Phát triển ngành chăn nuôi hài hòa với kinh tế, xã hội và môi trường

Hồng Thoan thực hiện| 05/05/2021 09:37

Nhiều năm nay, lĩnh vực chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phát triển khá nhanh, nhiều trang trại quy mô lớn được xây dựng đi vào hoạt động khiến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lo ngại về nguy cơ mất an toàn, thiếu ổn định. Xung quanh nội dung này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT.

ADQuảng cáo

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông

PV: Thưa ông, đàn heo của tỉnh đang phát triển khá nhanh liệu có dẫn đến các hệ lụy?

Ông Phạm Tuấn Anh: Khoảng 2 năm trở lại đây, lĩnh vực chăn nuôi heo của tỉnh phát triển mạnh. Đến cuối năm 2020, tổng đàn heo của tỉnh đạt khoảng 250.000 con, tăng 60.500 con so với năm 2019. Dự kiến đến hết năm 2021, đàn heo của tỉnh tăng lên khoảng 274.000 con.

Quy mô đàn heo tăng nhanh góp phần bảo đảm nguồn cung cho thị trường và từng bước bình ổn giá thịt heo trong tỉnh cũng như cả nước. Tuy nhiên, việc đàn heo phát triển mạnh trong bối cảnh vẫn xảy ra dịch tả heo châu Phi, khiến không ít người lo ngại có thể xảy ra các nguy cơ mất an toàn.

PV: Ngoài yếu tố dịch bệnh, theo ông vấn đề lo ngại nhất hiện nay đối với ngành chăn nuôi heo là gì?

Ông Phạm Tuấn Anh: Đàn heo của tỉnh tăng nhanh có thể lên đến hàng chục ngàn con mỗi năm. Do đó, nếu không có sự cẩn trọng, tính toán đầy đủ các yếu tố về quy hoạch đất đai, rất dễ dẫn đến những hệ lụy. Đó là có thể làm mất cân đối quy hoạch đất đai cho chăn nuôi với trồng trọt, lâm nghiệp, đất phục vụ phát triển văn hóa, xã hội. Hoặc vấn đề về bảo đảm các yếu tố xử lý chất thải và nguy cơ thiệt hại nặng nề nếu xảy ra tình hình dịch bệnh, mất cân đối cung, cầu...

PV: Để hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra, ngành Nông nghiệp đang triển khai những nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?

Ông Phạm Tuấn Anh: Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tích cực xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi heo.

ADQuảng cáo

Chiến lược phát triển chăn nuôi được tính toán đầy đủ các yếu tố để không bị chồng chéo, có khả thi cao. Hiệu quả chăn nuôi phải gắn với tái cơ cấu toàn ngành Nông nghiệp của tỉnh. Nguyên tắc chung là chăn nuôi phải hài hòa với các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường. Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm, phát huy vai trò của mình trong việc hướng dẫn UBND các huyện, thành phố trong công tác theo dõi, giám sát tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi heo đúng quy định hiện hành.

Nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt được ngành Nông nghiệp đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Ngành Nông nghiệp thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thông qua tiêu độc khử trùng, phát hiện mầm bệnh, kiểm soát giết mổ, mua bán, vận chuyển sản phẩm từ thịt heo.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi heo an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng sản phẩm, tính bền vững trong sản xuất.

Chăn nuôi heo khép kín tại HTX Đồng Tiến, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp)

PV: Theo ông, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển chăn nuôi heo bền vững?

Ông Phạm Tuấn Anh: Ngoài ngành Nông nghiệp, sự phối hợp tích cực giữa các sở, ngành, địa phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với lĩnh vực chăn nuôi. Chẳng hạn, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tham mưu chủ trương đầu tư các trang trại chăn nuôi heo phải kiểm tra, đánh giá chính xác, toàn diện về vị trí. Các trang trại phải bảo đảm định hướng phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 và khu vực phát triển chăn nuôi tập trung ở các địa phương.

Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ tăng cường phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi heo, nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi về bảo vệ môi trường, đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Các huyện, thành phố cần phát huy vai trò hơn nữa trong hoạt động kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi heo chỉ được xây dựng khi đã hoàn thành các thủ tục về đất đai, môi trường. Các cấp, ngành, đoàn thể phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm chăn nuôi an toàn, hiệu quả... Do đó, sự phối hợp, liên kết giữa các sở, ngành, địa phương là hết sức cần thiết, đem lại nhiều thuận lợi đối với lĩnh vực chăn nuôi.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển ngành chăn nuôi hài hòa với kinh tế, xã hội và môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO