“Sức bật” trong xây dựng nông thôn mới

Lê Dung| 26/11/2020 09:09

Công nghiệp nông thôn đang đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây được xem là "mắt xích" quan trọng tạo đột phá trong tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

ADQuảng cáo

Nâng cao giá trị cho nông sản  

Với nhiều lợi thế về nông sản như: Cà phê, tiêu, điều, khoai lang, mắc ca, sachi, chanh dây… những năm qua, Đắk Nông đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sản phẩm được chế biến từ hạt Sachi của Công ty cổ phần thương mại Sachi Tây Nguyên (Đắk Mil)

Chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, bộ sản phẩm Sachi của Công ty Cổ phần Thương mại Sachi Tây Nguyên (Đắk Mil) đã sớm được công nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực của năm 2020. Với việc đầu tư quy trình sản xuất bài bản, khoa học, doanh nghiệp đang “ghi điểm” trên thị trường, với nhiều dòng sản phẩm từ chế biến sâu nguyên liệu hạt sachi như: dầu, trà, sachi tẩm mật ong, sachi rang giòn, ngũ cốc…

Hiện tại, công suất chế biến mỗi tháng của công ty đạt hơn 50 tấn sản phẩm các loại. Ngoài việc đầu tư nhà xưởng, doanh nghiệp tích cực ứng dụng nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại cho toàn bộ quy trình sơ chế, chế biến, phân loại, đóng gói... Cùng với đó, công ty đang góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương.

Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) những năm qua cũng có nhiều nỗ lực trong việc chế biến sâu các sản phẩm từ nguyên liệu hạt mắc ca. Ngoài chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm của đơn vị cũng được chứng nhận là sản phẩm OCOP của Đắk Nông trong năm 2020.

Hiện tại, các sản phẩm từ hạt mắc ca đang được nhiều khách hàng ưa chuộng như: Hạt mắc ca sấy, dầu, bánh kẹo… Trung bình mỗi năm, Công ty cũng sản xuất được trên 500 tấn các loại sản phẩm. Năm 2021, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất để nâng công suất, chất lượng và cho sản phẩm của mình.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Nguyên liệu hạt mắc ca có tiềm năng phát triển và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, Công ty đã đẩy mạnh việc liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm mắc ca cho bà con".

Nguồn nguyên liệu của Công ty chủ yếu ở Quảng Trực, Đắk Búk So (Tuy Đức), Quảng Khê (Đắk Glong). Đơn vị cũng đang nghiên cứu và lựa chọn được một số giống mắc ca có năng suất tốt, thời gian từ lúc trồng tới thu hoạch từ 2-3 năm để hỗ trợ cho người dân.

Với việc tích cực mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp khu vực nông thôn đang tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế địa phương phát triển.

Bộ sản phẩm chế biến từ hạt mắc ca của Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa)

ADQuảng cáo

Động lực phát triển kinh tế nông thôn

Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.782 cơ sở hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp; trong đó, phần lớn là cơ sở công nghiệp nông thôn.

Các sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng về số lượng và chất lượng. Năm 2020, Đắk Nông có 9 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; trong đó có 6 sản phẩm đạt cấp khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Ngoài ra, thông qua Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Đắk Nông đã có 22 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Đây là những sản phẩm tiêu biểu, đạt chất lượng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Những năm qua, thông qua các đề án khuyến công đã kịp thời khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và gia tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Các cơ sở công nghiệp phát triển đã tạo việc làm cho lao động tại chỗ và góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Hoàng Quốc Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong giai đoạn 2020-2025, ngành sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương, sản phẩm OCOP.

Phát huy lợi thế các doanh nghiệp tiềm năng làm nòng cốt, ngành Công thương sẽ hỗ trợ để phát triển mở rộng sản xuất, thu hút nhiều lao động. Trong đó, ưu tiên các cơ sở, doanh nghiệp có năng lực sản xuất, phát triển mẫu mã, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đổi mới công nghệ thiết bị.

Ngành Công thương cũng tích cực huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tham gia phát triển sản xuất công nghiệp ở nông thôn, giúp gia tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Hy vọng, với việc tận dụng và khai thác đúng lợi thế sẵn có của công nghiệp nông thôn sẽ tạo “sức bật” mạnh mẽ giúp cho kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016 – 2002, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 66 đề án khuyến công, với tổng kinh phí thực hiện 27,282 tỷ đồng; trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ 12,081 tỷ đồng và kinh phí thu hút được từ nguồn vốn tự có của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn 15,201 tỷ đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Sức bật” trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO