Tây Nguyên cần kế hoạch để "chung sống" lâu dài với hạn

Võ Duy Phương| 26/11/2020 09:07

Thời tiết khu vực Tây Nguyên bắt đầu có sự chuyển biến bất thường từ cuối tháng 10. Với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, các cơ quan khí tượng thủy văn cho rằng, Tây Nguyên cần có một kế hoạch “dài hơi” hơn để tiến tới "chung sống" với hạn bằng cách quy hoạch lại sản xuất, cân đối giữa diện tích sản xuất và năng lực cung cấp nước tưới.

ADQuảng cáo

Nguyên nhân biến đổi khí hậu thủy văn, chủ yếu là do diện tích rừng và độ che phủ thực vật giảm, diện tích đất trống và đồi núi trọc ngày một gia tăng. Điều đó làm cho bức xạ nhiệt từ các sườn núi xuống các khu vực thấp, đặc biệt là những thung lũng nơi có dân cư tập trung đông đúc, sự nóng lên của mặt đất do sự hấp thụ bức xạ mặt trời tăng lên, khiến nhiệt độ không khí ban ngày khá cao. Trong khi đó, ban đêm do bức xạ hiệu dụng của mặt đất tăng, kết hợp với sự lạnh đi do không khí lạnh từ núi tăng cao hơn chìm xuống. Tổng hợp các tác dụng này làm cho biên độ nhiệt ngày đêm lớn.

Mùa khô năm 2020, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 22.430 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán với mức độ từ 30% đến 70%. Ảnh minh họa

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, xu thế nhiệt độ mặt nước biển tiếp tục lạnh đi và hiện tượng La Nina đã xuất hiện. Dự báo, hiện tượng La Nina (hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường) sẽ tiếp tục duy trì từ nay đến tới những tháng đầu năm 2021. Vì vậy, nhiệt độ trung bình trong mùa khô 2020 – 2021 ở khu vực Tây Nguyên xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa trong mùa khô phổ biến ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.

Như vậy, khả năng thiếu nước trong sản xuất trong mùa khô 2020 – 2021 là không đáng kể so với năm trước, cạn kiệt ở mức không nghiêm trọng và xảy ra ở diện hẹp. Dòng chảy trong sông khan hiếm xảy ra vào thời kỳ từ tháng 2 đến tháng 4, tập trung chủ yếu ở các vùng phía Đông các tỉnh. Lượng dòng chảy trên các sông suối, thiếu hụt khoảng từ 10 – 30% và trên một số sông thấp hơn 40%, mức thiếu hụt tương đương mùa khô năm 2006 – 2007 và 2014 - 2015.  

Hiện tại, mực nước ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Đây là điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống khô hạn, phục vụ công tác điều phối nước cho sản xuất và tưới tiêu cho cây trồng.

ADQuảng cáo

Với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, các cơ quan khí tượng thủy văn đã và đang tăng cường công tác theo dõi, giám sát, quan trắc, dự báo, cảnh báo trên phạm vi cả nước. Các bản tin dự báo, cảnh báo được gửi tới các cơ quan quản lý và cộng đồng, qua nhiều phương tiện truyền thông đại chúng để kịp thời triển khai công tác phòng, chống thiên tai...

Tuy nhiên, với tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu và khí tượng thủy văn cực đoan, không còn tuân theo quy luật. Do vậy, để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, các cơ quan quản lý và người dân cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn; điều chỉnh lại các phương án phòng, chống để có thể ứng phó kịp thời trước diễn biến bất thường của thời tiết và các biểu hiện khí tượng thủy văn.

Ngoài các giải pháp chống hạn trước mắt trong mùa khô năm nay, Tây Nguyên cần có một kế hoạch “dài hơi” hơn để tiến tới "chung sống" với hạn bằng cách quy hoạch lại sản xuất, cân đối giữa diện tích sản xuất và năng lực cung cấp nước tưới, đồng thời đầu tư cho các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa có khả năng tích đủ nước trong mùa mưa, phục vụ tưới vào mùa khô.

Cụ thể là xây dựng cơ cấu cây trồng hợp lý, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa hài hòa với điều kiện tài nguyên nước; mạnh dạn giảm diện tích lúa, cà phê cho hiệu quả thấp, thay thế bằng các loại cây trồng sử dụng ít nước tưới như ngô, bông dâu tằm, đậu đỗ…; chuyển dịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân sớm hơn và gieo cấy bằng cách chọn giống ngắn ngày để tránh hạn cuối vụ; phục hồi rừng bằng các biện pháp chặn đứng nạn phá rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng khoanh nuôi và trồng rừng.

Đặc biệt, Tây Nguyên ưu tiên vốn đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi hiện có; tăng cường quản lý nhà nước về nguồn tài nguyên nước vì trong khi nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức thì giải pháp tưới bằng các công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa cần được tính ở mức cân bằng để Tây Nguyên giảm bớt áp lực “khát” trong mỗi mùa khô. Mặt khác, để phát triển kinh tế bền vững, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và tác động của môi trường đến cuộc sống, mỗi người cần có những hoạt động thiết thực nhằm hạn chế và giảm bớt mức độ thiệt hại do chính chúng ta gây ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên cần kế hoạch để "chung sống" lâu dài với hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO