Tái canh cà phê chưa đúng về bản chất

Tường Mạnh| 22/06/2016 10:20

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp-PTNT thì thực hiện Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên của Bộ Nông nghiệp-PTNT, trong giai đoạn 2012-2015, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tái canh được 6.673 ha cà phê, đạt 32,53% diện tích cần tái canh; ghép cải tạo được 796,2 ha cà phê, đạt 8,36%.

ADQuảng cáo

Việc tái canh cà phê được thực hiện trên toàn tỉnh, với nhiều hình thức khác nhau như sử dụng nguồn giống hỗ trợ của Nhà nước, Công ty TNHH Nestle Việt Nam và người dân tự triển khai. Còn việc thực hiện ghép cải tạo cà phê được người dân thực hiện với nhiều hình thức như đồng bộ trên toàn vườn hoặc chỉ những cây xấu trong vườn. Về nguồn vốn phục vụ tái canh cà phê thì dư nợ cho vay của ngân hàng hiện được khoảng 18,23 tỷ đồng.

Nông dân xã Đắk Lao (Đắk Mil) do thiếu vốn tái canh cà phê nên hàng năm cứ trồng dặm dần. Ảnh: Văn Biên

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp - PTNT thì diện tích cà phê được cho là tái canh trong thời gian qua chưa đúng về bản chất tái canh. Từ số giống được cấp thông qua các chương trình, doanh nghiệp hỗ trợ, người dân chủ yếu trồng dặm hoặc trồng mới thêm trên diện tích còn trống. Công tác hướng dẫn, theo dõi không được tổ chức thường xuyên, không sát với thực tế, nên số liệu báo cáo đôi khi không đúng, dẫn đến khó khăn trong việc chỉ đạo. Việc giao trực tiếp hạt giống cho người dân tự gieo ươm giống xảy ra nhiều bất cập.

Cụ thể như tỷ lệ nảy mầm thấp, cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng chiếm tỷ lệ thấp, gây thất thoát lượng cây giống phục vụ tái canh. Lượng giống nằm rải rác ở từng vùng, gây khó khăn trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình sinh trưởng và phát triển của cà phê tái canh. Nông dân khi triển khai tái canh chưa thực hiện đúng với quy trình tái canh được khuyến cáo. Việc tiếp cận với vốn vay ngân hàng cũng còn khó khăn, nên nông dân e ngại khi thực hiện tái canh cà phê do thiếu vốn đầu tư, mất nguồn thu nhập...

ADQuảng cáo

Sở dĩ công tác tái canh cà phê thời gian qua làm chưa tốt, trước hết xuất phát từ việc nông dân cũng như cán bộ một số địa phương không hiểu đúng bản chất của tái canh nên đã triển khai và thực hiện sai với hướng dẫn. Chính sách hỗ trợ giống tái canh của các địa phương khác nhau, nơi hỗ trợ 50%, nơi hỗ trợ 100%, nên gây ra tâm lý chưa tin tưởng vào giống cấp phát của một số hộ dân. Chính sách hỗ trợ chồi ghép phục vụ ghép cải tạo chưa được các huyện triển khai, dẫn tới việc ghép cải tạo cà phê còn chậm, chủ yếu là do người dân tự làm.

Một trở ngại nữa là do đa phần diện tích cà phê tái canh đều ở xa, chưa được cấp “sổ đỏ” nên gây khó khăn cho ngân hàng trong công tác thẩm định cho vay. Nhiều hộ dân cũng ngại làm các thủ tục theo quy định của ngân hàng, nên thường chọn hình thức vay thông thường, ít quy định về thủ tục hơn. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành cũng như sự chỉ đạo của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt. Công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ thuật, thủ tục vay vốn chưa được rõ ràng, chu đáo, làm cho người dân còn hiểu chưa đúng và lúng túng khi thực hiện.

Theo kế hoạch thì đến năm 2020, diện tích cà phê cần tái canh của toàn tỉnh là 20.512 ha và diện tích cần ghép cải tạo là 9.526 ha. Vì vậy, từ thực tế trên cho thấy, để thúc đẩy chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh, vấn đề đặt ra ở đây là cần phải làm cho nông dân hiểu được tính cấp thiết, tất yếu của biện pháp tái canh trong việc nâng cao năng suất, chất lượng của vườn cà phê.

Muốn vậy, chính quyền địa phương, ngành chức năng phải đẩy mạnh hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật để nông dân có thể quyết định chọn lựa diện tích cà phê cần tái canh hoặc ghép cải tạo. Các cơ quan chuyên môn cần có những tổng kết về mặt kỹ thuật để xây dựng quy trình tái canh, ghép cải tạo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn và hiện trạng của từng vườn cây. Chính quyền địa phương, ngành ngân hàng, ngành nông nghiệp cũng tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giúp nông dân tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn vay theo đúng quy định, phục vụ việc tái canh cà phê.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái canh cà phê chưa đúng về bản chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO