Tạo đà phát triển thương mại khu vực biên giới

Lê Dung| 05/05/2021 09:44

Xác định rõ lợi thế của địa phương trong phát triển thương mại khu vực biên giới, thời gian qua, Đắk Nông đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho người dân nước bạn Campuchia qua giao thương, trao đổi hàng hóa thuận lợi.

ADQuảng cáo

Thuận tiện kết nối giao thương

Đắk Nông hiện có đường biên giới dài hơn 140 km giáp ranh với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Cơ sở hạ tầng hiện cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu thông thương. Hiện nay, Đắk Nông có 4 chợ trên địa bàn của 7 xã biên giới, gồm: Chợ xã Thuận An (Đắk Mil); chợ xã Đắk Wil (Cư Jút); chợ xã Quảng Trực, chợ xã Đắk Búk So (Tuy Đức). Các chợ biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương, trao đổi hàng hóa với tỉnh Mondulkiri và các tỉnh trong khu vực tam giác phát triển (Việt Nam-Lào-Campuchia).

Chợ biên giới xã Đắk Búk So (Tuy Đức) được đầu tư khang trang, thuận tiện cho người dân hai nước Việt Nam - Capuchia giao thương

Theo ông Phạm Xuân Chức, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Thống U Minh, chợ xã Đắk Búk So do Công ty đầu tư xây dựng từ năm 2016 với tổng số vốn hơn 40 tỷ đồng. Chợ được bố trí, phân chia thành 338 ki ốt, sạp, tập trung bày bán nhiều mặt hàng khác nhau. Với vị trí nằm sát trục đường giao thông, cách đường biên giới khoảng hơn 30 km, thời gian qua, người dân của tỉnh Mondulkiri thường xuyên đến trao đổi, mua bán hàng hóa. Trong đó, nhu cầu của người dân nước bạn chủ yếu là nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm… “Do Trưởng Ban quản lý chợ biết tiếng Campuchia nên càng thuận lợi trong việc phiên dịch, giúp người dân hai bên trao đổi hàng hóa”- Ông Chức chia sẻ thêm.

Ngoài các chợ nói trên, trên địa bàn tỉnh còn có 2 cửa khẩu chính là Cửa khẩu Bu Prăng (Tuy Đức) và cửa khẩu Đắk Per (Đắk Mil), giúp cho việc kết nối giao thương giữa người dân, doanh nghiệp hai bên luôn được thông suốt.

Tổng giá trị xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2020 đạt khoảng 4,67 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 1,878 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Gỗ các loại đã qua xử lý, năng lượng điện, các sản phẩm nông sản, vật liệu xây dựng… Giá trị nhập khẩu đạt 2,793 triệu USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Gỗ nguyên liệu, sắn tươi, điều, gừng…

Cần ưu tiên đầu tư hạ tầng

ADQuảng cáo

Theo Sở Công thương, mặc dù có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, nhưng về hạ tầng thương mại như giao thông đi lại qua các cặp cửa khẩu biên giới chưa được quan tâm đầu tư nên quan hệ thương mại có nhiều hạn chế.

Ông Lê Minh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, để tạo đà cho thương mại khu vực biên giới phát triển, đơn vị đã tham mưu cho tỉnh đề xuất Bộ Công thương về các danh mục hạ tầng thương mại biên giới cần ưu tiên, kết nối và phát triển với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), giai đoạn 2021-2022.

Cụ thể, tại Khu kinh tế Cửa khẩu Đắk Per, tỉnh Đắk Nông đã xác định, phát triển hạ tầng thương mại sẽ góp phần giao thương thuận lợi giữa 2 nền kinh tế, xã hội địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Theo quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 26/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đến năm 2020, cửa khẩu Đắk Per nằm trong danh mục các cửa khẩu được ưu tiên nâng cấp hạ tầng và hiện đại hóa trang thiết bị giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống hạ tầng thương mại nơi đây chưa được đầu tư đúng mức theo định hướng quy hoạch đã được phê duyệt.

Các mặt hàng ở các chợ biên giới ngày càng phong phú, giúp người dân thuận tiện mua sắm

Việc đầu tư phát triển các chợ biên giới cũng được ngành Công thương quan tâm tham mưu thực hiện. Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông, hiện nay, bên phía nước bạn Campuchia, tại địa phận đối diện khu vực quản lý của 2 Đồn biên phòng 763 và 765 thuộc xã Thuận Hạnh (Đắk Song) của Việt Nam có Phum người Chàm gồm 192 hộ tương đương 728 khẩu sinh sống. Các hộ dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp trên diện tích khoảng 500 ha.

Khó khăn hiện nay là các hộ dân nơi đây đang bị cô lập về giao thông và rất khó khăn trong việc giao thương với phía tỉnh Mondulkiri. Họ rất muốn được qua lại trao đổi hàng hóa tiêu dùng bên phía Việt Nam. Tuy nhiên, xã Thuận Hạnh hiện chưa có chợ và chưa có cửa khẩu phụ hay đường mòn, lối mở. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của Nhân dân hai bên khu vực biên giới, việc đầu tư xây dựng chợ biên giới tại khu vực xã Thuận Hạnh là rất cần thiết.

Đối với chợ biên giới xã Đắk Wil (Cư Jút) được đầu tư từ năm 2006 bằng nguồn vốn chương trình 135. Đến nay, chợ đã xuống cấp nghiêm trọng và đang rất cần được đầu tư, nâng cấp. Việc đầu tư nâng cấp chợ biên giới Đắk Wil theo hướng đồng bộ, hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa cần thiết của người dân trên địa bàn.

Cùng với đầu tư về hạ tầng, tỉnh Đắk Nông cũng tập trung tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, hàng việt về miền núi… Qua đó, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp hai nước tham gia phát triển thương mại khu vực biên giới ngày càng hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà phát triển thương mại khu vực biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO