Phát huy tinh thần người lính trên mặt trận kinh tế

Lê Thị Ly Na| 07/08/2019 09:54

Trở về cuộc sống đời thường, không vốn, thiếu kinh nghiệm, nhưng nhờ tinh thần chịu khó học hỏi, dám nghĩ dám làm, nhiều cựu chiến binh ở Đắk Nông đã phát huy bản lĩnh, tinh thần người lính, vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi.

ADQuảng cáo

Ngoài cà phê, cựu chiến binh Lê Giám ở thôn 5, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) còn trồng thêm cao su, hồ tiêu, điều

Từng công tác tại Trung đoàn 498 (Bộ Tư lệnh Đặc công), đến năm 2008, sau khi nghỉ hưu rời quân ngũ, cựu chiến binh Hoàng Văn Phượng (quê ở tỉnh Thái Nguyên) đã cùng gia đình đến sinh sống lập nghiệp ở xã Cư K'nia (Cư Jút).

Thời gian đầu về địa phương còn bỡ ngỡ, không có kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, do vậy kinh tế gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng, với bản chất của người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, với vốn liếng ban đầu, ông Phượng đã mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng đầu tư 2 ha hồ tiêu. Nhờ sự cần cù, chăm chỉ, sau hơn 10 năm lập nghiệp, hiện nay, gia đình cựu chiến binh Hoàng Văn Phượng đã có hơn 10 ha cây công nghiệp các loại, 1 xưởng chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, tạo công việc ổn định cho hơn 20 lao động tại địa phương.

Hiện nay, cựu chiến binh Hoàng Văn Phượng được các đồng chí, đồng đội tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn 5, xã Cư K'nia. Trên cương vị của mình, ông cũng đã có nhiều biện pháp để giúp các đồng đội và người dân địa phương cùng vươn lên.

ADQuảng cáo

Ông Hoàng Văn Phượng cho biết: “Cùng với thường xuyên vận động anh em nâng cao tinh thần hoạt động để xây dựng phong trào hội cựu chiến binh lớn mạnh, tôi cùng các anh em tham gia các hoạt động như sửa chữa đường sá tại địa phương. Dùng chính đồng tiền quỹ của anh em để tự xây dựng và sửa chữa”.

Cũng giống như đồng đội, cựu chiến binh Lê Giám ở thôn 5, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) cũng là một trong những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, có mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.  Năm 1992, sau khi xuất ngũ tại Lạng Sơn, ông cùng gia đình vào sinh sống làm ăn tại xã Kiến Thành. Gia đình ông nỗ lực khai hoang trồng cao su, cà phê, điều và hồ tiêu.

Đến năm 2005, vừa để phục vụ cho cây công nghiệp tại gia đình, vừa để kinh doanh, ông Giám đã mở đại lý phân bón hữu cơ sinh học tại địa phương. Xuất thân là người nông dân nên ông hiểu những khó khăn của bà con, những ai chưa có vốn, hoặc thiếu vốn, ông đều giúp đỡ bằng việc cho ứng phân bón trồng cây không lấy lãi. Từ cách sống tình cảm, cùng chất lượng mặt hàng bán ra đạt tiêu chuẩn nên người lính quê đất thép đã giành được sự quý trọng của mọi người.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, với sự năng động, nhạy bén trong sản xuất, cựu chiến binh Hoàng Văn Phượng và Lê Giám đã trở thành những tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Song song đó, bản thân các cựu chiến binh còn tích cực tham gia các phong trào và giúp đỡ nhiều hội viên khác vươn lên thoát nghèo bền vững và ông hy vọng rằng những tấm gương điển hình tiêu biểu về cựu chiến binh tiêu biểu làm theo gương Bác sẽ không chỉ nằm ở những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính nêu gương mà còn thể hiện ở các hành động nêu gương trên tất cả mọi lĩnh vực. Thông qua các phong trào, các cựu chiến binh ở cơ sở ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tinh thần người lính trên mặt trận kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO