OCOP nâng tầm giá trị trái cây trên thị trường

Thanh Nga| 24/09/2020 11:51

Các sản phẩm trái cây được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã có lợi thế hơn, nhất là trong khâu bảo đảm chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Thế nhưng, các sản phẩm trái cây đạt OCOP vẫn cần nhiều sự hỗ trợ khác để vươn lên đạt quy mô, tiêu chuẩn, chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Tăng tính cạnh tranh

Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông lần thứ I năm 2020, trong đó 4 loại trái cây của 4 trang trại tham gia. Các sản phẩm trái cây này đều được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đánh giá đạt hạng 3 sao. Được chứng nhận OCOP là bước ngoặt quan trọng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trái cây trên thị trường.

Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông lần thứ I năm 2020 đánh giá cao chất lượng các loại trái cây tham gia

Ông Trần Quang Đông, chủ trang trại Gia Ân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), tham gia OCOP với sản phẩm quả măng cụt. Hơn 10 năm nay, măng cụt của trang trại Gia Ân đã vượt tầm chất lượng sản phẩm của một gia đình, tạo được thương hiệu rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Trang trại có 8 ha măng cụt, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 70 tấn quả, với giá trung bình khoảng 80.000 đồng/kg.

Quả măng cụt của trang trại Gia Ân đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GLOBALGAP. Ngoài việc bán lẻ tại các cửa hàng, siêu thị trong nước, quả măng cụt của trang trại còn xuất khẩu sang châu Âu. Dù đã có thương hiệu, nhưng chủ trang trại vẫn quyết định tham gia đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP, vì kỳ vọng vào những giá trị từ chương trình mang lại.

Ông Trần Quang Đông, chủ trang trại Gia Ân chia sẻ: "Quả măng cụt của trang trại đã được chứng nhận GLOBALGAP, tức đủ điều kiện nông sản tốt theo tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu sang thị trường khó tính, nhưng thuộc về riêng của trang trại. Còn đối với sản phẩm được chứng nhận OCOP là chứng nhận thuộc Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm. Tôi đưa sản phẩm măng cụt tham gia chương trình OCOP vì lợi ích của cộng đồng, tức đại diện cho sản phẩm nông nghiệp tốt của xã Đắk Nia".

Cũng theo ông Đông, thời gian qua, quả măng cụt của trang trại chủ yếu bán ở thị trường trong nước và được đón nhận theo chiều hướng tích cực. Vì thế, khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trang trại càng thêm thuận lợi để phát triển cây trồng này. Với hiệu quả kinh tế cao, nên thời gian qua, nhiều hộ dân đã trồng măng cụt. Ông Đông đã chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân trồng măng cụt trên địa bàn xã Đắk Nia, với tổng khoảng 30 ha.

Xã Đắk Nia còn có sản phẩm khác đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Đó là quả sầu riêng của trang trại Gia Trung. Trang trại Gia Trung hiện có 45 ha sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung cho biết, sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nhiều loại cây trồng khác. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch tầm 400 tấn quả sầu riêng, giá bán trung bình 35 triệu đồng/tấn.

ADQuảng cáo

Ngoài việc phục vụ thị trường trong nước, khoảng 50% sản phẩm sầu riêng được trang trại Gia Trung xuất khẩu. Hiện nay, sầu riêng trong nước cung đã vượt quá cầu. Vì thế, với việc quả sầu riêng của trang trại đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ nâng cao tính cạnh tranh về chất lượng để các đối tác lựa chọn cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài sản phẩm măng cụt, sầu riêng thuộc thành phố Gia Nghĩa, huyện Đắk Mil có 2 sản phẩm trái cây đạt OCOP hạng 3 sao, gồm: bơ VietGAP của hộ gia đình ông Hồ Văn Hoan, xã Đắk Lao và bưởi da xanh ruột hồng của trang trại Hải Nguyên, xã Đắk Sắk.

Bưởi da xanh của trang trại Hải Nguyên, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) được xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông lần thứ I

Vẫn cần sự “tiếp sức”

Các đơn vị cho biết, khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm có đầu ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, các sản phẩm OCOP là đại diện cho sản phẩm nông nghiệp của mỗi xã, nên cần có sản lượng và quy mô phù hợp. Do đó, các chủ trang trại cho rằng, các sản phẩm nông sản đạt OCOP vẫn cần được hỗ trợ ở nhiều khâu để nâng cao giá trị và tăng lợi ích cho cộng đồng, trong đó có nông dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung, Đắk Nông có nhiều thuận lợi phát triển đa dạng cây ăn trái, trong đó có sầu riêng. Thực tế, nhiều cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng một số cây ăn trái của nước ta phải “giải cứu” do thị trường trong nước và quốc tế cung vượt cầu hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn của đối tác. Vì vậy, tỉnh ta cần có kế hoạch, quy hoạch vùng trồng cây ăn trái và quản lý tốt cả về sản xuất lẫn chất lượng, giá trị của sản phẩm đạt OCOP mới nâng lên.

Anh Nguyễn Văn Đảm, chủ trang trại Hải Nguyên, xã Đắk Sắc cho biết, trang trại hiện có 5 ha bưởi được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hiện tại, vườn bưởi đang cho thu bói và năm nay ước thu khoảng 20 tấn quả. Sản phẩm đã được vào hệ thống siêu thị thông qua đơn vị trung gian. Năm sau, vườn bưởi dự kiến đạt 60 tấn quả.

Hiện UBND huyện Đắk Mil hỗ trợ trang trại Hải Nguyên thủ tục thành lập tổ hợp tác trồng bưởi và chứng nhận diện tích đạt VietGAP. Về đầu ra, trang trại không lo, nhưng đơn vị muốn hướng tới việc xây dựng thương hiệu cho trái bưởi của Đắk Nông. Vì thế, anh Đảm mong rằng, thời gian tới nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để tiến tới thực hiện những kế hoạch cao hơn.

Theo nhiều hộ trồng cây ăn trái, một trong những khó khăn hiện nay trong việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, bà con rất cần sự tạo điều kiện trong việc tiếp cận nguồn vốn. Thời gian qua, đa số các hộ vay vốn ngân hàng trồng cây ăn trái, nhưng phải vận dụng nguồn vốn vay kinh doanh để được nâng cao mức vay và đương nhiên phải chịu mức lãi suất cao hơn so với nguồn vốn vay sản xuất nông nghiệp. Vì thế, nông dân rất cần có chính sách tạo điều kiện cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thuận lợi trong vay vốn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
OCOP nâng tầm giá trị trái cây trên thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO