Phát triển cây dược liệu để đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp

Thanh Nga| 08/07/2020 09:21

Để phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa, thời gian qua, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã tập trung phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Đến nay, việc phát triển cây dược liệu diễn ra thuận lợi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

ADQuảng cáo

Với lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp cho cây dược liệu, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Krông Nô đang triển khai 2 mô hình về trồng sâm cau và đinh lăng. 

Hội Nông dân huyện Krông Nô hỗ trợ các hộ dân xã Nam Đà giống cây sâm cau

Đây là 2 loại cây trồng được đánh giá khá phù hợp với điều kiện trồng và chăm sóc của nông dân. Trong đó, mô hình trồng cây đinh lăng theo dạng liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai trên diện tích 10 ha. Đinh lăng sẽ được cung cấp cho các công ty sản xuất các sản phẩm trà đinh lăng, cao đinh lăng, nguyên liệu dược phẩm. Hiện nay, đã có 34 hộ dân tại các xã Nâm Nung, Tân Thành, Đắk Drô, Đắk Sôr tham gia trồng đinh lăng. Các hộ trồng xen đinh lăng trong vườn cà phê, hồ tiêu. Cây đinh lăng đang sinh trưởng, phát triển bình thường.

Còn mô hình phát triển sâm cau dưới tán cây công nghiệp và tán rừng tạo sinh kế cho người dân được huyện triển khai trồng thử 5 sào tại vườn rẫy của 11 hộ ở xã Đắk Sôr và xã Nam Đà. Thực tế, cây sâm cau sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Krông Nô đang xây dựng kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích sâm cau. Ngoài ra, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Đắk Nông phối hợp với Hội Nông dân huyện triển khai 3 mô hình trồng sâm cau cho 3 hộ dân tại các xã.

ADQuảng cáo

Các mô hình trồng cây dược liệu được nông dân tích cực hưởng ứng tham gia. Theo anh Nguyễn Thanh Nhân, thôn Nam Hiệp, xã Nam Đà, được Hội Nông dân huyện Krông Nô cấp 3.500 cây sâm cau giống. Gia đình anh đã tận dụng đất trống dưới gốc bơ để trồng sâm cau. Cây sâm cau dễ trồng hơn các cây dược liệu khác và trồng xen sẽ giúp vườn cây hạn chế cỏ mọc. Sâm cau trồng và chăm sóc tốt thì sau 3 năm cho khoảng 0,5 kg rễ tươi/gốc. Hiện nay, giá thị trường rễ sâm cau khoảng 70.000 đồng/kg tươi. "Chúng tôi hy vọng cây sâm cau sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”, anh Nhân chia sẻ.

Anh Đinh Ngọc Bảng, thôn Nam Thành, xã Nam Đà, cũng được Hội Nông dân huyện Krông Nô hỗ trợ 3.560 cây sâm cau giống cùng phân bón và lưới che. Gia đình anh dã trồng toàn bộ giống cây sâm cau xen trong vườn cam, quýt, chôm chôm. Sau 1 tháng, sâm cau đã bén rễ, phát triển xanh tốt, số cây chết rất ít. Ngoài trồng sâm cau, năm 2019, gia đình anh cũng đã phá bỏ vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp để trồng đinh lăng. Anh cũng trồng đinh lăng xen trong vườn cây ăn trái.

"Qua tìm hiểu thấy trên địa bàn huyện người ta thu mua lá, cành, rễ đinh lăng với giá từ 12.000 - 30.000 đồng/kg và củ có giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng/1 kg. Tôi thấy so với giá cà phê mấy năm nay thì trồng cây dược liệu có hiệu quả kinh tế hơn. Gia đình vẫn còn đất nên nếu cây dược liệu hiệu quả kinh tế cao sẽ mở rộng diện tích". Anh Đinh Ngọc Bảng, thôn Nam Thành, xã Nam Đà (Kông Nô) cho biết.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô cho biết, việc triển khai các mô hình trồng dược liệu là một trong những khâu quan trọng để địa phương hình thành vùng dược liệu và đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Việc trồng xen cây dược liệu trong vườn rẫy, dưới tán rừng là một giải pháp hiệu quả, giúp người dân nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Khi các mô hình trồng cây dược liệu thành công, huyện sẽ nhân rộng với mục tiêu tạo nên chuỗi giá trị liên kết sản xuất bền vững từ đầu vào tới đầu ra, trong đó tập trung phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cây dược liệu để đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO