Tháo gỡ bất cập trong công tác hỗ trợ khuyến công

Lê Dung| 28/05/2019 10:40

Sau hơn 4 năm thực hiện Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND, ngày 2/2/2015 của UBND tỉnh Đắk Nông về khuyến công đã cho thấy nhiều kết quả thiết thực, song qua đó cũng bộc lộ một số bất cập gây trở ngại cho hoạt động hỗ trợ phát triển.

ADQuảng cáo

Hỗ trợ ứng dụng cụm máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cửa cuốn tại Công ty TNHH MTV Lê Bình Minh Phát (Gia Nghĩa)

"Vướng" ngay từ quy trình

Theo ông Bùi Huy Thành, TUV, Giám đốc Sở Công thương thì thời gian qua, công tác khuyến công đã góp phần tạo động lực lớn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hiện nay một số căn cứ pháp lý trong quy định của hoạt động này không còn phù hợp với thực tiễn, gây những bất cập, trở ngại trong triển khai. Mặt khác, hiện nguồn quỹ khuyến công chủ yếu là từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Còn quỹ khuyến công địa phương lại chưa huy động được nhiều nguồn để triển khai thực hiện các đề án. Đặc biệt là nguồn kinh phí từ cấp huyện, xã đóng góp vào hoạt động khuyến công đang rất khiêm tốn…

Một trong những điểm bất cập đó là do quy trình xây dựng đề án khuyến công, nhất là ở nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ máy móc, thiết bị vào sản xuất. Theo quy định, trong quá trình lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch cho năm sau, cơ quan chức năng và cơ sở phải đánh giá cụ thể những đặc điểm vượt trội của thiết bị cần hỗ trợ.

Tuy nhiên, tại thời điểm thẩm định, cơ sở công nghiệp mới xây dựng kế hoạch, chưa mua được máy móc nên chỉ đánh giá về mặt lý thuyết dựa trên dự án đầu tư hoặc ca-ta-lô do đơn vị trình. Trong khi đó, trong thời gian chờ thẩm định đề án đến lúc triển khai lại kéo dài từ năm này qua năm sau. Trong quá trình chờ đợi, một số đơn vị thụ hưởng lại muốn thay đổi máy móc, thiết bị mới, tiên tiến hơn. Sự thay đổi đó lại một lần nữa trình lên UBND tỉnh phê duyệt rồi mới triển khai nên mất khá nhiều thời gian. Điều này cũng một phần làm ảnh hưởng tới sự kiên trì, theo đuổi đề án đến cùng của các cơ sở. Đây cũng chính là lý do thời gian qua, một số đề án hỗ trợ phải thực hiện chuyển tiếp từ cơ sở này sang cơ sở kia trong 1 năm triển khai.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng và Dịch vụ Sơn Hùng Đắk Nông (Gia Nghĩa) thì từ khi đăng ký đề án đến lúc triển khai phải mất hơn 1 năm. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp luôn có sự thay đổi về đầu tư; đồng thời, muốn nắm bắt ngay cơ hội được tiếp cận với các máy móc, thiết bị mới. Vì vậy, việc rút ngắn quy trình xây dựng đề án, giảm bớt cấp thẩm định, phê duyệt sẽ giúp cơ sở đẩy nhanh thủ tục đầu tư. Doanh nghiệp cũng sẽ linh hoạt hơn khi muốn điều chỉnh một số nội dung chưa phù hợp trong quá trình triển khai…

Ngoài ra, cũng chính sự bất cập trong quy trình xây dựng đề án đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tính chủ động của ngành Công thương với các địa phương trong quá trình thẩm định, phê duyệt.

ADQuảng cáo

Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong gia công và sửa chữa cơ khí tại hộ kinh doanh Huy Phát, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa)

Và hướng để tháo gỡ

Những bất cập trên được xác định một phần do hiện nay, các quy định cụ thể về việc triển khai thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn cấp huyện, xã chưa được xây dựng. Vì vậy, cấp huyện, xã không có căn cứ cơ sở để xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch khuyến công một cách thường xuyên, chặt chẽ và đồng bộ. Đây cũng là một hạn chế lớn trong việc huy động, thu hút các nguồn hỗ trợ cho các đề án khuyến công. Hiện nay, một số Thông tư của các Bộ, ngành về công tác khuyến công đã có sự điều chỉnh, bổ sung. Trên cơ sở đó, một số nội dung chi cho hoạt động khuyến công sẽ được áp dụng theo hướng dẫn của văn bản quy phạm pháp luật mới. Nếu tỉnh không kịp thời có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định mới thì sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho các đơn vị khi triển khai thực hiện…

Để khắc phục những bất cập trên, vừa qua, Sở Công thương đã đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung, ban hành một số quy định mới để hoạt động hỗ trợ của khuyến công ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Trong quy định mới này, Sở Công thương đã tham mưu tập trung sửa đổi một số nội dung chính về: Quy trình xây dựng các đề án khuyến công; triển khai thực hiện đề án theo nhóm, điểm; quy định về quy trình xây dựng đề án khuyến công cấp huyện, xã…

Trong đó, quy định UBND tỉnh chỉ phê duyệt kế hoạch, đề án chung. Còn về các đề án triển khai cụ thể sẽ do Sở Công thương căn cứ vào nguồn kinh phí được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm để phối hợp với các địa phương thống nhất đề án, tránh mất quá nhiều thời gian trình, thẩm định, phê duyệt như trước đây. Ngoài ra, trong quy định mới bổ sung  cũng tập trung cho việc phát huy vai trò của cấp huyện, xã trong việc chủ động xây dựng, huy động nguồn lực để triển khai các đề án hỗ trợ. Theo đó, trên cơ sở đăng ký của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, xã tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt để làm căn cứ triển khai thực hiện…

Năm 2019, Sở Công thương sau quá trình làm việc với các huyện, thị xã đã thống nhất được 19 đề án hỗ trợ. Song, khi trình lên UBND tỉnh thì chỉ được phê duyệt có 9 đề án. Còn 10 đề án còn lại không được chấp thuận, khiến đơn vị vừa mất thời gian khảo sát, xây dựng, vừa khó khăn trong việc giải thích với các cơ sở và địa phương, nhất là khi thực hiện rà soát lập danh sách các đề án cho năm sau. Cũng vì lý do đó mà một số doanh nghiệp không còn “mặn mà” trong việc phối hợp lập kế hoạch, đề án với ngành chức năng...

Hy vọng với sự thay đổi, bổ sung các quy định mới sẽ giúp cơ quan chức năng, địa phương và cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn chủ động, linh hoạt hơn trong quá trình triển khai các đề án hỗ trợ. Đặc biệt, các cơ sở công nghiệp sẽ kịp thời nắm bắt cơ hội để đầu tư, hiện đại hóa sản xuất, giảm lao động thủ công, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng hàm lượng công nghệ của sản phẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ bất cập trong công tác hỗ trợ khuyến công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO