Sản xuất hữu cơ, theo chuỗi - Lối đi bền vững cho hồ tiêu

Nhóm PV Kinh tế| 26/08/2019 10:45

Trong bối cảnh cây hồ tiêu gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ chịu tổn thất nặng nề thì một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang chuyển hướng sang sản xuất hồ tiêu hữu cơ để chống chọi dịch bệnh cũng như nâng cao giá trị của sản phẩm.

ADQuảng cáo

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh tham quan mô hình sản xuất hồ tiêu hữu cơ của gia đình ông Lê Văn Bạo, xã Nam Bình (Đắk Song). Ảnh: Phan Tuấn

Nông dân chịu tổn thất nặng nề

Chỉ sau hai tháng mùa mưa, hơn 2 ha hồ tiêu của gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức) đã chết gần như hoàn toàn. Theo chị Oanh, vườn tiêu là nguồn thu nhập chính của cả gia đình nhiều năm qua. Để phát triển được hơn 2 ha hồ tiêu, gia đình chị đã đầu tư hơn 1,4  tỷ đồng, cùng với bao mồ hôi công sức. Nay vườn tiêu chết trắng, coi như mọi chuyện đều đổ ra sông, ra biển. Cay đắng hơn, gia đình phải "gánh" khoản nợ ngân hàng 600 triệu đồng và giờ đây không biết lấy đâu để hoàn trả. Hiện nay, gia đình chị đang phải cật lực đi làm thuê để lấy tiền trả lãi cho ngân hàng và duy trì khoản nợ.

"Đó chỉ là giải pháp tạm thời. Tới đây, khi đến thời gian đáo hạn ngân hàng, gia đình tôi chỉ còn cách đi "vay nóng" ở ngoài để đắp vào. Nếu trong trường hợp ngân hàng không cho đáo hạn, gia đình tôi chắc chắn sẽ lâm vào đường cùng, không còn cách nào để cứu vãn", chị Oanh buồn bã chia sẻ.

Tượng tự, gia đình anh Trần Văn Cảnh, ở xã Quảng Tâm, cũng phải bỏ xứ tha phương cầu thực vì vườn tiêu chết do bệnh. Vài năm về trước, do chạy theo phong trào trồng hồ tiêu ở địa phương, gia đình anh Cảnh dồn hết vốn liếng và vay thêm ngân hàng 400 triệu đồng để trồng 2 ha tiêu. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, 2 ha hồ tiêu của anh Cảnh đã bị nhiễm bệnh và chết hoàn toàn. Lâm vào cảnh trắng tay, cộng thêm khoản nợ ngân hàng 400 triệu đồng, cuộc sống của gia đình anh trở nên bi đát.

Anh Cảnh chua chát: Hiện nay, tôi phải cho đứa con lớn đang học lớp 11 nghỉ học giữa chừng để cùng bố mẹ xuống tỉnh Bình Phước làm phụ hồ để có tiền đóng lãi cho ngân hàng. Điều lo sợ nhất là không trả được nợ cho ngân hàng, toàn bộ nhà cửa, đất đai của gia đình tôi sẽ bị "siết nợ" và không biết bấu víu vào đâu để sống.

Người dân Tuy Đức cay đắng dọn dẹp cây hồ tiêu bị chết trên trụ gỗ

Cách đây 2 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Đào, ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đã thế chấp ngân hàng 4 ha hồ tiêu cùng với nhà cửa, xe cộ để vay 2,5 tỷ đồng đầu tư phát triển 7 ha hồ tiêu. Đến đầu năm nay, vườn hồ tiêu của gia đình chị Đào bị nhiễm bệnh, chết không còn một cây. Hiện nay, khoản vay 2,5 tỷ đồng của chị Đào đã rơi vào khoản "nợ xấu", gia đình không còn khả năng trả nợ. Vừa qua, chị Đào đã ký bàn giao tài sản cho ngân hàng để chuẩn bị thanh lý, phát mại.

Chị Đào cho biết: Qua phân tích của cán bộ ngân hàng, tài sản của gia đình tôi bán không đủ để trả khoản nợ 2,5 tỷ đồng và lãi phát sinh. Do đó, gia đình tôi sẽ tiếp tục mắc nợ ngân hàng phần còn thiếu. Bàn giao tài sản cho ngân hàng, gia đình tôi mất trắng tất cả, không biết bám vào đâu để sống.

Theo thống kê, diện tích tiêu chết tại 3 huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Tuy Đức tổng cộng là 4.475 ha. Còn ở những huyện không phải trọng điểm về hồ tiêu chịu thiệt hại ít hơn, như Cư Jút 250 ha; Đắk Glong 81,29 ha; thị xã Gia Nghĩa 46,3 ha; Krông Nô trên 60 ha.

Qua tính toán của người dân, chi phí để phát triển 1 ha hồ tiêu vào tầm 500 triệu đồng, chưa kể tiền mua đất. Trong đó gồm các khoản đầu tư tốn kém như trụ 250 triệu đồng; giống 20 đồng; phân bón, múc hố, cải tạo đất, thuốc bảo vệ thực vật, công cán 230 triệu đồng. Như vậy, với gần 5.000 ha hồ tiêu bị chết, nông dân trên địa bàn tỉnh đã phải chịu thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, chưa kể tới các hệ lụy khác như nợ ngân hàng, phá sản, bị siết nợ...

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông, tính đến tháng 6/2019, dư nợ mà các ngân hàng đã cho vay đầu tư vào hồ tiêu trên địa bàn Đắk Nông là hơn 4.300 tỷ đồng. Có trên 21.000 khách hàng đã tham gia vay vốn, với diện tích hồ tiêu mà người dân đem ra thế chấp là hơn 26.000 ha. Hiện nay, rất nhiều khoản vay ngân hàng để đầu tư vào cây hồ tiêu đã trở thành "nợ xấu".

ADQuảng cáo

Sản xuất hữu cơ khẳng định nhiều lợi ích

Mặc cho thời tiết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng vườn hồ tiêu của ông Lê Văn Bạo, ở xã Nam Bình (Đắk Song) vẫn luôn xanh tốt, khỏe mạnh, vì có sức đề kháng cao. Sở dĩ vườn tiêu của gia đình ông Bạo không bị vàng úa như những hộ gia đình khác trong vùng là do 3 năm nay, gia đình ông đã "nói không" với thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.

Theo ông Bạo, cách đây 3 năm, ông đã tham gia Hợp tác xã (HTX) Bình Tiến để liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Đối với việc sản xuất tiêu hữu cơ, mỗi thành viên trồng cây hồ tiêu phải sử dụng trụ sống, tự ủ phân chuồng để bón cho cây trồng hoặc sử dụng các loại chế phẩm sinh học để chăm sóc cho cây tiêu. Hiện nay, toàn HTX có 40 thành viên luôn đồng lòng và áp dụng những biện pháp kỹ thuật này một cách nghiêm ngặt nhằm đưa những vườn tiêu trước đây sử dụng nhiều phân bón hóa học trở về với tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ.

Đoàn đại biểu tham quan quy trình sản xuất hồ tiêu sạch của Công ty Cổ phần thương mại - dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu, xã Thuận Hạnh (Đắk Song)

Trước những thành quả đã đạt được, ông Lê Văn Bạo phấn khởi cho biết: Chính việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ khâu sản xuất cho đến khâu thu hoạch, chế biến nên sản phẩm của gia đình tôi đã được cấp chứng nhận hữu cơ, có thể xuất bán qua thị trường các nước châu Âu, Hòa Kỳ...  Với 2 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ, năm vừa qua gia đình tôi thu được hơn 7 tấn hạt tiêu, với giá bán gần 100 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi còn có lợi nhuận trên 700 triệu đồng.

Cũng như ông Bạo, anh Lê Văn Hà, ở thôn 10, xã Nam Bình từ năm 2017 đến nay, thay vì sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ông đã dùng phân chuồng, chế phẩm sinh học để chăm sóc cho 2 ha tiêu. Đến nay, vườn tiêu của hộ anh Hà vượt qua được nhiều đợt kiểm định, test mẫu để được công nhận bảo đảm tiêu chuẩn hữu cơ. Trong mùa vụ vừa qua, 2 ha hồ tiêu hữu cơ của gia đình anh Hà đã thu hoạch gần 8 tấn hạt đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Số lượng tiêu này bán với giá cao hơn 2 lần so với tiêu thông thường.

Cần được khuyến khích, hỗ trợ

Hồ tiêu là cây chủ lực của người dân Đắk Nông, thế nhưng, 3 năm trở lại đây, dịch bệnh tràn lan cùng với việc giá cả xuống thấp đã làm cho rất nhiều nông dân điêu đứng. Trong bối cảnh này, những vườn hồ tiêu hữu cơ vẫn có "thể đứng vững" cả về giá cả lẫn khả năng kháng bệnh.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 8 đơn vị, tổ hợp tác tham gia sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, trong đó mới chỉ có 4 đơn vị, tổ hợp tác được công nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích và sản lượng hết sức khiêm tốn.   

Được biết hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành tiêu chuẩn sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Vì vậy, các ngành chức năng cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân nhận thức về lợi ích và quy trình của việc sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Bởi đây là cách làm rất tốt để cây hồ tiêu phát triển bền vững, lâu dài. 

Bên cạnh đó, về mặt Nhà nước cũng cần hỗ trợ người dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện kiểm tra mẫu, cấp các chứng chỉ chứng nhận hồ tiêu hữu cơ. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình trình diễn để làm điểm lan tỏa, người dân có thể tham quan, học hỏi. Để sản xuất được hồ tiêu hữu cơ theo hướng hàng hóa, phải có vùng tập trung, sự liên doanh, liên kết từ khi sản xuất cho đến khi tiêu thụ. Ngoài ra, để doanh nghiệp bắt tay với người dân sản xuất tiêu hữu cơ, cũng cần có cơ chế thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt cơ sở hạ tầng, chính sách đầu tư...

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Liên Thành, đơn vị xuất khẩu hồ tiêu lớn ở tỉnh Bình Dương, hơn 95% hồ tiêu của Việt Nam là xuất khẩu, nhưng hầu hết là bán xô, với giá bèo bọt. Chỉ có hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ mới được các đối tác nước ngoài thu mua với mức giá cao từ 2 -5 lần so với giá xô ngoài thị trường. Thế nhưng, sản lượng hồ tiêu hữu cơ ở Việt Nam hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ chưa đầy 0,01%. Điều này chứng tỏ người dân vẫn chưa có sự thích ứng nhanh với thời cuộc để sản xuất tiêu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất hữu cơ, theo chuỗi - Lối đi bền vững cho hồ tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO