Sớm đưa ra các giải pháp để phòng, chống hạn lâu dài

Đức Hùng| 15/04/2020 14:29

Tình hình hạn hán đã xảy ra diện rộng, nhất là ở khu vực phía Bắc tỉnh, khiến cho nông dân phải "vật lộn" tìm kiếm nguồn nước để tưới cho cây trồng. Thực tiễn cho thấy, để hạn chế và khắc phục thiên tai, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp cần sớm triển khai các giải pháp chống hạn phù hợp, mang tính lâu dài.

ADQuảng cáo

Các địa phương "gồng mình" chống hạn

Gia đình ông Trần Văn Huệ, ở thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh có 3 ha cà phê trồng xen tiêu, cây ăn quả. Để chủ động nước tưới, ông Huệ đã đầu tư 3 hồ chứa nước khoảng 2000m2 nhưng đến nay hồ đã khô cạn. Để chống hạn cho cây trồng, ông Huệ đã phải mua nước từ hộ có giếng khoan với giá 220.000 đồng/giờ. Ông đã mua hơn 50 giờ để tưới chống hạn, tuy nhiên chừng đó vẫn không đủ, hiện nay có khoảng 500 cây cà phê đang chết cháy do không đủ nước tưới. Số diện tích chết cháy theo đánh giá của ông Huệ không thể khôi phục được nữa. 

Ông Huệ cho biết "Tôi là hàng xóm, người ta nể lắm mới bán cho chứ bây giờ giếng khoan người ta cũng không bán nước đâu, người ta để tưới cho gia đình".

Vườn cà phê của ông Trần Văn Huệ, có khoảng 500 cây cà phê chết cháy không có khả năng phục hồi

Ông Nguyễn Thế Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh cho biết, hiện nay, các suối, hồ, giếng khoan trên địa bàn đã cạn kiệt nước. Hiện có khoảng 700 ha cà phê, cây trồng chịu ảnh hưởng và thiệt hại do thiếu nước, tập trung chủ yếu tại các khu vực Suối Con, Đồi ma, Bầu Cỏ, thôn Đức Bình, ngã 5 mỏ đá, bò vàng… Nắng nóng vẫn đang tiếp diễn, diện tích cây trồng thiệt hại đang tăng lên từng ngày.

Từ cuối tháng 3 đến nay, hạn hán, thiếu nước tưới đã  xảy ra và gây thiệt hại cho cây trồng ở một số khu vực của huyện Đắk Mil. Trong đó, xã Đức Mạnh có 200 ha cà phê thiếu nước tưới, đang chết cháy, xã Đắk R’la có 5 ha cà phê bị thiếu nước, thiệt hại 30% – 70%; xã Đắk N'Drót có 0,5 ha cà phê thiệt hại 90%; xã Thuận An có khoảng 40 ha lúa nước tại cánh đồng Tiền Phong của đồng bào dân tộc thiểu số bon Sapa và Bù Đắk đang bị khô hạn; xã Đắk Gằn có 222 hộ dân thuộc 4 bon dân tộc thiểu số thiếu nước sinh hoạt...

Hồ chứa nước của gia đình ông Huệ đã trơ đáy từ lâu

Ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil cho biết, đến thời điểm hiện tại có 13 công trình thủy lợi trên địa bàn đã cạn kiệt nguồn nước. Nhiều công trình nằm ở mực nước chết.  Dự báo đến hết tháng 4/2020, nếu trên địa bàn huyện chưa có mưa, nguy cơ cây trồng thiếu nước tưới thiệt hại, chết cháy khoảng 2.700 ha tại các xã: Đắk Gằn, Đắk R’la, Đắk ND’rot, Đức Mạnh, Thuận An.  Cũng theo ông Điệp, ngày 7/4/2020, trên địa bàn 1 số xã của huyện Đắk Mil đã có mưa, nhưng lượng mưa rất nhỏ, không đều, không đủ giải hạn, khiến cây trồng đang thiếu nước có nguy cơ chết nhanh hơn.

Còn tại huyện Krông Nô theo thống kê của cơ quan chức năng,  đã có 55 ha cây trồng trên địa bàn bị hạn, với mức độ thiệt hại từ 30 - 70%. Trong những ngày tới, nếu trời không mưa, khoảng 500 ha cà phê, tiêu và cây ăn trái tại các xã Nam Xuân, Tân Thành, Đắk Sôr, Nam Đà, Đắk D’rô, Nâm Nung, Nâm N’đir và Quảng Phú cũng bị khô cháy, thiệt hại từ 30% - 70%. Tổng diện tích cây trồng thiếu nước tưới trên địa bàn đến thời điểm hiện nay khoảng 3.166 ha.

ADQuảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT toàn tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh đã có 15 công trình thủy lợi cạn kiệt, thiếu nước  tưới và không có nguồn nước bổ sung, ảnh hướng đến 735 ha cây trồng các loại tại huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút. Ngoài cây trồng, đến thời điểm hiện tại có 634 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trong đó huyện Krông Nô 412 hộ và huyện Đắk Mil 222 hộ.

Dự báo của cơ quan chức năng, trong những ngày tới, tình hình nắng nóng, thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán, thiếu nước sẽ diễn ra trên 58 công trình thủy lợi, ảnh hưởng đến 1.161 ha cây trồng trên 7 huyện của tỉnh Đắk Nông. Ngoài phạm vi phục vụ của các công trình thủy lợi còn có khoảng 17.829 ha cây trồng sử dụng nước giếng khoan, ao, hồ nhỏ đến nay đã cạn kiệt nguồn nước. Đây là những diện tích đang chịu ảnh hưởng và thiệt hại lớn nhất trong đợt hạn hán này.

Ông Nguyễn Văn Bình đang nỗ lực cứu cà phê mới tái canh đang chết cháy

Sớm có các giải pháp chống hạn lâu dài

Đối với những khu vực thiếu nước tưới thường xuyên, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó chuyển đổi cây trồng, đầu tư hạ tầng thủy lợi được xem là những giải pháp tối ưu hiện nay.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô,  để chống hạn thành công, trước hết phải khắc phục tình trạng thiếu nước tưới bằng cách tưới tiết kiệm và sử dụng tất cả các nguồn nước có thể. Về lâu dài, theo ngành nông nghiệp cần rà soát lại toàn bộ diện tích cây trồng để thay đổi, sắp xếp lại cho phù hợp. Những khu vực thiếu nước tưới, cần phát triển mô hình nông lâm kết hợp để tăng độ che phủ, tạo nguồn sinh thủy. Cùng với đó, các địa phương cũng cần tập trung đầu tư các công trình thủy lợi để từng bước đáp ưng nhu cầu nước tưới cho cây trồng trên địa bàn. Người dân cũng cần áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, hạn chế lượng lãng phí nước. Trong những giải pháp chống hạn, tối ưu nhất vẫn là sắp xếp, cơ cấu lại cây trồng và đầu tư các công trình thủy lợi nhiều hơn.

Rẫy cà phê đang thu hoạch năm thứ 8 của ông Nguyễn Văn Bình, ở thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh đang chết cháy, xung quanh vùng không còn nước để ông mua tưới cho cây

Còn ông Nguyễn Thành Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân (Krông Nô), cho rằng: Để chống hạn cho cây trồng và bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho người dân, ngành chức năng cần khảo sát toàn bộ ao hồ, sông suối, nguồn nước, công trình thủy lợi. Mục đích của việc khảo sát là để đánh giá lại nguồn nước, dung tích nước, khả năng đáp ứng tưới tiêu cho cây trồng.  Cùng với đó, ngành nông nghiệp và các địa phương tiến hành rà soát, chuyển đổi cây trồng ở những vùng khó khăn về nguồn nước hoặc phát triển mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây ăn quả. Đối với nước sinh hoạt, cần sớm đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung để bảo đảm cung cấp đủ nước cho người dân.

Đập thủy lợi núi lửa Thuận An, huyện Đắk Mil trơ đáy

Ông Lê Trung Kiên, Chi Cục Trưởng Chi Cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông) cho rằng: Giải pháp trước mắt để cứu cây trồng là cần tận dụng các nguồn nước còn lại tại các ao hồ, khe suối trong khu vực để tưới; bơm luân chuyển nước từ khu vực có nguồn nước đến vùng khô hạn. Về lâu dài, đối với những diện tích cây trồng thường xuyên thiếu nước tưới cần được chuyển đổi sang những loại cây phù hợp với điều kiện nguồn nước. Cùng với đó, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi để tăng cường nguồn nước.  Ngành nông nghiệp cũng cần khuyến khích các địa phương, người dân quan tâm phát triển thủy lợi nhỏ để chủ động nước tưới cho cây trồng. Hiện nay đang có chích sách hỗ trợ thủy lợi vừa và nhỏ theo Quyết định 27 của UBND tỉnh, nên các địa phương và người dân cần tận dụng thời cơ này để đầu tư cho thủy lợi. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng cần triển khai rộng rãi hơn nữa các giải pháp về sử dụng nước tiết kiệm, tưới nhỏ giọt tại các địa phương, qua đó giúp người dân chống hạn hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm đưa ra các giải pháp để phòng, chống hạn lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO