Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng lan tỏa

Lê Dung| 01/07/2019 10:44

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi đang ngày càng lan tỏa trong xã hội, tạo ra nhiều điểm nhấn tích cực, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Nông dân đã mạnh dạn và sáng tạo

Cùng với việc chú trọng về giống cây, con, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trồng trọt theo hướng hữu cơ bền vững và kết hợp chăn nuôi bò sinh sản của bà Lê Thị Kim Liên, ở thôn 17, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) là một ví dụ.

Bà Lê Thị Kim Liên, ở thôn 17, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) áp dụng mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ

Gia đình bà hiện có 18 ha trồng các loại cây nông nghiệp dài ngày và cây ăn trái. Nhiều năm nay, hộ bà Liên đã phối hợp với Tập đoàn Nestlee để sản xuất cà phê sạch. Cũng chính nhờ sự phối hợp này mà gia đình bà đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch. Trên cơ sở đó, gia đình bà đã nỗ lực để trồng thêm 5 ha hồ tiêu theo hướng hữu cơ sinh học.

Về kỹ thuật chăm sóc phải tuân thủ theo quy trình: Bón phân cho hồ tiêu một cách cân đối, tạo hệ thống thoát nước tốt, bảo vệ bộ rễ không bị tổn thương, hạn chế được bệnh tuyến trùng, dùng phân bón hữu cơ và thảo mộc để chăm sóc cho cây tiêu... Hiện tại, trang trại đang ký hợp đồng cung ứng 10 tấn tiêu sạch/năm cho Công ty sản xuất gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh) để làm nguyên liệu xuất khẩu sang các nước châu Âu. Giá hồ tiêu mà gia đình bà đang bán cao so với thị trường từ 20-30%.

Bên cạnh đó, bà Liên cũng đã cải tạo và trồng xen thêm nhiều loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, mít, cam… Trong đó, các giống bơ 034, bơ tứ quý đang được gia đình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP. Mô hình sản xuất của gia đình bà được nhiều bà con trong vùng học tập, liên kết, nhân rộng thành các tổ hợp tác để cùng nhau sản xuất ra sản phẩm sạch như: cà phê sạch, bơ VietGAP, tiêu sinh thái…

Tương tự, gia đình ông Bùi Đức Hàn, ở thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô) hiện có 4 ha trồng lúa và ngô. Để bảo đảm cho việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thời gian qua, gia đình ông đã mạnh dạn đưa các cây trồng mới có giá trị kinh tế và khả năng kháng bệnh cao vào trong sản xuất như: các giống ngô 7328, 6326, VN61; các giống lúa RVT, VF1, Bắc thơm số 7, ST24…

ADQuảng cáo

Riêng đối với cây lúa, mỗi năm gia đình ông canh tác được 3 vụ, với năng suất đạt 8 tấn/ha. Tổng thu nhập bình quân của hộ ông Hàn hàng năm đạt gần 580 triệu đồng. Để tăng thêm giá trị sử dụng đất, cũng như thu nhập, ông Hàn đã chuyển đổi một số diện tích sang trồng chanh dây xen với đinh lăng và đang sinh trưởng tốt. Nếu kết quả thuận lợi, trong những năm tới, nguồn thu của gia đình ông sẽ còn tăng thêm rất nhiều.

Ông Hàn chia sẻ: "Cùng với việc lựa chọn cây, con phù hợp, người dân cần phải tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi. Ngoài ra, người nông dân cũng phải có sự liên kết với nhau vào cùng 1 tổ hợp tác, hợp tác xã và ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm hàng hóa…".

Xu thế nông dân có kỹ năng quản lý, sản xuất

Gia đình bà Liên, ông Hàn chỉ là những trường hợp cụ thể trong hàng ngàn hộ gia đình SXKD giỏi trên địa bàn tỉnh hiện nay. Theo Hội Nông dân tỉnh, trong 5 năm qua (2013-2018), phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trên địa bàn tỉnh đang được nâng cao cả về chất lượng và hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 20.301 hộ nông dân SXKD giỏi. Bình quân mỗi năm, số hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp trên địa bàn tỉnh tăng 3,5%.

Các địa phương trong tỉnh cũng đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất có quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến với vốn đầu tư hàng tỷ đồng. Một số địa phương có tỷ lệ hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cao như: Đắk Mil, Đắk R’lấp, Cư Jút. Cùng với đó, nhiều hội nông dân cấp cơ sở đã tích cực tổ chức thực hiện tốt phong trào như: xã Đức Minh (Đắk Mil), Nhân Cơ (Đắk R’lấp), Tâm Thắng (Cư Jút), Đắk D’rô (Krông Nô), phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa)… Đặc biệt, thu nhập bình quân của hộ SXKD giỏi cấp tỉnh ngày càng tăng cao, từ 96 triệu đồng/hộ/năm 2012 lên 289 triệu đồng/hộ/năm 2018. 

Phong trào nông dân SXKD giỏi đã tạo ra những “hiệu ứng” tích cực, thúc đẩy quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Nhiều nông dân biết ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, theo hướng trang trại, gia trại, nông lâm kết hợp và phát triển một số cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao như khoai lang Nhật Bản, chanh dây, hoa, các cây ăn quả…

Cũng từ nền tảng hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, nhiều trang trại được khởi nghiệp và thành lập. Tính đến năm 2018, toàn tỉnh đã có 1.125 trang trại để liên kết, thực hiện đồng bộ từ khâu xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng đến khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 45.000 lượt hộ nghèo được hướng dẫn, giúp đỡ đã từng bước vươn lên thoát nghèo…

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thời gian tới, các cấp hội nông dân sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua. Trong đó, tập trung nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh của nông dân theo chuỗi giá trị, phấn đấu hình thành thế hệ người nông dân mới có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp. Qua đó góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng lan tỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO