Quay cuồng với điện năng lượng mặt trời (kỳ 2): Nhiều “lỗ hổng” trong quản lý

Phan Tuấn| 27/10/2020 09:14

Nhiều dự án điện năng lượng mặt trời hiện nay chưa rõ ràng là công trình điện mặt trời mặt đất hay điện năng lượng mặt trời mái nhà. Thế nên, ngành chức năng cũng như chính quyền các cấp gặp lúng túng trong quản lý hoạt động.

ADQuảng cáo

Các dự án trá hình

Theo quy định của Bộ Công thương, điện mặt trời mái nhà (MTMN) là công trình điện có các tấm pin được lắp đặt trên mái của công trình xây dựng có sẵn, có công suất không quá 1 MWp được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống. Đối với dự án điện mặt trời có công suất trên 1 MWp, chủ đầu tư cần thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch phát triển điện mặt trời, có giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của Nhà nước.

Dự án điện mặt trời của Công ty Solar Tây Nguyên, xã Ea Pô (Cư Jút) kinh doanh điện là chính. Vì hơn một năm qua, dự án chỉ có lác đác vài con gà, trồng được mấy cây mít

Quy định là vậy, nhưng qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đắk Nông, những dự án điện MTMN ở Đắk Nông thời gian qua đều được xây dựng với hình thức tự tạo, ngụy tạo. Cụ thể, các chủ đầu tư đã mua đất nông nghiệp với diện tích lớn rồi lập dự án kinh doanh điện, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất mục đích khác. Với cách làm này, họ tự tạo ra mái nhà, mái công trình để lắp đặt các tấm pin năng lượng để sản xuất điện. Thậm chí, nhiều công trình điện mặt trời còn được lắp đặt trên những giá sắt, mái ni lông... chứ không phải mái nhà.

Chẳng hạn, công trình điện năng lượng mặt trời của Công ty Solar Tây Nguyên, ở thôn Nam Tiến, xã Ea Pô (Cư Jút) là một ví dụ điển hình. Đầu năm 2019, Công ty mua đất để làm dự án nông nghiệp. Sau đó, đơn vị này xây đế, dựng khung sắt, lợp mái ni lông. Phía trên mái ni lông, chủ đầu tư đã lắp đặt các tấm pin năng lượng để sản xuất điện. Ngày 21/6/2019, Công ty được đấu nối với lưới điện và bán điện cho ngành điện.

Sau khi hoàn thành mục đích bán điện với giá cao, hơn 1 năm qua, phía dưới mái nhà của Công ty Solar Tây Nguyên vẫn không có bất kỳ hoạt động sản xuất gì để thu lợi nhuận ngoài việc sản xuất bán điện. Tìm hiểu thực tế cho thấy, phía trong khuôn viên công ty có một ngôi nhà, có 2 người sinh sống thường xuyên ở đây, nhưng hàng ngày không tham gia sản xuất, lao động gì trong dự án. Trên một khu đất rộng khoảng 1 ha, chủ đầu tư chỉ thả được vài chục con gà, trồng được vài cây mít…

Công trình của Công ty TNHH Phú Mạnh chỉ có một số bịch nấm đã bị hư hỏng, không người chăm sóc

Gần đó, Công Ty TNHH Phú Mạnh cũng đã bán điện cho ngành điện vào ngày 20/6/2019. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế, tại dự án này, chủ đầu tư chỉ bán điện cho ngành điện chứ hầu như không có bất cứ hoạt động nào khác. Cụ thể, phía dưới mái nhà chỉ có vài hàng nấm lèo tèo, một số bịch giống cây đinh lăng chưa được trồng. Phần lớn diện tích đất đai phía dưới mái nhà của Công Ty TNHH Phú Mạnh chỉ có cỏ dại mọc um tùm…

“Thả nổi” nhà đầu tư

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đang thiếu sự phối hợp trong việc quản lý các hoạt động phát triển điện NLMT. Do đó, tình trạng xây dựng các công trình điện NLMT trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã diễn ra rất nhiều mà chưa có sự điều chỉnh nào.

Nhiều dự án điện mặt trời có quy mô gần 1MWp nằm cạnh nhau, tạo ra cụm công trình lớn

Ông Bùi Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nam Dong (Cư Jút) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn xã Nam Dong có tất cả 16 dự án điện NLMT. Hầu hết các dự án điện này đều là người ở nơi khác đến địa phương mua đất, làm dự án.

Các chủ đầu tư đã âm thầm mua đất, khi xây dựng cũng không báo cáo với chính quyền địa phương. Khi địa phương kiểm tra thì các chủ đầu tư không có mặt, không cung cấp hồ sơ pháp lý. Sau đó, các chủ đầu tư lại âm thầm cho người xây dựng, đấu nối, vận hành điện. Ông Tuấn phản ánh: “Các chủ đầu tư trong quá trình làm dự án điện mặt trời mái nhà hầu như không trình diện địa phương, chỉ khi bị vướng mắc, tranh chấp mặt đất đai, dự án… thì mới tìm đến địa phương để nhờ giải quyết".

ADQuảng cáo

Ở huyện Krông Nô cũng có nhiều dự án điện NLMT hoạt động không bảo đảm quy định. Lãnh đạo huyện Krông Nô thừa nhận, trên địa bàn huyện có 28 công trình điện mặt trời đang xây dựng hoặc đã thực hiện xong. Đối với 28 dự án này, một số chủ đầu tư điện NLMT do người dân, doanh nghiệp xây dựng trên đất nông nghiệp chưa thực hiện chuyển đổi  mục đích theo quy định.

Trong quá trình thực hiện dự án, người dân, doanh nghiệp không thông báo cho chính quyền địa phương biết, hướng dẫn. Khi chính quyền địa phương thành lập đoàn kiểm tra việc xây dựng các dự án điện NLMT thì người dân, doanh nghiệp mới làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định. Một số dự án sử dụng đất xây dựng trang trại kết hợp để đầu tư điện NLMT khi chưa bảo đảm các tiêu chí, nhưng chủ đầu tư đã thực hiện lắp pin mặt trời và thực hiện đấu nối lưới điện.

Chia sẻ về vấn đề một số dự án điện mặt trời không tuân thủ quy định, ông Nguyễn Văn Trình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Nông cho rằng, ngành điện chỉ căn cứ vào 2 tiêu chí là mái của công trình xây dựng, khả năng tải thì thực hiện thỏa thuận đấu nối cho khách hàng. Về việc công trình như thế nào, có phù hợp với đất đai, có thực hiện đúng quy trình xây dựng, an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường hay không thì chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm, các cấp chính quyền địa phương liên quan, các sở ngành sẽ quản lý. “Ngành điện là một doanh nghiệp cho nên không có chức năng quản lý những cái việc đấy”, ông Trình cho biết.   

Nhiều chủ đầu tư dự án tự tạo, ngụy tạo ra mái công trình để phát triển dự án điện năng lượng mặt trời

Lúng túng trong quản lý

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có nhiều công trình điện năng lượng mặt trời có quy mô dưới 1MWp đã được đấu nối bán điện cho ngành điện. Thế nhưng, cho đến nay, ngành điện cũng đang “đau đầu” trong việc phân biệt những công trình này là điện MTMN hay điện mặt trời mặt đất.

Không chỉ ngành điện, mà chính quyền các cấp cũng đang rất lúng túng trong việc phân loại, xử lý, quản lý các công trình điện năng lượng mặt trời. Bởi như đã nói, điện MTMN là công trình có các tấm pin được nằm trên mái nhà có sẵn, ngoài việc sử dụng điện cho mình thì phần dư thừa sẽ bán cho ngành điện. Còn nếu là công trình điện năng lượng mặt trời mặt đất thì phải có quy hoạch điện lực của Bộ Công thương, có giấy phép hoạt động điện lực, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường và nhiều thủ tục pháp lý khác…

Ngoài việc sản xuất bán điện, nhiều chủ đầu tư không có bất cứ hoạt động sản xuất nào phía dưới mái công trình

Tại thôn 16, xã Nam Dong (Cư Jút), có cụm công trình điện NLMT gần 8MWp nằm san sát nhau. Theo danh sách công khai của Công ty Điện lực Đắk Nông, cụm công trình này là của 8 công ty khác nhau. Tuy nhiên, một lãnh đạo UBND xã Nam Dong cho biết, các công trình này là của 2 người. Cụ thể, một người ở Đắk Nông sở hữu 3 công trình, một người ở Hà Nội sở hữu 5 công trình.

Việc cụm 8 công trình này được đấu nối và bán điện cũng để lại nhiều băn khoăn. Trước hết, nếu cụm 8 công trình này được xác định là điện mặt trời mặt đất thì chưa được Bộ Công thương quy hoạch phát triển dự án điện và thiếu nhiều thủ tục pháp lý khác. Còn nếu được xác định là điện MTMN thì các công trình này cũng để lại nhiều vấn đề lo ngại. Bởi vì chủ đầu tư đã tự đi mua đất rồi tự tạo ra mái công trình, chia nhỏ dự án dưới 1MWp để "lách" các thủ tục pháp lý phức tạp. Đặc biệt, các chủ đầu tư điện mặt trời chỉ làm nông nghiệp theo kiểu đối phó để hợp thức hóa quy định, trục lợi chính sách về giá điện (điện MTMN được hưởng giá 1.943 đồng, còn điện mặt trời mặt đất được hưởng giá 1.644 đồng).

Ngoài cụm 8 công trình nêu trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có rất nhiều dự án điện mặt trời dưới 1MWp được đấu nối bán điện cho ngành điện, nhưng chưa xác định được điện mặt trời mặt đất hay điện MTMN. Trong đó, phải kể đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh điện mặt trời có quy mô lớn như: Công ty TNHH Công nghệ Xanh Tây Nguyên, Công ty TNHH Công nghệ xanh Bắc Nguyên, Công ty TNHH Công nghệ xanh Hải Nguyên (đều ở huyện Cư Jút); Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Bình Minh, Công ty TNHH Tanu Farm, Công ty Cổ phần BSB Farmstay, Công ty Cổ phần Serepok Farmstay (ở huyện Krông Nô)…

Ông Nguyễn Bỉnh, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Đắk Nông thừa nhận, hiện nay, ngành điện đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Công thương để xác định như thế nào là công trình xây dựng điện năng lượng mặt trời mặt đất và điện MTMN. Nếu được xác định là điện MTMN thì không cần quy hoạch, không cần giấy phép hoạt động điện lực. Ngược lại, nếu là những dự án này được xác định là điện mặt trời mặt đất thì chủ đầu tư phải quay lại thực hiện các bước xin cấp phép hoạt động điện lực theo quy định. Do ngành điện chưa xác định được loại hình điện mặt trời mặt đất hay điện MTMN nên hàng tháng ngành điện chỉ chốt chỉ số công tơ bán điện cho người sản xuất chứ chưa thỏa thuận được về giá.

>>Kỳ 3: Cần sớm có giải pháp quản lý, điều chỉnh

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quay cuồng với điện năng lượng mặt trời (kỳ 2): Nhiều “lỗ hổng” trong quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO