Phát triển diện tích cây ăn quả ở nông hộ theo hướng bền vững: Giúp nông dân nâng cao thu nhập

Văn Tâm| 19/09/2018 10:01

Đắk Nông là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng nhiều vùng phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây ăn quả. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả của người dân vẫn diễn ra tự phát, manh mún, thiếu quy hoạch tập trung dẫn đến những khó khăn trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

ADQuảng cáo

Cây vải thiều mang lại thu nhập cao cho người dân xã Buôn Choáh (Krông Nô)

Những năm qua, ngoài những nhà vườn, trang trại thì một số loại cây ăn quả đang mang lại nguồn thu đáng kể cho các nông hộ. Gia đình ông Cao Thanh Ba, ở thôn Tân Phú, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) chỉ có vỏn vẹn 3 cây bơ trồng trong vườn cà phê, nhưng mỗi vụ bán cũng được 3 đến 4 triệu đồng. Còn có những hộ trồng dăm, ba cây sầu riêng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu nhưng mấy năm gần đây, thương lái đến trực tiếp tận vườn đặt cọc tiền ngay từ đầu mùa vụ.

Với quan điểm "lấy ngắn nuôi dài", trồng đa cây trên cũng diện tích, mỗi năm, nhiều nông dân cũng có thêm một khoản thu từ các loại cây ăn quả trồng xen. Tuy nhiên, hình thức này cũng chỉ phù hợp với kiểu trồng "chơi", được chăng, hay chớ chứ chưa mang yếu tố bền vững.

Với giá trị mà cây ăn quả mang lại, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đang tập trung phát triển một số loại sản phẩm cây ăn quả chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, giá trị cao, phù hợp với điều kiện như: Sầu riêng, bơ, cây có múi (cam, quýt, bưởi); đồng thời, phát triển thêm một số sản phẩm cây ăn quả có lợi thế ở từng tiểu vùng như xoài, nhãn ở Đắk Mil, Cư Jút; mít ở Đắk Song, Đắk R’lấp; măng cụt ở Gia Nghĩa, Đắk Glong.

ADQuảng cáo

Theo đó, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ đưa cây ăn quả trở thành một cây trồng chính. Trên cơ sở cải tạo đất vườn tạp thành vườn kinh tế, khai hoang những diện tích đất đồi chưa sử dụng, tỉnh chú trọng phát triển trồng cây ăn quả xen trong các vườn cây công nghiệp lâu năm và thay thế một phần diện tích cây điều, cà phê kém hiệu quả. Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng tập trung tuyển chọn loài cây ăn quả chất lượng cao, phù hợp điều kiện sinh thái từng địa phương; gắn xây dựng các vườn cây ăn quả, trang trại cây ăn quả với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu của du khách và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Cây xoài trở thành cây trồng chủ lực của người dân xã Đắk Gằn (Đắk Mil)

Để thực hiện được mục tiêu trong điều kiện thực trạng sản xuất như hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động phát triển có sự tham gia của nông hộ gắn kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng đến các nhóm đồng sở thích, các tổ hợp tác, hợp tác xã cùng sản xuất một loại cây trồng liên kết với doanh nghiệp. Từ đó, các nông hộ mới thật sự tạo ra được sản phẩm có giá trị kinh tế cao, cung cấp được cho các thị trường “khó tính” để nâng cao thu nhập, hướng đến xóa đói, giảm nghèo.

Hiện nay, Đắk Nông có khoảng 7.000 ha cây ăn quả các loại. Để nâng tầm giá trị cây ăn quả, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm cây ăn quả đặc sản như sầu riêng Đắk Mil, xoài Đắk Gằn (Đắk Mil), quýt đường Gia Nghĩa, chanh dây Đắk Glong; chú trọng quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm cây ăn quả. Định hướng đến năm 2020, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt khoảng 8.000 ha, sản lượng 240.000 tấn.

Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT thì trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng các dự án quy hoạch chi tiết phát triển cây ăn quả tại các địa phương trên cơ sở quy hoạch chung về xây dựng vùng sản xuất nông sản thực phẩm (cây ăn quả) tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương sẽ tiếp tục nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ về giống; xây dựng các vườn cây đầu dòng, nghiên cứu các giống cây ăn quả mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh. Ngoài ra, cùng với việc tổ chức cho người dân tham quan các mô hình điểm thì việc xây dựng liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ, sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) cũng được chú trọng thực hiện đồng bộ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển diện tích cây ăn quả ở nông hộ theo hướng bền vững: Giúp nông dân nâng cao thu nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO