới, sử dụng giống cà phê dây có tại địa phương.

ADQuảng cáo

Cà phê dây được nông dân Thuận An đánh giá cho năng suất cao, dễ hái, chống chịu tốt với khô hạn

Giống cà phê dây được phát hiện và trồng tại xã Thuận An gần 30 năm trước từ rẫy cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Cường, trú tại thôn Thuận Nam. Cụ thể, năm 1993, ông Cường phát hiện trong rẫy cà phê của gia đình có 1 gốc cà phê dây. Cây cà phê này mang nhiều ưu điểm vượt trội như trái to, dễ hái, kháng nấm và đặc biệt là chống hạn tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Để tăng năng suất của rẫy cà phê, ông Cường đã tự mày mò học cách ghép cải tạo toàn bộ 1.000 cây cà phê trong rẫy lấy chồi ghép từ cây cà phê dây. Đến năm 1998, vườn cà phê của gia đình ông đã được thay thế hoàn toàn bằng chồi giống từ cây cà phê dây.

Vườn cà phê của ông Cường sau 3 năm cải tạo cho thu hoạch 7 tấn/ha, vượt xa vườn cà phê các hộ dân trên địa bàn. Từ đó, nhiều người trồng cà phê trên địa bàn đã đến thăm quan mô hình, tìm hiểu cách làm, xin, mua giống về ươm, ghép cải tạo vườn cà phê gia đình. Nhiều người đến vườn xem thấy hiệu quả đã nhờ, thuê ông Cường đến tận rẫy cải tạo vườn cà phê cho gia đình bằng cách ghép chồi.

ADQuảng cáo

Trước nhu cầu giống của thị trường, năm 2014, ông Cường xây dựng vườn ươm, nhập gốc cà phê mít về ghép chồi cà phê dây. Hiện nay, mỗi năm, vườn ươm của gia đình ông Cường bán ra thị trường khoảng 15 vạn cây giống từ chồi ghép cà phê dây. Không chỉ cung cấp giống tái canh cho các hộ nông dân trong huyện mà các huyện lân cận và các tỉnh khác như Đắk Lắk, Bình Phước... cùng liên hệ để mua giống từ vườn cà phê dây của ông Cường. Nhiều nông dân trên địa bàn xã Thuận An cũng đã đầu tư vườn ươm để phục vụ giống tái canh. Đến nay, ngoài vườn ươm của ông Cường,  trên địa bàn xã có 3 vườn ươm cà phê lấy chồi ghép từ cà phê dây quy mô từ 15 đến 20 vạn cây mỗi năm.

Năm 2017, cây cà phê dây của gia đình ông Cường được Sở Nông nghiệp và PTNT cấp chứng nhận là cây đầu dòng, để nhân giống rộng rãi. Ngoài việc nhân giống thì việc chứng nhận cây đầu dòng còn giúp bảo tồn nguồn gen của giống cà phê với những tính năng vượt trội, sau này có thể lai tạo. Đồng thời, gia đình ông Cường có nhiệm vụ chăm sóc, quản lý, bảo vệ và khai thác giống theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Ông Phan Hữu Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Mil cho hay, cây cà phê dây đầu dòng và các vườn cà phê lấy giống của vườn ươm ông Cường hiện nay đã trồng được gần 20 năm tại xã Thuận An. Quá trình này giúp cây cà phê giống thích nghi với điều kiện địa phương và thuận lợi cho nông dân khi tái canh và chăm sóc. Một trong những lí do khiến nhiều nông dân không chỉ tại xã Thuận An mà cả huyện Đắk Mil lựa chọn là năng suất cà phê tăng đáng kể, từ 3 đến 3,5 tấn/ha lên 5 đến 7 tấn/ha.

Với những ưu điểm của giống cà phê dây đã giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tưới nước ít hơn, thuốc sâu sử dụng cho cà phê cũng ít hơn, thu về lợi nhuận cao hơn.

Ông Trần Khắc Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết:  Toàn xã Thuận An có khoảng 4.370 ha cà phê, diện tích cần tái canh trong giai đoạn 2015 – 2020 được xã xây dựng kế hoạch là 907 ha. Trong số những nguồn giống được xã Thuận An thống kê trong kế hoạch tái canh có ghi rõ giống hiện có ở địa phương được người dân chọn nhân giống từ rẫy cà phê gia đình ông Cường. Việc chọn giống xuất phát từ thực tiễn khi người nông dân thấy được hiệu quả của việc tái canh và chọn giống cà phê phù hợp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuận An tái canh bằng giống cà phê dây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO