Phòng hạn hán mùa khô 2020: Cư Jút triển khai phương án cứu cây trồng chủ lực

Lê Phước| 14/02/2020 14:06

Nhận định tình hình hạn hán diễn ra sớm và khốc liệt, huyện Cư Jút đã triển khai các giải pháp phòng chống hạn. Trong đó, huyện ưu tiên chuyển đổi sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, hạn chế trồng lúa để tiết kiệm nước tưới.

ADQuảng cáo

Hồ cạn, ruộng "khát nước"...

Mới vào những ngày đầu tháng 2/2020, nhưng hồ Ea Dier, ở xã Đắk D’rông (Cư Jút) đã rơi vào tình trạng hết nước. Mực nước trong hồ đã xuống "mức chết", không thể tự chảy qua cống đầu mối để xuống cánh đồng lúa hơn 10 ha phía dưới.

Hồ Ea Dier có dung tích chứa trên 315.000m3 nước, quy mô tưới cho khoảng 60 ha (trong đó lúa nước khoảng 26 ha) cây trồng. Đây là công trình thủy lợi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên. Trong khi đó, mùa mưa năm 2019 đến muộn, mưa ít và kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm, nên đến cuối tháng 10/2019, hồ chỉ tích được nước khoảng 30% dung tích.

Công trình thủy lợi hồ Ea Dier, xã Đắk D’rông đã xuống mực nước chết.

Theo Chủ tịch UBND xã Đắk D’rông Trần Văn Thành, nhận định tình hình nguồn nước gặp nhiều khó khăn, chính quyền địa phương đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh huyện Cư Jút tuyên truyền, vận động người dân không gieo trồng ở những ruộng chân cao. Sau khi tính toán nguồn nước có khả năng phục vụ khoảng 10 ha lúa, địa phương đã vận động người dân gieo trồng sớm. Hiện toàn bộ diện tích lúa này có đủ nước nên phát triển tốt, đang chuẩn bị thu hoạch.

Tại hồ Cư Pu, xã Nam Dong, mực nước hiện tại cũng xuống khá thấp. Nếu như cuối tháng 12/2019, công trình tích nước được 60% dung tích thiết kế (531.000m3) thì đến giữa tháng 2/2020, lượng nước trong hồ chỉ còn khoảng 32%. Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh huyện Cư Jút, do hồ Cư Pu không có nguồn nước chống hạn, nên dự kiến đến cuối tháng 2/2020, công trình thủy lợi này sẽ lâm vào tình trạng thiếu nước. Điều này đồng nghĩa với khoảng 40 ha lúa nước và 152 ha cây trồng khác xung quanh hồ Cư Pu đứng trước nguy cơ xảy ra hạn.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh huyện Cư Jút cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 9 công trình thủy lợi (trong đó có 8 hồ chứa, 1 trạm bơm) do đơn vị quản lý, vận hành. Tính đến ngày 12/2/2020, tổng dung tích các hồ chứa đạt gần 6 triệu m3 nước. Ngoài hồ Ea Dier đã hết nước và hồ Cư Pu còn 32%, mực nước tại một số công trình thủy lợi đã xuống rất thấp, như: hồ Trúc Sơn (10%), hồ Đắk D’rông (57%), hồ Tiểu khu 839 (59%). Riêng tại trạm bơm Ea Pô phụ thuộc vào nguồn nước ngầm, nên nếu nắng nóng kéo dài thì mực nước sẽ sụt giảm, trạm bơm không đủ khả năng đáp ứng nước tưới vào khoảng cuối tháng 3/2020.

ADQuảng cáo

Mực nước trong hồ Trúc Sơn, xã Trúc Sơn chỉ còn khoảng 10%.

Dồn nước cứu cây chủ lực

Trong vụ đông xuân 2019 - 2020, huyện Cư Jút có trên 3.400 ha cây trồng có kế hoạch cung ứng dịch vụ tưới, tiêu, cấp nước. Trong số này có trên 2.300 ha cây công nghiệp dài ngày, gần 1.000 ha lúa nước và còn lại là cây ngắn ngày, diện tích nuôi trồng thủy sản. Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, hiện phần lớn diện tích lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Các diện tích cây công nghiệp dài ngày đang bước vào đợt tưới thứ 3.

Trong thời gian tới, nếu tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài thì tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ diễn ra tại các công trình thủy lợi: Trúc Sơn, Cư Pu, Đắk D’rông, Tiểu khu 839 và Trạm bơm Ea Pô. Toàn huyện Cư Jút dự kiến sẽ có khoảng trên 700 ha cây trồng có khả năng bị ảnh hưởng do hạn hán. Trong số này, có khoảng trên 250 ha (50 ha lúa, hơn 200 ha cây khác) không có biện pháp chống hạn.

Khô hạn đã bắt đầu diễn ra trên một số diện tích lúa tại xã Đắk D’rông và Nam Dong.

Ông Đỗ Duy Nam, Phó phòng Nông nghiệp - PTNT Cư Jút cho hay, tình hình khô hạn có nguy cơ diễn ra gay gắt, nên địa phương đã sớm chủ động xây dựng phương án phòng, chống hạn. Ngành Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh huyện Cư Jút và các xã rà soát, khống chế diện tích gieo trồng để khuyến cáo người dân. Nhìn chung, phần lớn người dân thực hiện tốt khuyến cáo của ngành chức năng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân đầu vụ đông xuân vẫn xuống giống tại những vùng thiếu nước, nên lâm vào cảnh không có nước sản xuất. "Hiện khô hạn đã xảy ra tại nhiều diện tích lúa nước trên cánh đồng Ea Dier và Cư Pu. Ngành Nông nghiệp địa phương đã vận động bà con bỏ ngang những diện tích lúa này. Quan điểm của địa phương là nỗ lực tiết kiệm nước tưới, ưu tiên cho các cây công nghiệp dài ngày", ông Nam chia sẻ.

Trước tình hình nắng nóng tiếp tục diễn biến phức tạp, ông Lê Viết Thuận, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho hay: Hiện chúng tôi đang tích cực kiểm tra, xây dựng phương án phòng, chống hạn cho từng công trình, từng diện tích để có phương án điều tiết hợp lý nhất. Đối với các công trình, khu tưới có nguy cơ xảy ra cục bộ, chúng tôi đã rà soát, xây dựng kế hoạch sử dụng máy bơm dã chiến bơm lượng nước "chết" trong các lòng hồ để chống hạn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân sử dụng nước tưới hợp lý, tiết kiệm, hạn chế thất thoát, lãng phí để dồn sức cứu những diện tích cây trồng có khả năng cứu được và đặc biệt là những diện tích cây công nghiệp dài ngày.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng hạn hán mùa khô 2020: Cư Jút triển khai phương án cứu cây trồng chủ lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO