"Tăng tốc" thực hiện các chỉ tiêu kinh tế

Nguyễn Lương| 20/04/2021 10:35

Trong quý I năm 2021, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh cơ bản ổn định, nhiều chỉ tiêu kinh tế thực hiện đạt vượt mức so với cùng kỳ năm 2020. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, toàn tỉnh tiếp tục “tăng tốc” thực hiện các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra từ đầu năm.

ADQuảng cáo

Tại hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội quý I diễn ra mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, quý I là bước tạo đà để toàn tỉnh thực hiện hiệu quả hơn những mục tiêu đề ra. Bước vào thực hiện nhiệm vụ những tháng tiếp theo, các sở, ngành, địa phương cần bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để linh hoạt thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” là phát triển kinh tế và phòng chống dịch bệnh. Làm sao để toàn tỉnh thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế, xã hội trong quý II và cả năm 2021.

Công nhân sản xuất tại Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ MDF Bison (Đắk Song)

Tập trung xử lý “điểm nóng” về rừng

Trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 155 vụ phá rừng, tăng 54 vụ so với năm trước. Số diện tích rừng bị tàn phá là 41,5 ha, tăng 16,8 ha so với cùng kỳ. Theo Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam, quý I/2021, Đắk Nông là tỉnh đứng đầu cả nước về số vụ phá rừng và đứng thứ 2 về diện tích rừng bị phá.

Lý giải về tình trạng các vụ phá rừng tăng, ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho hay: “Rừng tự nhiên tại Đắk Nông hiện phân tán, nhỏ lẻ, xen kẽ với người dân, nên quản lý rất khó khăn. Những tháng đầu năm, khi giá hồ tiêu biến động theo chiều hướng tăng, nên người dân lấn chiếm đất rừng trồng tiêu cũng gia tăng”.

Về giải pháp của ngành Lâm nghiệp trước các vụ phá rừng gia tăng, ông Dần cho biết, về cơ chế, chính sách, quy định để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tương đối đầy đủ. Quan trọng là các chủ thể trực tiếp thực thi nhiệm vụ như thế nào.

Ông Dần phân tích: "Phải giám sát chặt chẽ quản lý đất đai, quản lý dân cư. Các chủ rừng, chính quyền địa phương kiên quyết không cho người dân lấn chiếm, sử dụng diện tích lấn chiếm. Vì mục đích trong phá rừng là lấn chiếm đất đai”.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp)

Trong quý I, huyện Đắk Glong được xem là “điểm nóng” về phá rừng. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng này còn nhiều trở ngại. Theo ông Vũ Tá Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, khó khăn lớn nhất của địa phương là vướng các hợp đồng liên doanh, liên kết, giao khoán rừng giữa chủ rừng với người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, có rất nhiều vụ phá rừng được phát hiện, nhưng khi vào xử lý, các đối tượng phá rừng lại đưa văn bản ra để khẳng định "rừng được công ty giao khoán" cho họ. Đối với những trường hợp phá rừng khác, nhưng khi cơ quan tiến hành xử lý lại nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. “Chúng tôi đề nghị Hội đồng giải thể các doanh nghiệp phải xử lý dứt điểm các hợp đồng liên doanh, liên kết, hợp đồng giao khoán. Chứ để tình trạng này kéo dài, địa phương rất khó xử lý các vụ vi phạm về rừng liên quan đến các hợp đồng này”, ông Long đề xuất.

ADQuảng cáo

Về phương án bảo vệ rừng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên chỉ đạo, quý I/2021, chỉ có 2 “điểm nóng” phá rừng là Đắk Song, Đắk Glong. Do đó, phải tập trung xử lý ở những "điểm nóng" này trước. "Nếu lực lượng kiểm lâm cùng chủ rừng đến vị trí đất rừng đang bị phá, lấn chiếm, không ai dám đụng vào. Tại hiện trường, cứ 1 tuần chúng ta xác định được một điểm, ở đó có chủ rừng, cán bộ kiểm lâm cùng xử lý sẽ tốt hơn", đồng chí Lê Trọng Yên phát biểu.

Thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh

Theo đánh giá UBND tỉnh, trong quý I/2021, mặc dù còn tồn tại một vài “điểm nghẽn”, nhưng nhìn chung, các chỉ tiêu kinh tế đều phát triển ổn định, tăng so với cùng kỳ, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều đã "vào guồng". Một “điểm sáng” trong phát triển kinh tế những tháng đầu năm là lĩnh vực thu ngân sách Nhà nước. Đến hết tháng 3/2021, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện 764 tỷ đồng, đạt 33% dự toán Trung ương, 28% kế hoạch địa phương và tăng 11% so với cùng kỳ. Nhiều khoản thu vượt tiến độ như thu từ doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, khu vực ngoài quốc doanh.

Đồ họa: Ngọc Tú

Về lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 10.300 ha cây trồng vụ đông xuân, đạt 101% kế hoạch, tăng hơn cùng kỳ 2020 là 13,7 ha. Diện tích cây lâu năm phát triển tương đối ổn định. Toàn tỉnh hiện có hơn 217.800 ha cây trồng lâu năm, tăng trên 2.300 ha so với năm trước.

Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 3 tháng đầu năm đạt trên 4.200 tỷ đồng, tăng 9,28% so với cùng kỳ...

Hoạt động thương mại tại Gia Nghĩa phát triển, góp phần tăng mức hàng hoá bán lẻ

Để tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực kinh tế phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Trung đề nghị, trước hết các cấp, ngành theo dõi tình hình nguồn nước tại các sông, suối, hồ đập, lịch trình nông vụ, từ đó, triển khai các phương án ứng phó, bảo đảm sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Trong lĩnh vực thu ngân sách, các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Các sở, ngành cần tăng cường hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đối với những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư… cần kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có môi trường hoạt động tốt, hiệu quả hơn.

Quý I/2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 đạt hơn 5.215 tỷ đồng, tăng 4,85% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt gần 2.280 tỷ đồng, tăng 1,87%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt hơn 927 tỷ đồng, tăng 9,59%; khu vực dịch vụ đạt 1.730 tỷ đồng, tăng 6,11%; khu vực thuế sản phẩm đạt gần 278 tỷ đồng, tăng 7,14% so với cùng kỳ 2020.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Tăng tốc" thực hiện các chỉ tiêu kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO