Phòng trừ sâu bệnh hại tiêu vào cuối mùa mưa

Văn Tâm| 01/11/2013 09:46

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT thì hiện nay đang là giai đoạn cuối mùa mưa và thời tiết đang có dấu hiệu giao mùa nên cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại hồ tiêu, nhất là bệnh thối thân, thối rễ, tuyến trùng, rệp sáp...

ADQuảng cáo

Việc phát hiện sớm, phòng trừ triệt để các loại sâu bệnh là vấn đề cần thiết để bảo đảm cho cây tiêu sinh trưởng, phát triển bình thường, có năng suất cao, ổn định. Vì vậy, nông dân cần chú ý tăng cường các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây hồ tiêu.

Nông dân chú ý phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình, kỹ thuật sẽ giúp vườn tiêu phát triển tốt

Theo đó, vào những tháng giữa và cuối mùa mưa, trong vườn tiêu thường xuất hiện bệnh thối thân, thối rễ, là bệnh rất nguy hiểm, do nấm Phytophthora gây hại. Nấm bệnh có thể xâm nhập bất kỳ chỗ nào ở gốc, thân và rễ, tạo thành vết biến màu và ướt.

Khi cây mới nhiễm bệnh, cắt ngang gốc thân và rễ cái thấy phần lõi gỗ không còn trắng tươi mà đã ngả sang màu vàng xỉn hoặc nâu nhạt. Lâu ngày, bộ phận bị bệnh nằm trong đất tiếp tục bị rất nhiều sinh vật hoại sinh và bán kí sinh gây hại, làm cho toàn bộ lõi thân, rễ dần dần thối mục.

Trong một số trường hợp, nấm đồng thời xâm nhập và gây hại ở gốc rễ và thân, lá. Lá bệnh chuyển vàng rồi sang màu đen, khô rồi rụng; thân, cành bị bệnh cũng dần thâm đen, thối và tháo đốt. Trong những trường hợp này thì cây tiêu thường chết trong vòng 1- 2 tháng.

Biện pháp phòng bệnh quan trọng là bón phân cân đối từng thời kỳ sinh trưởng của cây; phải làm rãnh thoát nước tốt, tránh không để vườn tiêu bị úng; kịp thời trừ rệp sáp, tuyến trùng hại rễ. Khi vườn tiêu bị bệnh cần tiến hành xử lý bằng các loại thuốc như Ridomil Gold 68 WP, Vimonyl 72 WP, Fortazep 72 WP..., kết hợp với phân bón lá như Yogen 4; phun 2- 3 lần vào đầu mùa mưa, mỗi lần cách nhau 15- 20 ngày với liều lượng 25g/8 lít nước.

ADQuảng cáo

Nếu bệnh quá nặng nên kết hợp với tưới vào gốc và phun lên cây. Chú ý khi phun thuốc cần phun thật kỹ, ướt đều trong thân, cành, lá. Ðiều cần lưu ý là bệnh thối thân, thối rễ trên cây tiêu hiện nay chưa có thuốc đặc trị để xử lý, chỉ phòng là chính.

Ðối với hiện tượng rệp sáp gây hại thường sống thành từng đám ở dưới mặt lá, trên dây, trên đọt non, trên chùm bông, chùm quả. Rệp chích hút dịch nhựa của cây làm cho tiêu cằn cỗi, khô héo không phát triển được.

Ðể phòng trừ cần theo dõi thường xuyên, phát hiện kịp thời sự xuất hiện của rệp; vệ sinh vườn tiêu, diệt cỏ dại, thu gom các xác thực vật sau thu hoạch. Khi mật độ rệp cao có thể sử dụng một số loại thuốc hóa học để diệt trừ như Basudin, Supathion, Supracide...

Ðối với rệp hại ở gốc rễ thì sử dụng thuốc nước như Suprathion, Supracide…pha với nước theo liều lượng chỉ dẫn để tưới cho tiêu.

Ngoài ra, bệnh tuyến trùng gây hại rễ tiêu có rất nhiều loại, trong đó chủ yếu là loại nội ký sinh. Số lượng tuyến trùng tăng dần trong mùa nắng. Tuy tuyến trùng trong đất rất nhiều, nhưng không phải lúc nào chúng cũng gây hại cả, nếu chúng ta đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sạch cỏ dại, đầy đủ nước, phân bón cân đối hợp lý thì sẽ giúp cho cây tiêu sinh trưởng phát triển tốt, ngăn tuyến trùng xâm nhập gây hại.

Khi tuyến trùng đã xâm nhập gây hại thì sử dụng một số thuốc hóa học như Vifuran, Marshal để trừ, thông thường có thể xử lý thuốc 2 lần trong năm, lần 1 vào đầu mùa mưa để giữ cho bộ rễ khỏe mạnh trong mùa mưa, lần 2 vào đầu mùa khô là lúc quả phát triển mạnh, cây ít nhiều suy yếu.

Cách xử lý đối với thuốc hạt Vifuran là đào quanh bên trong theo hình chiếu tán rộng 10 cm, sâu 5 cm rải lượng thuốc liều lượng chỉ dẫn, hoặc trộn với phân chuồng cùng bón khi chăm sóc. Cách xử lý đối với thuốc nước Marshal, đào quanh bên trong theo hình chiếu tán rộng 10 cm, sâu 5 cm tưới với lượng nước thuốc đã pha với nồng độ theo hướng dẫn trên toa, sau đó lấp đất lại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng trừ sâu bệnh hại tiêu vào cuối mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO