Quay cuồng với điện năng lượng mặt trời (kỳ 3): Cần sớm có giải pháp quản lý, điều chỉnh

Phan Tuấn| 28/10/2020 08:53

Dù đã xuất hiện một số “biến tướng” nhưng không thể phủ nhận, điện mặt trời đang mang lại lợi ích to lớn về mặt kinh tế - xã hội. Do đó, cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế quản lý, điều chỉnh hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, để tạo ra sự phát triển bền vững, lâu dài.

ADQuảng cáo

Tạo môi trường đầu tư công bằng

Qua thực tế cho thấy, nếu các chủ đầu tư "lách luật" chia nhỏ dự án dưới 1MWp để được xác định là điện mặt trời mái nhà (MTMN) thì sẽ dẫn đến tình trạng bất công bằng. Khi đó, các chủ đầu tư nghiễm nhiên được hưởng mức giá bán điện tốt hơn điện mặt trời nối lưới và không cần thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Điều này dĩ nhiên được lợi cho nhà đầu tư, nhưng nó sẽ gây ra sự bất bình đẳng và để lại nhiều hệ lụy khác.

Nhiều chủ đầu tư chia nhỏ dự án dưới 1MWp nhằm né việc quy hoạch điện lực, cấp phép hoạt động

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các nhà đầu tư lợi dụng chính sách để hưởng lợi từ cơ chế điện MTMN cần được chấn chỉnh gấp, nhằm tránh tình trạng tại một địa điểm, có nhiều chủ đầu tư cùng lắp đặt dự án dưới 1 MWp. Từ đó, hình thành tổng công suất lớn hơn 1 MW với 1 điểm đấu nối.

Cũng theo ông Ngãi, để hạn chế được điều này, trước hết cơ quan chức năng cần quyết liệt khống chế quy định công trình điện MTMN là công trình có công suất dự án dưới 1 MWp và có tấm pin lắp đặt trên mái nhà. Đặc biệt, cũng cần bổ sung quy định kiểm soát hộ gia đình đăng ký theo hộ khẩu tại địa phương, diện tích lắp đặt cụ thể…

Cần phải có giải pháp căn cơ để việc phát triển điện năng lượng mặt trời không gây tác động tiêu cực đến quản lý đất đai, môi trường

Ông Ngãi nhấn mạnh: "Điện MTMN là điện của từng hộ gia đình có mái nhà, có hộ khẩu, có "sổ đỏ" nhà đất được Nhà nước cấp phép. Mục đích của điện MTMN là để người dân sản xuất điện sử dụng, nếu dư thừa mới bán điện cho Nhà nước. Còn ngụy tạo, tự tạo, tự diễn mà không được cấp phép thì đó là trái luật. Những trường hợp nào làm như vậy là không được chấp nhận. Đối với những trường hợp này, Bộ Công thương cần quyết liệt không cho phép Tập đoàn Điện lực mua bán điện với họ".

ADQuảng cáo

Tính toán quy hoạch, môi trường

Nếu như trong thời gian tới, hàng trăm dự án điện năng lượng mặt trời tự phát trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được các cơ quan chức năng xác định là điện năng lượng mặt trời nối lưới, sẽ tạo ra không ít những lo ngại về vấn đề môi trường và các vấn đề về quy hoạch đất đai. Bởi vì như đã nói, các dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn hiện nay đều chưa được Bộ Công thương quy hoạch điện lực, chưa đánh giá tác động môi trường, chưa có giấy phép hoạt động…

Một địa điểm có nhiều chủ đầu tư cùng lắp đặt dự án điện mặt trời

Theo cơ quan chức năng, một tấm pin mặt trời có thời gian sử dụng khoảng 20 - 30 năm, tùy vào điều kiện môi trường. Nhiệt độ cao có thể khiến thời gian sử dụng pin ngắn hơn và yếu tố tiêu cực như bụi sẽ gây tổn hại vật liệu bề mặt và giảm dần hiệu suất chuyển đổi từ quang năng sang điện năng.

Pin năng lượng mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ. Khi các tấm pin hết hạn sử dụng, việc phân loại và xử lý là rất tốn chi phí, chưa kể các hóa chất sinh ra trong quá trình hủy bỏ sẽ gây hại cho môi trường.

Hiện có hai loại chất thải gây hại xuất phát từ tấm pin năng lượng mặt trời. Đó là chất thải từ sản xuất và chất thải từ pin năng lượng mặt trời sau khi đã qua vòng đời sử dụng. Trong khi đó, cho đến nay, hầu như vẫn chưa có phương pháp nào để giảm những vấn đề về chất thải của pin mặt trời.

Chia sẻ về vấn đề môi trường, Phó GS.TS Võ Viết Cường, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho biết: “So với các loại năng lượng mà chúng ta đang sử dụng hiện nay, năng lượng từ điện mặt trời là loại năng lượng sạch nhất. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm đối với nhà sản xuất, nhà cung ứng tấm pin để họ có trách nhiệm thu hồi hoặc tái chế nhằm bảo đảm vấn đề môi trường sau này".          

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quay cuồng với điện năng lượng mặt trời (kỳ 3): Cần sớm có giải pháp quản lý, điều chỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO