Phát triển cây ăn quả theo vùng lợi thế

Hồng Thoan| 21/03/2018 10:53

Phát huy thế mạnh về đất đai, khí hậu, thời gian qua người dân trên địa bàn các huyện, thị xã của Đắk Nông đã phát triển cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhiều hộ gia đình, trang trại cho thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng/ha/năm, thậm chí trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

ADQuảng cáo

Tăng nhanh về diện tích

Theo thống kê, những năm qua, diện tích trồng cây ăn quả của Đắk Nông liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh mới có khoảng 3.494 ha thì đến năm 2016 đã tăng lên 6.473 ha và hiện nay khoảng 7.000 ha. Trong đó, tăng nhiều nhất là về các loại cây trồng gồm: Sầu riêng; xoài và cam quýt. Hầu hết diện tích cây ăn quả của Đắk Nông được trồng chuyên canh, số trồng thuần chiếm tỷ lệ nhỏ. Thực tiễn cho thấy cả hai hình thức canh tác này đều đã và đang mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nông dân.

Mỗi năm vườn cam, quýt 7 ha mang về cho gia đình ông Nguyễn Minh Hùng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) mức lãi khoảng 3 tỷ đồng, nhưng các sản phẩm hiện vẫn chưa có thương hiệu.

Đắk Mil cũng là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn của tỉnh. Toàn huyện hiện có khoảng 1.100 ha cây ăn trái các loại như xoài, sầu riêng, bơ... Những loại cây này đã cho hiệu quả kinh tế tương đối cao, đặc biệt là xoài, bơ booth với giá trị bình quân khoảng 300 triệu/ha. Tương tự, thị xã Gia Nghĩa cũng là môt trong những địa phương có thế mạnh về phát triển cây ăn quả các loại, hiện ở mức trên 330 ha, trong đó cây có múi như cam, quýt, sầu riêng, măng cụt được nhiều hộ trồng thành công. Theo ông Nguyễn Minh Hùng, ở thôn 12, xã ĐắK Nia (Gia Nghĩa) thì trung bình từ 7 ha cam, quýt, hàng năm cho khoảng 280 tấn quả, với giá bán 25 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên, dưới 3 tỷ đồng. Ông Hùng cho biết: “Sản phẩm cam, quýt của gia đình được người tiêu dùng đánh giá là khá ngon nhưng vẫn chưa xây dựng được uy tín trên thị trường, chưa có thương hiệu và nhiều năm chịu cảnh được mùa mất giá”.

Dự thảo Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Ðắk Nông đến năm 2020, định hướng đến 2030 (đề án) xác định: Cây ăn quả đóng vai trò rất tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Ðắk Nông, là nhóm cây trồng tiềm năng và có giá trị kinh tế cao. Theo đó, tỉnh định hướng phát triển cây ăn quả theo các vùng lợi thế, bảo đảm an toàn, bền vững. Dự thảo Ðề án đưa ra mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh đạt 12.059 ha, trong đó 7.866 ha cho thu hoạch, năng suất trung bình khoảng 100 tạ/ ha; đến 2030, nâng diện tích lên mức 18.643 ha, năng suất đạt khoảng 220 tạ/ha. 

ADQuảng cáo

Phát triển theo vùng lợi thế

Tuy tăng về số lượng nhưng nhìn chung việc sản xuất cây ăn quả của tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tính bền vững chưa cao, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, tính cạnh tranh thấp. Các vấn đề về an toàn thực phẩm, bảo quản, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý chưa được chú trọng đúng mức nên giá trị kinh tế, sự bền vững từ sản xuất  cây ăn quả chưa tương xứng với tiềm năng.

Dự thảo Đề án nhấn mạnh các nhóm giải pháp: Hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung, gắn sản xuất với tiêu thụ. Cụ thể như vùng trồng sầu riêng ở Đắk Mil, Gia Nghĩa; vùng trồng xoài ở Đắk Mil; vùng trồng cây ăn quả có múi ở Đắk Glong, Đắk Song và thị xã Gia Nghĩa; vùng trồng chanh dây ở Đắk R’lấp, Đắk Glong, Gia Nghĩa và vùng trồng bơ ở 6 địa phương gồm: Gia Nghĩa, Krông Nô, Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil và Đắk R’lấp. Cơ quan chuyên môn sẽ tuyển chọn các giống cây ăn quả phù hợp, năng suất cao, phẩm chất tốt đưa vào cơ cấu giống. Mỗi địa phương xây dựng 1-2 vườn ươm giống cây ăn quả kiểu mẫu để định hướng về sản xuất giống chất lượng cao.

Một số giống ổi ngon đã được các doanh nghiệp trồng thành công ở Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh thuộc xã Đắk Nia (TX. Gia Nghĩa)

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho rằng phát triển theo vùng sẽ tạo ra lượng hàng hóa dồi dào hơn, dễ tập hợp nông dân theo các nhóm, hợp tác xã để liên doanh liên kết với nhau và với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, một số giống cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh như sầu riêng, bơ được ngành Nông  nghiệp tỉnh công nhận là cây đầu dòng đã phát triển, bổ sung cơ cấu giống trong sản xuất cây ăn trái ở các địa phương. Cụ thể, hiện nay đã có 8 cây sầu riêng ở các xã, thị trấn và cây bơ của gia đình ông Thành Bích ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) đã được công nhận cây đầu dòng. Người dân cần bám vào những địa chỉ này để chọn giống. Ngoài ra, theo ông Dần, để phát huy tốt tiềm năng về cây ăn trái trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, người dân cũng cần đẩy mạnh việc tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân qua hệ thống tưới; ứng dụng kỹ thuật thụ phấn bổ sung khắc phục hiện tượng ra hoa nhưng không đậu quả tại một số vùng trồng tập trung, kỹ thuật bao trái để hạn chế phun thuốc trừ sâu và ruồi đục trái để bảo đảm sản phẩm an toàn. Từ đó, sản phẩm trái cây Đắk Nông mới có thể gây dựng uy tín đối với người tiêu dùng, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cây ăn quả theo vùng lợi thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO