Theo thợ gặt ra đồng

Văn Tâm| 26/10/2016 09:57

Không như trước đây, ngày mùa thu hoạch lúa bây giờ không còn cảnh người người, nhà nhà ra đồng nữa, thay vào đó là những chiếc máy gặt tiên tiến giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí, thời gian và nâng cao được chất lượng lúa sau thu hoạch.

ADQuảng cáo

Các thợ gặt bảo trì máy trước khi xuống ruộng để thu hoạch lúa

Trong cái nắng gay gắt của ngày mùa, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Đăng Dũng, một thợ lái, đưa máy gặt ra cánh đồng buôn U, thị trấn Ea T’ling (huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông). Tổ gặt gồm có ba người, một lái chính và hai người phụ gom lúa vào bao hoặc vác lúa lên bờ.

Anh Dũng cho biết: “Từ khi có máy gặt, bà con làm lúa nhàn nhã hơn. Mỗi hộ ở đây chỉ làm 3 – 4 sào lúa nên chỉ gặt trong 1 giờ là xong. Nhờ vậy, bà con tranh thủ được thời tiết nắng ráo để phơi, không sợ gặp những cơn mưa về chiều mà lúa còn gặt dở dang nữa”.

Còn anh Trần Văn Sơn, một thợ gặt máy tại xã Đức Minh (Đắk Mil) cho biết: “Trước đây, tôi chạy máy tuốt lúa liên hoàn ở tỉnh Vĩnh Long, nghe ở Đắk Nông đang thiếu thợ lành nghề nên tôi đến đây tìm việc. Lên đây, tôi làm không hết việc vì ở trên này vụ lúa hè thu nông dân các huyện thường gieo chênh lệch nhau từ 15 ngày đến 1 tháng. Vì vậy, tôi gặt xong ở Chư Jút là chuyển máy sang Krông Nô rồi về Đắk Mil, máy cũng tham gia hoạt động được hơn cả tuần lễ”.

Mỗi ngày nếu có người thuê, anh Sơn có thể gặt hơn 3 ha lúa, với giá 2,5 triệu/ha. Thù lao của anh được chủ máy khoán theo đầu sào nên mỗi ngày bình quân thu nhập cũng được trên 600.000 đồng. Còn tính ngày công, mỗi ngày các anh cũng được trả 300.000 đồng cho thợ lái và 200.000 đồng cho thợ phụ.

ADQuảng cáo

Còn anh Nguyễn Văn Bảy, ở xã Nam Đà (Krông Nô) không thuê thợ lái mà anh trực tiếp lái máy gặt. Đang hì hục bảo trì lại cỗ máy trước khi đưa xuống ruộng, dừng tay quệt dòng mồ hôi trên trán, anh Bảy cho biết: “Việc đầu tư một máy gặt đập liên hợp đối với gia đình tôi là cả một gia tài. Vì vậy, muốn mau chóng lấy lại vốn thì tôi phải chịu khó, làm sao để máy chạy suốt cả vụ gặt. Cái khó của thợ gặt máy chúng tôi là mỗi thửa ruộng của nông dân hiện nay vẫn còn nhỏ”.

Dù vất vả để chuyển máy đi khắp các cánh đồng chai sạn hay sụt lún nhưng những người thợ máy vẫn phải căn từng đường chạy đều đặn để máy gặt hoạt động hiệu quả, đỡ tốn nhiên liệu mà không bị sót lúa của nông dân. Đây cũng chính là yếu tố tối thiểu để tạo dựng uy tín, tạo niềm tin cho người nông dân tin tưởng giao trọn ruộng lúa, thành quả lao động của mình cho thợ gặt.

Những chiếc máy gặt đập liên hợp giúp nông dân rút ngắn thời gian thu hoạch

Khoảng 5, 7 năm trở lại đây, máy gặt đập liên hợp được sử dụng phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Việc sử dụng máy gặt đập liên hợp không những rút ngắn được thời gian thu hoạch lúa cho nông dân mà còn giảm thiểu tỷ lệ thất thu, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch của bà con.

Để có được một giàn máy gặt đủ công suất và phù hợp với đồng đất tại mỗi địa phương, nhiều hộ gia đình đã đầu tư các loại máy gặt đập liên hợp từ công suất nhỏ, chất lượng trung bình khoảng trên 100 triệu đồng/chiếc đến loại công suất cao hơn, máy tốt hơn có thể trên 200 triệu đồng/chiếc. Đến nay, các địa phương được nông dân tự trang bị máy gặt đập liên hợp nhiều như các xã: Nam Đà, Nam N’đir, Buôn Choáh (Krông Nô), mỗi địa phương có từ 3-4 chiếc đủ để phục vụ thu hoạch cho bà con trong vùng.

Với vai trò dịch vụ nông nghiệp trong thu hoạch lúa, thợ gặt và máy gặt đập liên hợp đã góp phần quan trọng làm nên mùa vàng trọn vẹn, giúp người nông dân yên tâm với đồng ruộng của mình sau bao ngày chăm bón, vun trồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Theo thợ gặt ra đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO