Quyết tâm cao để giữ mục tiêu phát triển kinh tế

06/07/2020 10:11

6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Đắk Nông ước đạt 6,09%. Để tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt mục tiêu đề ra là 7,91%, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải có quyết tâm rất cao, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 còn lớn.

ADQuảng cáo

Chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu du lịch toàn tỉnh giảm 12,7%

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn nhấn mạnh, mặc dù kinh tế toàn tỉnh tăng trưởng khá, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ các năm (6 tháng các năm 2019 đạt 8,03% và năm 2018 đạt 9,28%-PV). Tỉnh vẫn không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 đã đề ra là 7,91%. “Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi từng ngành, địa phương phải nỗ lực, cố gắng cao tận dụng lợi thế để thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn khẳng định.

Khắc phục tình trạng "mắc kẹt" vốn đầu tư

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng qua, giải ngân vốn đầu tư toàn tỉnh được 640,7 tỷ đồng, đạt 35,4% kế hoạch và cao hơn 6,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 của tỉnh được giao gần 2.100 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện phân bổ 1.811 tỷ đồng, đạt 86,3%.

Ngoài một số dự án có tiến độ giải ngân vốn đầu tư tương đối nhanh, hiện tại nhiều công trình được bố trí nguồn vốn lớn lại triển khai rất chậm. Điển hình như Dự án Trường Cao đẳng cộng đồng năm 2020 được bố trí 10 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay mới giải ngân được 700 triệu đồng.

Giải ngân vốn đầu tư thấp đang là nút thắt kéo giảm tăng trưởng kinh tế của tỉnh. (Ảnh: Dự án Khu liên hợp Bảo tàng, Thư viện và Công viên tỉnh Đắk Nông vướng giải phóng mặt bằng do chồng lấn với dự án bờ kè hồ Gia Nghĩa)

Dự án Khu liên hợp Bảo tàng, Thư viện và Công viên tỉnh Đắk Nông năm 2020 được bố trí 40 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được 500 triệu đồng, đạt 1,25%. Cũng trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa, Tiểu dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạng mục còn lại của Dự án hồ Gia Nghĩa năm 2020 được bố trí hơn 156,9 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được hơn 6,8 tỷ đồng, đạt 4,34%.

Các dự án dù được bố trí vốn, nhưng vướng giải phóng mặt bằng, nên giải ngân chậm. Là địa phương có nhiều dự án triển khai chậm, ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa cho biết, thành phố sẽ nỗ lực giải quyết những trường hợp còn vướng giải phóng mặt bằng. Trong đó, thành phố thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng để tập trung giải quyết. Những trường hợp "đặc biệt" về giải phóng mặt bằng, thành phố sẽ báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt, chứ không cứng nhắc để chờ theo thủ tục... "Thành phố phấn đấu đến cuối năm sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư được phân bổ”, ông Sương khẳng định.

Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn lưu ý, đối với các trường hợp “đặc biệt”, các đơn vị địa phương cần triển khai đúng thủ tục, quy định. “Riêng các chủ đầu tư giải ngân vốn không đạt theo kế hoạch của tỉnh đã đề ra thì kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu. Trường hợp các dự án giải ngân chậm sẽ điều chuyển vốn qua công trình khác”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn khẳng định.

ADQuảng cáo

6 tháng đầu năm 2020, có 5/16 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt khá, tốt

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 2/16 nhóm chỉ tiêu đạt tốt (xấp xỉ đạt và vượt kế hoạch năm 2020) chiếm 12,5% gồm: Chỉ tiêu hạ tầng giao thông; nhóm chỉ tiêu giáo dục. Toàn tỉnh có 3/16 nhóm chỉ tiêu đạt tiến độ khá (đạt từ 40% kế hoạch năm) chiếm 18,75% và khả năng cuối năm đạt kế hoạch đề ra như: Thu ngân sách nhà nước; hạ tầng cấp, thoát nước đô thị; lao động và việc làm.

3/16 nhóm chỉ tiêu đạt thấp, chiếm 18,75% gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP); chỉ tiêu về môi trường (tỷ lệ che phủ rừng và trồng mới rừng tập trung hàng năm chưa thực hiện); tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Riêng 8/16 nhóm chỉ tiêu, chiếm 50% được đánh giá vào cuối năm.

Thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất

Điểm sáng trong “bức tranh kinh tế" ở Đắk Nông 6 tháng qua phải kể đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.

Tiểu Dự án Tái định cư bờ đông, thuộc Dự án hồ Gia Nghĩa triển khai chậm cũng do... vướng giải phóng mặt bằng

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh ước tăng 4,5%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: Đá xây dựng đạt 579.000 m3, tăng 5%; gạch xây dựng đạt 122 triệu viên, tăng 32%; cồn công nghiệp đạt 4.027 tấn, tăng 112%; chế biến cà phê nhân ước đạt 141.000 tấn, tăng 6%; mủ cao su ước đạt 4.646 tấn, tăng 72%... Riêng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tương đối ổn định với tổng doanh thu khoảng 1.300 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong vụ đông xuân 2019-2020, đến nay các địa phương đã thu hoạch được 9.486 ha/10.292 ha cây trồng, đạt 92%, nhanh hơn so với cùng kỳ 332 ha. Vụ hè thu, các địa phương đã gieo trồng được hơn 4.000 ha, chậm hơn so với cùng kỳ 25.000 ha vì mùa mưa đến muộn.

Cũng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng đàn trâu toàn tỉnh 6.150 con, đạt 95,54% kế hoạch năm, tăng 1.150 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 31.130 con, đạt 90,55% kế hoạch; đàn heo hơn 252.000 con, đạt 118,13% kế hoạch và tăng hơn 40.000 con so với cùng kỳ năm 2019... Tương tự, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh được 1.300 ha/1.830 ha, đạt 71% kế hoạch với sản lượng hơn 3.800 tấn, đạt 54% (kế hoạch cả năm 7.113 tấn).

Để thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất tiếp tục phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn đề nghị các cấp, ngành và từng địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Trước hết là đẩy nhanh hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, các cấp, ngành và địa phương có liên quan cần tập trung đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết...

Hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 7.600 tỷ đồng

Trong bối cảnh lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19, thế nhưng 6 tháng qua, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh vẫn đạt 7.600 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, tăng trưởng khu vực thương nghiệp ước đạt 6.529 tỷ đồng, tăng 13,9%. Riêng lĩnh vực lưu trú và ăn uống đạt 776 tỷ đồng, giảm 16,6%; du lịch đạt 0,26 tỷ đồng, giảm 12,7%; dịch vụ đạt 295 tỷ đồng, giảm 4,6%.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm cao để giữ mục tiêu phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO