Quy hoạch phát triển ngành thủy sản theo hướng an toàn, hiệu quả

Kim Ngân| 17/02/2020 08:53

Hiện nay, thu nhập từ nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh còn ở mức thấp, các lợi thế, tiềm năng của thủy sản cũng chưa được khai thác tốt. Do đó, tỉnh Ðắk Nông đã xây dựng đề án phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao và đặt mục tiêu nâng tầm cho ngành nghề thủy sản.

ADQuảng cáo

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp – PTNT, toàn tỉnh có tổng diện tích mặt nước các sông, suối và hồ chứa khoảng 17.500 ha. Trong đó, diện tích mặt nước tại các hồ thủy điện như: Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Ðồng Nai 3 có khoảng 5.500 ha. Ngoài ra, 262 hồ chứa thủy lợi có khoảng 3.500 ha mặt nước và các ao nuôi thủy sản của hộ gia đình có khoảng 640 ha mặt nước.

Ðến đầu năm 2019, sản lượng thủy sản của tỉnh Ðắk Nông đạt 5.620 tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi đạt 4.740 tấn (chiếm 84,3%) và sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên 880 tấn (chiếm 15,7%). Sản lượng thủy sản đã cho thấy tiềm năng rất lớn để ngành thủy sản của tỉnh phát triển. Do đó, việc đầu tư, quản lý khai thác thủy sản phù hợp, bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh là điều cần thiết.

Nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh Ðắk Nông chủ yếu tập trung ở 3 loại hình là nuôi ao hồ nhỏ, nuôi hồ chứa và nuôi lồng bè trên hồ chứa. Các loại thủy sản được nuôi chủ yếu là những loại cá truyền thống, với nguồn cung cấp thức ăn có giá rẻ, dễ tìm kiếm như: cá trắm cỏ, cá rô phi, cá diêu hồng, cá lóc, cá chép, cá trôi, cá trê, cá mè và một số ít các loài cá đặc sản nước ngọt như cá lăng nha, cá thát lát...

Nuôi cá lồng trên sông Sêrêpốk mang lại thu nhập khá cho người dân.

ADQuảng cáo

Từ nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tri, phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa, nuôi cá quảng canh trên 500 m2 hồ. Theo ông Tri, hàng năm, thu nhập từ nuôi cá cũng mang về cho ông hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, do bản thân ông chưa áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật nuôi, cải tiến quảng canh, nên năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế còn thấp. Mặc dù diện tích hồ tương đối lớn, nhưng gia đình ông chỉ xem thu nhập từ việc nuôi cá như một khoản phụ thu chứ chưa phát huy hết hiệu quả.

Còn gia đình ông Lê Văn Phục, một hộ nuôi cá lồng trên sông Sêrêpốk, cũng gắn bó với nghề từ nhiều năm nay. Ông Phục cho hay, với diện tích mặt nước rộng, lưu lượng nước phù hợp để nuôi cá bè, nên việc phát triển lồng bè trên sông rất thuận lợi. Cùng với đó, thị trường đầu ra các sản phẩm cá nuôi trên sông khá lớn cũng giúp các chủ bè cá yên tâm đầu tư, xây dựng lồng bè. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh thực trạng dòng sông bị ô nhiễm, chế độ dòng chảy bị biến đổi do đập thủy điện tích trữ, xả nước thì vấn đề tìm nguồn giống thủy sản phù hợp để nuôi cũng gây khó khăn cho các chủ bè. Thời gian qua, để có nguồn giống, các chủ lồng bè phải về các tỉnh miền Tây để mua. Do đường vận chuyển xa, cá giống bị thay đổi môi trường sống, nên chết nhiều. Chính những hạn chế này đã khiến cho việc nuôi thủy sản quy mô lớn bị hạn chế. Người dân chỉ đầu tư nuôi cá tại các ao hồ nhỏ. Nuôi thủy sản bằng lồng bè trên sông, hồ chứa cho năng suất tương đối cao, trung bình 50kg/m3, nhưng vẫn còn tính tự phát, phân bố rải rác, không hình thành các vùng tập trung, không theo quy hoạch, dẫn đến khó quản lý và đầu tư hạ tầng, dịch vụ để phát triển gặp khó khăn...

Ðể thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, những năm gần đây, tỉnh Ðắk Nông đã xây dựng các chương trình, đề án để định hướng phát triển thủy sản trong những năm tới. Ðề án đặt ra mục tiêu giai đoạn 2020-2025, diện tích thủy sản ao hồ nhỏ là 724 ha, sản lượng 5.793 tấn; nuôi trồng thủy sản lồng bè trên hồ chứa đạt 614 lồng, sản lượng 1.535 tấn; nuôi trồng thủy sản hồ chứa nhỏ đạt diện tích 1.253 ha, sản lượng 752 tấn. Qua đó, giúp tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản tỉnh Ðắk Nông giai đoạn 2026-2030 dự kiến đạt 7,5%/năm. Ðến năm 2030, tỷ trọng ngành thủy sản chiếm 1,8% giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp của tỉnh...

Theo đó, tỉnh đã xác định, một số huyện có diện tích phát triển thủy sản lớn như Cư Jút, Krông Nô, Ðắk Glong... đã được chọn để đưa vào quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2035, với tổng diện tích mặt nước 450 ha.

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, việc xây dựng kế hoạch, đề án, đầu tư hạ tầng cơ sở nuôi, sản xuất giống thủy sản cũng là một trong những yếu tố quan trọng mà các cấp, ngành, địa phương cần xem xét, tính toán. Ngoài ra, ngành thủy sản phải chú trọng quy hoạch lại vùng nuôi, loại hình nuôi, đối tượng nuôi, dịch vụ hậu cần thủy sản, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Việc sắp xếp lại nghề thủy sản, khai thác hết tiềm năng mặt nước, nâng cao sản lượng và giá trị sản xuất ngành thủy sản cũng cần được quan tâm bài bản hơn...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch phát triển ngành thủy sản theo hướng an toàn, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO