Quy hoạch, đầu tư và sử dụng công trình thủy lợi: Đang bộc lộ nhiều yếu kém

Lương Nguyên| 16/07/2018 10:00

Nguồn vốn đầu tư cho thủy lợi hạn chế; thẩm định, khảo sát hồ sơ có chất lượng chưa cao; vận hành, khai thác còn những điểm yếu... là những nguyên nhân tồn tại trong việc quy hoạch, đầu tư, quản lý vận hành khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Tình trạng vi phạm hành lang an toàn thủy lợi vẫn diễn ra tại Công trình thủy lợi đập Sa Pa, xã Thuận An (Đắk Mil)

Bất cập trong đầu tư

Kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh mới đây về việc chấp hành pháp luật trong thực hiện quy hoạch, đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi trong giai đoạn 2012-2017 cho thấy hoạt động đầu tư tại một số công trình thủy lợi trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập.

Cụ thể như Dự án đập Thủy lợi Đắk Ngo, xã Đắk Ngo (Tuy Đức). Theo quyết định phê duyệt, dự án đầu tư xây dựng công trình này có thời gian thi công từ năm 2012-2016. Tổng mức đầu tư công trình được phê duyệt là hơn 100 tỷ đồng. Công trình được chia làm 2 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 từ năm 2012-2013 với các hạng mục như: đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước; giai đoạn 2 từ 2014-2016 với các hạng mục gồm: hệ thống kênh, công trình trên kênh...

Công trình hoàn thành sẽ phục vụ tưới cho 250 ha lúa nước và 200 ha cà phê. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế mới đây của Đoàn giám sát HĐND tỉnh tại công trình cho thấy, hiện nay, mặc dù chưa hoàn thành giai đoạn 2 theo dự kiến nhưng thân đập đã bị sụt, lún; tràn xả lũ bị xói lở, hệ thống van xả bị hư, công trình không tích được nước. Chưa hết, theo báo cáo của UBND xã Đắk Ngo, việc xây dựng hệ thống kênh chính N1, N2 để phục vụ tưới cho 250 ha lúa nước và 200 ha cà phê như năng lực thiết kế là không khả thi. Vì toàn bộ diện tích này người dân đã trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như điều, cao su (?).  

Không riêng gì Dự án đập thủy lợi Đắk Ngo, qua thực tế giám sát tại các địa phương của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Trước hết, công tác thẩm định, phê duyệt dự án còn khó khăn do các chủ đầu tư chưa quan tâm đến chất lượng hồ sơ. Nhiều hồ sơ có chất lượng thẩm định chưa cao dẫn đến việc thẩm định mất nhiều thời gian. Nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm đến khâu phân bổ kế hoạch vốn, còn việc thanh toán vốn, lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, cũng như việc đề xuất xử lý tồn tại, vướng mắc chưa kịp thời...

Ngoài ra nguồn lực dành cho đầu tư cho hệ thống công trình thủy lợi trong thời gian qua cũng còn hạn chế, nhất là về vốn. Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2012-2017, trên địa bàn có 124 công trình thủy lợi cần được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp.

Tuy nhiên, đến năm 2018, toàn tỉnh mới triển khai thực hiện được 63/124 công trình, trong đó, xây mới 26/54 công trình, đạt 48,14%; nâng cấp, sửa chữa 37/70 công trình, đạt 52,8%. Con số này cho thấy, nguồn vốn để đầu tư cho thủy lợi hiện nay chưa nhiều. Từ đây, dẫn đến tình trạng nhiều công trình nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt nhưng không được bố trí vốn và hiện đã có nhiều biến động về diện tích, chủng loại cây trồng theo khảo sát ban đầu. Vì vậy, khi có vốn đầu tư lại phải khảo sát, điều chỉnh mục tiêu dự án... ảnh hưởng đến nhu cầu tưới cho cây trồng.

Hạn chế về quản lý, vận hành, khai thác

ADQuảng cáo

Hiện nay, trong số hơn 200 công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý, khai thác thì có 83 công trình đã sử dụng lâu năm, không thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng nên đã xuống cấp. Đối với 55 công trình do các xã, các công ty nông, lâm nghiệp quản lý đa số đã xuống cấp, không đáp ứng đủ năng lực tưới cho diện tích cây trồng.

Theo đánh giá của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các địa phương, hầu hết hạ tầng thủy lợi trên địa bàn còn lạc hậu về kỹ thuật, thiết bị vật tư phục vụ quan trắc, giám sát hồ đập… Việc lập quy trình vận hành cũng chưa thực sự được chú trọng. Thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 6 hồ chứa nước có dung tích lớn được UBND tỉnh phê duyệt quy trình vận hành. Tuy nhiên, việc lập quy trình vận hành điều tiết hồ chứa gặp nhiều khó khăn và chậm trễ do thiếu nguồn kinh phí thực hiện.

Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi còn phức tạp, chưa được giải quyết dứt điểm. Trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 2 công trình thủy lợi là Đắk Rồ (Krông Nô) và Đắk Điê (Cư Jút) là có hồ sơ về cắm mốc hành lang an toàn. Số còn lại hầu hết là không có hồ sơ, dẫn đến việc người dân xâm canh, lấn chiếm xây dựng nhà ở, vật kiến trúc trên hành lang công trình, gây mất an toàn hồ đập. Nhiều trường hợp, địa phương sở tại còn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân làm nhà ở trên hành lang bảo vệ an toàn công trình. Trong khi việc xử lý vi phạm hành lang công trình tại các địa phương chưa nghiêm, chỉ mới dừng lại ở mức độ nhắc nhở nên người dân thường xuyên tái phạm.

Toàn tỉnh hiện có 257 công trình thủy lợi, trong đó 221 công trình hồ chứa, 23 đập dâng, 5 hệ thống trạm bơm và 8 hệ thống kênh tiêu. Trong số này, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý hơn 200 công trình, còn 55 công trình do các xã, công ty nông lâm nghiệp quản lý.

Ưu tiên đầu tư, nâng cấp những công trình cấp bách

Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, cộng với điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, Trung ương cắt giảm nguồn vốn, ảnh hưởng đến việc cân đối, sắp xếp nguồn vốn đầu tư các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 thi việc rà soát, ưu tiên nguồn vốn cho những công trình thực sự cấp bách là việc làm cần thiết hiện nay.

Theo thường trực HĐND tỉnh, trên cơ sở các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt, thì UBND tỉnh cần sớm rà soát thực trạng các công trình, nhu cầu tưới một cách kỹ lưỡng để bố trí vốn hợp lý cho công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp. Bên cạnh đó, những công trình nào nằm trong quy hoạch nhưng hiện đã có biến động về diện tích, nhu cầu tưới cần phải điều chỉnh hoặc đưa ra khỏi quy hoạch nếu thấy không còn phù hợp, tránh tình trạng đầu tư lãng phí. Trước mắt, tỉnh cần đầu tư, nâng cấp, sửa chữa đối với những công trình cấp bách, ưu tiên cho các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Rút kinh nghiệm trước đây, vấn đề đầu tư hiện nay phải tập trung, dứt điểm, hoàn chỉnh, đồng bộ để phát huy hết năng lực thiết kế. Việc rà soát lại những công trình thủy lợi đã, đang đầu tư nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng, công trình nào chưa bảo đảm chất lượng, chậm tiến độ phải được chú trọng hơn, nhằm có biện pháp xử lý nghiêm các chủ đầu tư dự án theo quy định.

Riêng đối với công trình thủy lợi Đắk Ngo, mặc dù chưa nghiệm thu, bàn giao đã xuống cấp, hư hỏng, UBND tỉnh giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan như: Sở Nông nghiệp-PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng kiểm tra thực tế các hạng mục đã, đang xây dựng. Từ đây, xác định khả năng tạo vùng lúa nước, cây cà phê thuộc vùng dự án được phê duyệt so với thực tiễn để đánh giá đúng hiệu quả dự án, báo cáo UBND tỉnh nhằm sớm khắc phục, phát huy hiệu quả đầu tư công theo quy định của pháp luật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch, đầu tư và sử dụng công trình thủy lợi: Đang bộc lộ nhiều yếu kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO