Quảng Sơn trồng dâu, nuôi tằm theo hướng “3 giảm, 3 tăng”

Văn Tâm| 15/08/2019 10:47

Thời gian qua, người dân trên địa bàn xã Quảng Sơn bắt đầu trồng dâu, nuôi tằm theo phương pháp “3 giảm, 3 tăng” để nâng cao năng suất, chất lượng. Phương pháp này do Hợp tác xã (HTX) Dano Fam (Quảng Sơn) khởi xướng và bắt đầu có hiệu quả.

ADQuảng cáo

Người dân trên địa bàn xã Quảng Sơn trong vài năm qua đã không ngừng mở rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, diện tích dâu trên địa bàn xã đạt trên 100 ha và có trên 90 hộ nuôi tằm. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân phần lớn trồng dâu, nuôi tằm theo kiểu tự phát, chưa áp dụng kỹ thuật hiện đại, nên sản phẩm kén còn thấp, không đạt yêu cầu, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Khâu chăm sóc chú ý yếu tố tạo chất diệp lục của cây dâu đủ dinh dưỡng cho tằm phát triển, kéo kén

Gia đình ông Nông Văn Hợp, ở bon Bu Sir, xã Quảng Sơn, nhận thấy nghề nuôi tằm mang lại thu nhập khá, nên năm nay xuống giống hơn 1,5 ha dâu. Theo ông Hợp, so với các loại cây trồng ngắn ngày khác, cùng thời vụ, trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao hơn từ 30 - 40%.

Thay vì trồng dâu nuôi tằm theo phương pháp truyền thống, gia đình ông Hợp đã áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”. Trong đó, "3 giảm" là: Giảm lượng giống, nước tưới; giảm phân bón và giảm thuốc bảo vệ thực vật. Còn "3 tăng" là: Tăng năng suất cây trồng; tăng chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích.

ADQuảng cáo

Để thực hiện mô hình này, gia đình ông Hợp đã học các kinh nghiệm từ HTX Dano Farm. Theo đó, khi trồng dâu, gia đình ông Hợp đã cắt giảm bớt lượng giống trên một đơn vị diện tích đất. Quá trình chăm sóc dâu, áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm, cung cấp nước vừa đủ cho cây. Lượng phân bón cho cây cũng được tiết kiệm. Thay vì bón một lúc, gia đình đã bón nhiều lần, với lượng phân vừa đủ. Gia đình cũng rất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chủ yếu dùng phân sinh học để chăm sóc dâu. Với phương pháp này, chất lượng vườn dâu đã tốt hơn trước rất nhiều.

Quan trọng là nhờ có chất lượng dâu tốt, nên tằm cũng cho kén nhiều hơn và chất lượng hơn. Hiện nay, một hộp giống dâu tằm của gia đình ông cho năng suất từ 50 - 55 kg kén. Với giá hiện tại trên địa bàn là 100.000 đồng/kg, thì mỗi lứa, một hộp dâu tằm thu về từ 5 – 5,5 triệu đồng chưa trừ chi phí.

Việc nuôi tằm tại gia đình bà Bùi Thị Nhãn ở thôn Quảng Hợp khá ổn định

Theo bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX Dano Farm, xã Quảng Sơn lâu nay người nuôi tằm bị thiệt thòi nhiều về giá mua cũng như năng suất vườn dâu lẫn kén tằm. Nguyên nhân là do người dân chưa biết áp dụng phương pháp trồng dâu, nuôi tằm hợp lý. Đối với cây dâu, khi trồng, nông dân không thực hiện đúng kỹ thuật, thường trồng dày, chế độ chăm sóc không hợp lý. Quá trình nuôi tằm, người dân phòng bệnh không tốt, không biết cách tạo đủ chất diệp lục cần thiết cho tằm... Từ những hạn chế đó, người dân gặp phải hạn chế là khối lượng lá dâu cho tằm ăn tiêu tốn nhiều, nhưng lại không đủ dinh dưỡng cho tằm. Do đó, tằm sinh trưởng, phát triển kém, dẫn đến sức đề kháng thấp, dễ bị nhiễm nấm bệnh. Tằm cũng khó kéo tơ hoặc cho tơ đứt, sợi tơ không đều...

Cũng theo bà Liên, trước thực tế đó, HTX Dano Farm đã tập hợp các xã viên có tâm huyết để tìm hướng nâng cao chất lượng cây dâu, con tằm tại các nông hộ ở Quảng Sơn. HTX đã chủ động liên hệ với Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam tại Lâm Đồng để cho các xã viên đăng ký thăm quan, học tập kinh nghiệm về nghề trồng dâu, nuôi tằm. HTX cũng đã tổ chức cho nhiều lượt nông dân đến các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất tơ tằm, các địa phương phát triển mạnh về nghề nuôi tằm để học nghề và liên kết đầu ra. Tuyển chọn lại giống dâu phù hợp, áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến như: Mô hình "3 giảm, 3 tăng" (ICM); mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (IPM)…

Nhờ những thay đổi trên, nhiều người dân trên địa bàn xã Quảng Sơn  đã nâng cao chất lượng nghề trồng dâu, nuôi tằm. Đó cũng là tiền đề quan trọng để người dân nơi đây tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Sơn trồng dâu, nuôi tằm theo hướng “3 giảm, 3 tăng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO