Qua đối thoại giữa doanh nghiệp và ngân hàng: Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiếp cận tín dụng

Nguyễn Lương| 16/10/2014 09:44

Thông qua các hội nghị về đối thoại, chuyên đề tiếp cận tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn đã, đang được tháo gỡ, một số doanh nghiệp được ký cam kết hỗ trợ vốn vay…

ADQuảng cáo

Còn nhiều vướng mắc trong vay vốn

Mới đây, tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp, ngân hàng, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Yên Định (Gia Nghĩa) đã nêu những thắc mắc về giá trị của tài sản thế chấp. Theo ông Hùng thì hiện tại doanh nghiệp đang có hợp đồng xây dựng gần 10 tỷ đồng.

Để đủ vốn triển khai, đơn vị đã cầm cố tài sản bao gồm đất, xe, nhà ở, vườn rẫy nhưng về phía ngân hàng thẩm định và chỉ cho vay được hơn 1 tỷ đồng. Trong khi, nhu cầu vay của doanh nghiệp là khoảng 3 tỷ đồng nên rất khó để triển khai dự án.

Ông Hùng cho biết: “Với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, trong 5 năm liền không có nợ xấu nên chúng tôi mong muốn về phía ngân hàng cần có cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn nhiều hơn”.

Cũng gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu An Phong (Đắk R’lấp) đã nêu lên một số “rào cản” hiện tại đang gặp phải. Theo đại diện của doanh nghiệp này thì hiện nay, đơn vị đang mở rộng quy mô sản xuất, chế biến mặt hàng tiêu, cà phê tại Đắk Song với doanh số thu được dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng/năm. Để triển khai dự án thành công, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để xây dựng cơ bản các hạng mục, trang thiết bị. Khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là nguồn vốn lưu động.

Ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Phong cho biết: “Để triển khai dự án, doanh nghiệp đã thế chấp rất nhiều tài sản vào ngân hàng. Vậy nhưng, về phía ngân hàng hiện định giá giá trị tài sản quá thấp nên làm ảnh hưởng đến vấn đề tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng. Do vậy, chúng tôi đề nghị các ngân hàng thương mại nên nhờ một bên thứ 3 định giá độc lập với mục đích định giá chính xác tài sản cố định của doanh nghiệp, còn tỷ lệ cho vay bao nhiêu tùy thuộc vào các ngân hàng”.

Ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: “Ngoài những vướng mắc các doanh nghiệp đang gặp phải, Hiệp hội cũng hy vọng về phía ngân hàng nên vận dụng tối đa các chính sách, điều kiện mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi cho doanh nghiệp vay vốn. Cụ thể như triển khai cho vay tín chấp, có cơ chế linh hoạt trong xử lý thủ tục, hồ sơ, điều kiện vay vốn…”.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

ADQuảng cáo

Thực tế, thông qua các buổi đối thoại, chuyên đề và tiếp cận tín dụng, không chỉ là điều kiện để doanh nghiệp đưa ra những vướng mắc, mà các tổ chức tín dụng giải đáp trực tiếp thắc mắc, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong vấn đề tiếp cận vốn tín dụng.

Theo ông Lại Minh Hiếu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư-Phát triển Đắk Nông thì thời gian qua, đơn vị thường xuyên chủ động tiếp cận, đối thoại với các doanh nghiệp thông qua các hội thảo, hội nghị và các buổi làm việc trực tiếp, nhằm nắm bắt nhu cầu vay vốn của khách hàng, cũng như có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn tín dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp vẫn gặp trục trặc. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp được tiếp cận giới thiệu các gói tín dụng có tính ưu đãi về lãi suất nhưng vấn đề tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng lại không đáp ứng được điều kiện vay theo quy định, do vốn tự có tham gia đầu tư vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế, không có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả... Trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục tổ chức các chuyên đề tiếp cận tín dụng, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn.

Ông Nguyễn Hồ Hữu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: “Hiện nay, để tăng nguồn vốn tín dụng, các tổ chức tín dụng đã, đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng thông qua các buổi thoại doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm, toàn ngành đã tổ chức được gần 10 hội nghị đối thoại chuyên đề về tiếp cận tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Bởi thông qua các buổi đối thoại, doanh nghiệp có dịp để chia sẻ những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động liên quan đến hệ thống ngân hàng.

Còn về phía ngân hàng, đây là cơ hội để tiếp cận các doanh nghiệp, nghe những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, từ đó, xem xét cho vay vốn hoặc điều chỉnh giảm lãi suất vay”. Cũng theo ông Hữu thì thông qua các cuộc đối thoại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã được phía ngân hàng ký kết, triển khai gói hỗ trợ, tiếp cận vốn, với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. 

Mặc dù quy mô và số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ còn ít, nhưng hiệu quả bước đầu đã được thể hiện tương đối rõ nét, từng bước, giúp doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn về vốn và chi phí lãi vay, từ đó, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…

Có thể nói, việc các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng đang còn rất nhiều vướng mắc. Để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp “dòng” vốn đến tận tay doanh nghiệp, các ngân hàng cần chủ động, linh hoạt trong cơ chế, chính sách cho vay. Riêng về doanh nghiệp cần xây dựng phương án kinh doanh phù hợp với năng lực tài chính. Một số đơn vị đã tiếp cận được nguồn vốn, cần có kế hoạch chi tiết để sử dụng nguồn vốn vay thật sự hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qua đối thoại giữa doanh nghiệp và ngân hàng: Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiếp cận tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO